Khi tôi lựa chọn dạy con tại nhà, có nhiều phản ứng khác nhau. Một kiểu phản ứng cho rằng cha mẹ tự dạy con sẽ là một quá trình rất gian nan - vì làm sao cha mẹ có thể gánh vác được vai trò của cả một nền giáo dục mà bao nhiêu thầy cô cũng phải chật vật mới có thể gần lo liệu được?
Nếu bạn là người ủng hộ hình thức học truyền thống, bạn sẽ khó mà chấp nhận được cách tiếp cận của tôi: con tôi có thể học bất kì lúc nào, dù đang ăn, đang đi siêu thị, đang chạy nhảy, đọc sách… và thậm chí có thể học sát giờ ngủ. Con tôi có quyền từ chối học bất kì lúc nào nếu bé không sẵn sàng cho nội dung học, không trong tâm trạng để học, hoặc không thích nội dung học.
7 nguyên tắc dạy con tại nhà
1. Không có thời gian biểu cứng nhắc; không có địa điểm cứng nhắc; không có hình thức học cứng nhắc.
2. Không có nội dung đúng hay sai, chỉ có nội dùng phù hợp hoặc không phù hợp với bé.
3. Bé và mẹ đều phải ở trong tâm trạng thoải mái; không vui, không học.
4. Không có ranh giới giữa chơi và học, bất kì lúc nào cũng có thể vừa là giờ học vừa là giờ chơi.
5. Không đặt giới hạn thời gian theo mục tiêu học và thời lượng học. Ví dụ: tôi không bao giờ đặt mục tiêu con tôi phải học thuộc bảng chữ cái trong 1 tuần, hay học thuộc số đếm từ 20 tới 30 trong tuần tới.
6. Không học thuộc lòng, không kiểm tra; chỉ có đối thoại giữa hai mẹ con.
7. Nhạy cảm với bé để nắm được khi nào phù hợp để dạy gì và khi nào nên ngưng.
Con tôi có thể học bất kì lúc nào, dù đang ăn, đang đi siêu thị, đang chạy nhảy, đọc sách… và thậm chí có thể học sát giờ ngủ (Ảnh minh họa).
Nếu bố mẹ hiểu được các nguyên tắc cơ bản trên, việc dạy con có thể đơn giản và rất hiệu quả (và không một thầy cô giáo nào có thể làm được) mà lại vô cùng dễ dàng, vui vẻ cho cả bố/mẹ và con.
Trước khi lên 3, con tôi đã thuộc bảng chữ cái cũng như nhận diện số từ 1 đến 20 trong tiếng Anh. Vào một buổi tối, lúc 11 giờ kém, khi hai mẹ con tôi đang nằm trên giường chuẩn bị đi ngủ, tôi lấy điện thoại ra xem giờ và mở ứng dụng máy tính để làm một vài phép tính cần thiết thì bé nhìn thấy. Bé rất tò mò về ứng dụng và tỏ ra rất thích thú với các con số. Trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ: đây là chính thời điểm dạy số từ 20 đến 100. Vậy là tôi ấn số trên điện thoại và dạy con tôi đọc số bằng tiếng Anh: đầu tiên là 20, 30, 40 cho tới 100 (sau đó là cả 200, 300, 400,..); sau đó là các số còn lại bất kì như 33, 45, 62, 73,...
Như nguyên tắc tôi đã chia sẻ, thời điểm đó phù hợp do hội tụ đầy đủ các yếu tố sau:
- Con tôi đang trong tâm trạng thoải mái, lại tò mò.
- Tôi cũng thoải mái, không bận bịu hay khó chịu gì.
- Con tôi đã thuộc các số từ 1 -20, thậm chí có thể đếm đúng đến tận 33 với một chút giúp đỡ từ tôi.
- Con tôi đã từng làm quen với số hàng trăm và hàng nghìn.
Giờ học đó chỉ ngắn ngủi, có lẽ chưa tới 10 phút khi bé thứ hai nhà tôi mới được 6 tháng dậy và đòi ăn. Vậy là tôi vừa cho bé nhỏ bú vừa tiếp tục giúp bé lớn học. Lẽ ra là tôi đã ngừng vì lúc đó là 11 giờ đêm, nhưng bé lớn vẫn muốn tiếp tục. Sự khác biệt lúc này (so với 10 phút trước đó) là bé tự cầm điện thoại ấn số lấy, và hỏi tôi "What's this?". Vậy là bé ấn thử từ số 2 chữ số này tới số 2 chữ số khác, còn tôi chỉ việc giúp bé trả lời đúng. Một vài lần đầu, tôi trả lời luôn cho bé. Các lần sau, tôi chỉ giúp bé nói phần đầu, bé tự đoán phần còn lại.
Ví dụ: với số 72, tôi nói "seventy- " rồi ngừng lại, ra hiệu cho bé nói nốt; còn bé nói "two". Nếu bé trả lời không biết, tôi sẽ giúp bé. Có lúc bé nhấn số 27 và đọc thành 72, tôi sẽ sửa lại cho bé.
Một số lưu ý quan trọng khi áp dụng homeschool cho con
Mong đợi thực tế
Trẻ con (thậm chí cả người lớn) không thể nắm ngay được một nội dung mới sau một lần giới thiệu. Vậy nên cha mẹ đừng bao giờ mong đợi điều này. Đây là mong đợi vô cùng xa vời thực tế, không hợp lý dành cho trẻ đi học ở trường. Một trong nhiều nguyên nhân là thời lượng trên lớp thực sự rất có hạn, và sĩ số thì thường quá đông, không cho phép giáo viên có thể hiểu rõ từng trẻ.
Cha mẹ cũng cần tìm hiểu kĩ về các đặc điểm phát triển tự nhiên và khả năng nhận thức của trẻ theo từng độ tuổi để biết con mình đã sẵn sàng cho nội dung gì.
Vai trò của cảm xúc
Cảm xúc đóng một vai trò rất quan trọng trong việc học. Cha mẹ nên hết sức nhạy cảm để tránh gây ra căng thẳng cho bé. Trên thực tế, nếu chúng ta có thể điều chỉnh mong đợi dành cho bé, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy không bị hối thúc bởi các mục tiêu. Càng thư giãn và càng thích thú thì bé càng dễ học và cha mẹ càng dễ dạy.
Hãy kết hợp cả khiếu hài hước của bạn nữa. Sẽ rất hữu dụng!
Càng thư giãn và càng thích thú thì bé càng dễ học và cha mẹ càng dễ dạy (Ảnh minh họa).
Học qua ví dụ
Học thuộc lòng không giải quyết được gì. Cha mẹ cần tránh diễn giải quy tắc và lý thuyết trừu tượng. Hãy để trẻ học qua vô vàn ví dụ, và tự đúc kết nguyên tắc cho bản thân. Điều này nghe có vẻ khó, nhưng trẻ nhỏ hoàn toàn có khả năng làm điều đó. Chúng chỉ không có đủ khả năng ngôn ngữ để diễn giải lại những gì chúng đã học được mà thôi!
Người dạy phải sẵn sàng từ bỏ cái tôi của mình để tha thứ cho mình cũng như bỏ qua cho trẻ
Có lúc tôi dạy không thành công. Đó là bởi vì tôi nắm bắt sai thời điểm, chọn sai nội dung tại thời điểm đó, hoặc con tôi không hứng thú. Đây là điều rất bình thường. Tôi không hề coi đó là thất bại. Nhưng nếu bạn coi đó là thất bại, hoặc coi đó như một khiếm khuyết của bản thân, bạn phải biết bỏ qua cho bản thân mình để tiếp tục dạy trẻ. Đừng quá vướng mắc vào "thất bại" đó mà cho rằng mình không có khả năng, cũng đừng quá băn khoăn để tạo ra căng thẳng hoặc lo lắng cho lần dạy kế tiếp.
Nếu trẻ không hiểu, đó là do cách tiếp cận của bạn, không phải tại trẻ. Mỗi trẻ một khác. Vì vậy, xin đừng cho rằng một cách tiếp cận đã có kết quả với trẻ khác chắc chắn sẽ có kết quả với con bạn. Bạn phải tự điểu chỉnh để cách dạy phù hợp với con bạn nhất có thể. Và chỉ có bạn làm được điều đó!
Nếu trẻ không hiểu, rất có thể bạn không hài lòng. Nhưng đó không phải là lỗi của trẻ. Bố mẹ phải biết vui vẻ bỏ qua việc không hiểu đó.
Trong quá trình dạy con, tôi phải tự học rất nhiều để giúp được con. Hãy nhớ đến khi bạn đi máy bay: người ta luôn nhắc bạn trong các tình huống khẩn cấp, hãy nhớ đeo mặt nạ dưỡng khí cho bạn trước rồi mới đến con bạn. Muốn giúp trẻ thì phải có khả năng tự giúp mình, tự trang bị hiểu biết cho mình trước. Trong quá trình dạy con, tôi hiểu ra rằng con học là phụ, mà cha mẹ học là chính! Nếu cha mẹ “học giỏi”, trẻ khắc học giỏi theo!
Đặng Nam Phương - 28 tuổi, mẹ của hai cô công chúa Bư, 4 tuổi và Siêu Tăm, 1 tuổi. Hiện tại, Nam Phương đang làm mẹ toàn thời gian và theo đuổi phương pháp homeschool cho con. Bé Bư được mẹ dạy tiếng Anh tại nhà từ khi 1 tuổi và đến giờ có thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy với mẹ. |