Khoảng 1/4 các cặp không thể thụ thai được trong năm đầu tiên và đôi khi giai đoạn khó khăn này kéo dài lâu hơn.
Vô sinh là kết quả của nhiều yếu tố từ cả hai người bạn đời. Trong một vài trường hợp, dù được kiểm tra kỹ, nguyên nhân vẫn không thể tìm ra. Người ta gọi đó là vô sinh không rõ nguyên nhân. Tham khảo những thông tin hữu ích sau trên BBC.
Thường mất bao lâu để có thai?
Nếu bạn "yêu" 2 đến 3 lần mỗi tuần, bạn có từ 20 đến 30% cơ hội thụ thai trong bất kỳ tháng nào. Trung bình, các cặp vợ chồng (với người vợ dưới 35 tuổi) mất khoảng 6 tháng để có thai. Tuy nhiên, cũng không phải là bất thường nếu một vài đôi phải đợi đến 2 năm mới "ra hoa kết trái", số liệu của Ủy bạn Phôi học và Sinh sản người (Anh) cho thấy.
30% các cặp có thai trong vòng một tháng quan hệ (từ khi họ bắt đầu muốn có con)
75% mang bầu trong vòng 6 tháng.
90% có thai trong vòng một năm.
Thời gian nào dễ thụ thai nhất
Để đậu thai, tinh trùng của người đàn ông cần gặp trứng của phụ nữ trong giai đoạn rụng trứng. Giai đoạn này xảy ra 14 ngày trước khi có kinh nguyệt. Vì thế, nếu một người phụ nữ có chu kỳ kinh đều đặn 28 ngày, việc rụng trứng sẽ xảy ra ở quanh ngày 14. Nếu chu kỳ dài hơn, hoặc ngắn hơn, hãy đếm ngược 14 ngày kể từ lần có kinh sắp tới.
Khi nào cần bác sĩ hỗ trợ
Nhiều bác sĩ khuyên rằng các cặp đôi nên đến bác sĩ sau 2 năm quan hệ thường xuyên không bảo vệ mà vẫn không có thai.
Là phụ nữ, hãy đến gặp bác sĩ nếu:
- Tuổi 35 hoặc hơn và không thể đậu thai trong một năm sau khi ngừng dùng biện pháp tránh thai. Nếu ở tuổi 38, đừng chần chừ, khả năng sinh sản suy giảm rõ ràng từ tuổi 38 đến 40.
- Từng được chẩn đoán mắc bệnh viêm khung chậu.
- Có kỳ kinh không đều và đã được chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang.
- Từng một lần bị mang thai ngoài tử cung, dẫn đến phải cắt một vòi trứng.
- Từng viêm ruột thừa và phải phẫu thuật ở bụng - tác nhân gây sẹo và tắc vòi trứng.
- Từng xét nghiệm dương tính với chlamydia hoặc bệnh lậu, cả hai đều có thể làm tắc vòi trứng.
- Từng được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung
Là đàn ông, hãy đến gặp bác sĩ nếu:
- Từng bị nhiễm trùng ảnh hưởng đến tinh hoàn - chẳng hạn sau đợt mắc quai bị.
- Từng phẫu thuật tinh hoàn ẩn.
- Từng được điều trị một bệnh hoa liễu như bệnh lậu - gây tắc ống dẫn tinh.
- Từng có trục trặc như xuất tinh sớm hoặc khó cương.
- Làm việc liên quan đến phóng xạ hoặc tiếp xúc với hóa chất công nghiệp.
Những trường hợp đặc biệt
Những trường hợp sau các cặp vợ chồng nên chuẩn bị tinh thần thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản, thay vì chờ đợi cách tự nhiên, bao gồm:
- Từng điều trị ung thư dẫn đến một trong hai người vô sinh.
- Các cặp có một bạn đời nhiễm HIV hoặc viêm gan B, C. Trong những trường hợp này, việc thụ tinh ống nghiệm có thể giúp tránh truyền bệnh cho người khỏe mạnh.
- Các cặp có nguy cơ cao truyền những bệnh di truyền nan y, nguy hiểm như bệnh loạn dưỡng cơ, máu khó đông...
Gặp bác sĩ
Bác sĩ sẽ hỏi về lối sống của các bạn, sức khỏe chung và tiền sử bệnh. Những đánh giá sơ bộ sẽ được rút ra sau một vài xét nghiệm đơn giản, như:
- Xét nghiệm rụng trứng ở nữ.
- Kiểm tra máu để loại trừ các bệnh về hoóc môn, như mãn kinh sớm ở nữ.
- Tầm soát rubella ở nữ.
- Kiểm tra tinh trùng với nam.
- Xét nghiệm Chlamydia.
Nếu các kết quả này là bình thường, các bạn còn trẻ và khỏe mạnh, và thời gian cố gắng thụ thai chưa quá 18 tháng, bác sĩ có thể khuyên bạn tiếp tục thử một thời gian nữa, trước khi giới thiệu bạn đến chuyên khoa.
Đến chuyên khoa ngay
Với phụ nữ, bác sĩ sẽ giục bạn gặp chuyên gia ngay, nếu bạn:
- Đã 35 tuổi hoặc hơn.
- Chu kỳ của bạn chưa đầy 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày, chứng tỏ có trục trặc về hoóc môn cần phải kiểm tra.
- Kiểm tra tại thời điểm rụng trứng cho thấy bạn không có trứng rụng.
- Bạn từng mang thai ngoài tử cung một lần, viêm khung chậu hoặc dạ con, tất cả đều có liên quan đến việc tắc vòi trứng.
- Có bất thường trong hình thái, cấu trúc của cơ quan sinh sản.