Trong cuộc sống hàng ngày, không phải lúc nào mọi việc cũng đơn giản và dễ dàng với con. Sẽ có rất nhiều thời điểm con gặp phải khó khăn cần khắc phục, có những khi con cần được an ủi sẻ chia, và đó là lúc bố mẹ cần ở bên để giúp đỡ con nhiều nhất.
Mỗi đứa trẻ đều có thể đối diện và vượt qua khó khăn theo cách khác nhau, và phần nhiều phụ thuộc vào lời dạy dỗ của bố mẹ. Con sẽ tự tin, biết suy nghĩ chín chắn và nuôi dưỡng ý chí kiên cường của mình nếu bố mẹ chăm chỉ sử dụng 7 câu nói đặc biệt này với con mỗi ngày.
1. "Bố mẹ rất tiếc vì điều vừa xảy ra, nhưng con cũng đã rút ra được kinh nghiệm nào đó cho bản thân phải không?:
Hiệu quả đem lại: Giúp con suy nghĩ tích cực.
Sử dụng khi: Con cảm thấy mình thất bại khi làm sai một việc nào đó.
Câu nói trên của bố mẹ sẽ giúp con lấy lại được tinh thần vì ngoài chuyện thất bại ra con cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân mình. Bố mẹ cũng nên giải thích với con rằng việc sai lầm là điều mà ai cũng gặp phải trong cuộc sống thường ngày, nhưng cách vượt qua thất bại mới là điều đáng tuyên dương.
Khi trò chuyện với con, nếu trẻ khó khăn trong việc rút ra kinh nghiệm thì bố mẹ hoàn toàn có thể gợi ý cho con, cùng con làm một việc tích cực để xua tan cảm xúc khó chịu của con.
2. "Ngoài cách này ra, con có nghĩ ra được cách làm nào khác không nhỉ?"
Hiệu quả đem lại: Giúp con tư duy linh hoạt.
Sử dụng khi: Con đang tìm câu trả lời cho bất kỳ những vấn đề mà con thắc mắc.
Khi sử dụng câu hỏi này với trẻ, bố mẹ đã khơi gợi tư duy linh hoạt cho trẻ ngay từ khi con còn nhỏ. Chính tư duy này sẽ giúp con biết cách nhìn vấn đề theo nhiều hướng khác nhau để tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất. Không chỉ vậy, con cũng sẽ có xu hướng suy nghĩ sáng tạo chứ không bó hẹp vào một đáp án cho một câu hỏi.
3. "Chuyện này thì tệ thật đấy, nhưng mình vẫn còn điều khác để vui vẻ mà con"
Hiệu quả đem lại: Xua tan cảm giác tiêu cực của con.
Sử dụng khi: Con gặp phải một vấn đề "cực lớn" đối với con và cảm giác như mọi thứ sụp đổ hết.
Đây là một biện pháp đơn giản để bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể kéo đứa trẻ của mình ra khỏi vũng lầy của sự tự ti, buồn bã và thất vọng về bản thân. Bố mẹ cần phải chỉ rõ cho con thấy rằng dù vấn đề có lớn đến thế nào cũng luôn có cách giải quyết, con vẫn luôn có bố mẹ ở bên để hỗ trợ và ủng hộ con. Sau khi cảm xúc của con tốt hơn, bố mẹ hãy cùng con tìm cách giải quyết vấn đề theo cách tích cực nhất.
4. "Đừng quá lo lắng và cứ vui lên vì mọi thứ đều ổn con yêu ạ"
Hiệu quả đem lại: Mang lại sự hài hước cho trẻ
Sử dụng khi: Con phải tiếp nhận những thông tin tiêu cực và làm trầm trọng hóa vấn đề mà con gặp phải.
Câu nói này đã được rất nhiều bố mẹ áp dụng trong những ngày tránh dịch rất dài vừa rồi. Trẻ nhỏ khi phải tiếp xúc với những thông tin tiêu cực từ người lớn, đài báo con sẽ cảm thấy lo sợ và hoang mang. Điều này rất bất lợi cho sự phát triển não bộ và thể chất của trẻ nên bố mẹ cần chú ý khích lệ tinh thần và động viên con rằng mọi chuyện đều ổn, không có gì phải quá lo lắng cả.
5. "Con có muốn nói điều khiến con không vui với bố mẹ không?"
Hiệu quả đem lại: Giúp con cảm thấy được chia sẻ.
Sử dụng khi: Con buồn bã, thu lu một góc và không muốn nói chuyện với ai.
Chính câu hỏi thăm ân cần này sẽ là cầu nối để bố mẹ hiểu được bạn nhỏ của mình đang gặp vấn đề gì. Thông qua cuộc nói chuyện với con, bố mẹ sẽ tìm ra được nguyên nhân để sử dụng cách giải quyết phù hợp nhất cho vấn đề của con. Nếu như con từ chối chia sẻ, bố mẹ không nên gặng hỏi ngay lập tức mà nên xoa dịu tinh thần cho con để con cảm thấy thoải mái hơn.
6. "Con thử tự làm việc này xem sao nhé?"
Hiệu quả đem lại: Trao cho con tính độc lập
Sử dụng khi: Con chần chừ lo lắng không dám làm một điều mới mẻ nào đó.
Nếu muốn con hăng hái khám phá những điều mới mẻ và rèn luyện tính độc lập thì những câu nói này hoàn toàn phù hợp để bố mẹ sử dụng cho con. Chính sự động viên và khích lệ của bố mẹ sẽ khiến con có thêm tự tin để tự mình làm mọi việc.
Khi con hoàn thành công việc, dù thành tích đạt được như thế nào bố mẹ vẫn nên cổ vũ con bằng những lời khen vừa phải. Điều này sẽ giúp con có thêm động lực cố gắng cho những lần tiếp theo và hoàn thiện khả năng của mình hơn nữa.
7. "Con có muốn cố gắng thêm một lần nữa không?"
Hiệu quả đem lại: Rèn luyện tính kiên trì cho trẻ.
Sử dụng khi: Con gặp thất bại trong khi làm một điều gì đó mà con yêu thích.
Đừng sử dụng những câu nói mang tính tiêu cực khi trẻ làm sai hay gặp thất bại ở những điều mà chúng yêu thích rằng "con không biết làm mà còn đòi" hay "con làm như thế là sai rồi". Bởi những câu nói này sẽ khiến sự kiên trì và niềm tin vào bản thân của trẻ biến mất ngay lập tức. Bố mẹ cần tinh tế nhận ra những điểm tốt mà con đã đạt được và nêu ra những điều chưa đạt. Sau đó cùng con thử lại và hoàn thiện những điều chưa đạt theo cách mà con muốn.