Trên thực tế, bất cứ đứa trẻ nào cũng sử dụng các kỹ năng toán học trong suốt quá trình lớn lên của mình. Chẳng hạn, con có 2 cái bánh, bạn xin con 1 cái, con sẽ biết đưa bạn 1 và giữ lại cho mình 1...
Trẻ nhỏ luôn học hỏi rất nhanh và ghi nhớ rất tốt những điều được học bằng cách thực hành. Bởi vậy, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con phát triển kỹ năng toán học sớm hơn và tốt hơn thông qua những trò chơi, hoạt động hàng ngày.
Gợi ý một số trò chơi kích thích tư duy toán học của con một cách hiệu quả.
Nhảy nhót với hình khối
Nói chuyện với con về các hình khối, cắt dán, tô màu và gọi tên những hình dạng đó cùng với con. Bố mẹ có thể cắt những hình khối với kích thước lớn với màu sắc khác nhau. Sau đó, hãy yêu cầu con nhảy vào đúng hình khối mà bố mẹ gọi tên. Trò chơi này sẽ giúp con ghi nhớ các hình khối với đúng tên gọi và hình dạng của nó.
Vừa xếp vừa đếm
Chuẩn bị một giỏ đồ chơi nhỏ, vỏ sò, đá cuội hoặc cúc áo, nút chai. Bố mẹ hãy thử đếm cùng con để xem mình có bao nhiêu đồ vật trong chiếc giỏ nhỏ. Sau đó sắp xếp những đồ vật theo kích thước, màu sắc hoặc chủng loại (như nút chai để riêng, đồ chơi để riêng, đá cuội để riêng). Trò chơi này giúp con làm quen với các số đếm một cách nhẹ nhàng và dễ nhớ.
Tập gọi điện thoại
Khi em bé lên 3 tuổi, hãy bắt đầu dạy cho con cách nhận biết số điện thoại bằng một bảng to ghi số điện thoại của bố và mẹ. Cùng con luyện tập mỗi ngày, cho con dùng điện thoại của bố gọi cho mẹ và ngược lại.
Việc được sử dụng điện thoại, bấm số và gọi cho mọi người sẽ khiến các chữ số dễ dàng được ghi nhớ trong đầu con hơn. Và, ghi nhớ số của bố mẹ cũng hoàn toàn cần thiết để tránh những trường hợp con bị lạc nơi đông người.
Phân biệt to-nhỏ
Chỉ cho con thấy về kích thước của các đồ vật xung quanh con. Đặt ra cho con những câu hỏi đâu là thứ to nhất, đâu là thứ nhỏ nhất. Hay mình có thể đặt tủ lạnh vừa vào hộp kem không? Những câu hỏi dễ đoán và có chút hài hước sẽ khiến con hứng thú hơn, con cũng học được cách ước lượng và so sánh kích thước của các vật với nhau.
Đồng hồ cát ảo thuật
Sử dụng đồng hồ cát có thời gian chảy cát ngắn khoảng 1 - 3 phút. Trước khi bắt đầu cho con nhìn vào số phút đang hiển thị trên đồng hồ của bố mẹ. Sau khi đồng hồ cát chảy hết, cho con thấy sự thay đổi của số phút vừa trôi qua. Điều này giúp con phát triển ý thức về thời gian và hiểu rằng có những việc mất ít thời gian, có việc mất nhiều thời gian. Con cũng sẽ bắt đầu hiểu về giờ giấc, sớm hơn hay muộn hơn.
Cùng nhau học giờ
Dùng một tấm bìa tròn, khoét 2 lỗ nhỏ để gắn kim giờ và kim phút. Bố mẹ viết đủ từ 1 - 12 lên mặt đồng hồ giấy này và bắt đầu cho con hiểu những khái niệm đầu tiên về giờ đúng. Khi kim dài chỉ vào số 12, kim ngắn chỉ vào số bất kỳ thì đó là giờ đúng. Hãy hỏi con những câu về giờ để con có thể xoay kim đúng như mấy giờ con ngủ dậy, mấy giờ nhà mình ăn cơm... Trò chơi này cần sự kiên nhẫn và sáng tạo từ bố mẹ để đạt được hiệu quả tối đa.
Những tờ lịch ngộ nghĩnh
Sử dụng lịch để nói về ngày thứ mấy của tháng, và thứ mấy trong tuần. Xây dựng kỹ năng tư duy logic cho con bằng cách nói về ngày và hoạt động liên quan như thứ 2 đến thứ 6 mọi người đi làm, thứ 7, chủ nhật thì cả nhà được đi chơi cùng nhau. Hoặc đánh dấu cho con biết ngày bao nhiêu con sẽ được về quê, ngày bao nhiêu là sinh nhật ai đó.
Ai bao nhiêu tuổi ?
Kể với con về số tuổi của mọi người trong nhà. Giải thích cho con mối liên hệ giữa số tuổi và hình dáng bên ngoài của mọi người. Ông bà nhiều tuổi nhất tức là già nhất. Con ít tuổi nhất tức là bé nhất. Điều này vừa giúp con học về con số, vừa giúp biết so sánh và hiểu già, trẻ là như nào.
Dài hơn, ngắn hơn
Cắt những đoạn giấy dài ngắn khác nhau, bố mẹ hãy để con sắp xếp theo thứ tự từ dài nhất đến ngắn nhất hoặc ngược lại. Bố mẹ cũng có thể yêu cầu con sắp xếp các đoạn giấy theo theo màu và tìm ra những đoạn giấy dài nhất và ngắn nhất của mỗi màu. Điều này giúp con học cách ước lượng, so sánh trong khi học toán.
Biểu đồ thời tiết
Chọn một tờ giấy khổ lớn, cho con những sticker trời nắng, trời mưa và trời râm để con dán mỗi ngày dựa theo thời tiết của ngày đó. Cuối tuần, cùng con xem lại tuần vừa rồi có bao nhiêu ngày nắng, bao nhiêu ngày mưa và bao nhiêu ngày trời râm mát. Bố mẹ cũng có thể kẻ các cột để thể hiện số ngày của từng loại thời tiết, sau đó nhờ con nối các điểm với nhau. Đây là bài học đơn giản đầu tiên về biểu đồ cho con.