Nguyễn Hoàng Trúc (sinh năm 1990), chủ nhân một quán cà phê nổi tiếng ở Đà Lạt và vừa mở một hostel như một cách để khám phá thế giới” |
Bỏ việc nha khoa vì tình yêu sét đánh với ly cà phê Latte Art
Mình học ngành Kỹ thuật nha khoa vì mê những chiếc răng giả. Mình vốn thích tự tạo thứ gì đó bằng tay, làm răng cũng giống như làm đồ handmade vậy, nên mình cực thích những giờ thực hành răng giả. Cứ học đến răng nào mình cũng lên mạng tìm hiểu để khắc bằng được cái răng đó, nhiều khi mình ngồi vào bàn làm răng từ 7 giờ tối đến 3 giờ sáng mà cũng không hay biết. Nghề kỹ thuật viên nha khoa hồi đó cũng kiếm được nhiều tiền, những người làm giỏi có thể kiếm được từ 20 - 30 triệu/tháng. Mình có mơ ước sau này ra trường, mình sẽ làm việc tầm 5 năm, sẽ trở thành một người làm răng giỏi rồi đầu tư mở một phòng lab nha khoa dạy cho những người khuyết tật làm công việc này. Học vui là thế, mình yêu nghề là thế, nhưng khi đi làm chính thức trong một phòng lab nha khoa, mình bị vỡ mộng.
Trước khi mở quán cà phê, Hoàng Trúc là một kỹ thuật viên nha khoa giỏi nghề.
Trúc vốn thích làm những món đồ hanmade nên cô rất thích tự tay làm ra những chiếc răng giả.
Mình làm việc trong một công ty Nhật chuyên làm răng bằng công nghệ cao, răng được làm bằng máy chứ không làm bằng tay. Độ chính xác của chiếc răng giả do máy làm sẽ cao hơn nhưng mình yêu nghề này vì có thể tự tay mình làm ra sản phẩm. Thời điểm mình ra trường có rất nhiều phòng lab nha khoa mở ra làm răng giả nên thị trường rất cạnh tranh. Càng cạnh tranh, sếp càng muốn mình làm vừa đẹp, vừa đúng lại vừa nhanh nên đồng nghiệp ở môi trường này ganh đua nhau lắm, vì ai làm nhanh hơn, đẹp hơn thì lương sẽ cao hơn. Buồn hơn nữa là mỗi ngày mình cứ ngồi một mình trong phòng lab làm việc từ sáng đến tối, không giao tiếp với ai khác ngoài răng và răng. Mình nghĩ nếu cứ tiếp tục làm ở đây có thể lương sẽ rất tốt, mình sẽ làm ra những cái răng đẹp hơn qua thời gian nhưng còn kiến thức xã hội, các mối quan hệ, mình sẽ chẳng có gì cả, tuổi trẻ của mình chán chường vậy sao?
Rồi một buổi chiều đẹp trời, mình bị ly cà phê latte art đánh gục. Khi tìm hiểu về nghệ thuật vẽ hình trên ly cà phê, mình mê quá bèn đi học một khóa barista ở Sài Gòn. Học xong, mình xin vào làm không lương ở quán cà phê của thầy để có cơ hội thực tập pha chế nước uống. Từ ngày vào làm ở quán, không đêm nào mình ngủ được vì suy nghĩ rất nhiều về chuyện làm cách nào nghỉ việc ở phòng lab nha khoa mà không làm mẹ mình lo lắng. Hồi phổ thông mình học bình thường thôi, nhưng khi ra Đà Nẵng học ở trường Cao đẳng Y tế mình học rất tốt và khi đi thực tập làm răng, ai cũng khen mình có tiềm năng, rằng mình đã chọn đúng ngành rồi. Mẹ rất tự hào về mình khi đã theo đuổi ngành nha khoa, nhưng nếu mình không đi tiếp con đường này nữa, mình không biết phải ăn nói thế nào với mẹ.
Sau khoảng thời gian trăn trở về nghề nghiệp, một ngày nọ Trúc đã bị ly cà phê latte art đánh gục. Cô chính thức bỏ nghề làm răng giả để theo đuổi tình yêu với nghề barista.
Rồi gia đình có chuyện riêng, mình quay trở về Đà Lạt sinh sống và tiếp tục làm việc trong một phòng lab nha khoa khác cho đến một ngày phát hiện có một quán cà phê ở Đà Lạt có món latte art mà mình yêu thích. Môi trường làm việc ở đây toàn người trẻ và giỏi, mình thích lắm nên từ việc làm thêm một tuần ba buổi, mình làm đủ các buổi tối trong tuần. Đi làm một thời gian, các bạn trong quán biết mình không thích công việc đang làm, bèn thuyết phục mình nghỉ việc. Đó là lúc mình chính thức bỏ nghề làm răng.
Vay 100 triệu mở quán cà phê có nàng thơ ẩn nấp khắp nơi
Ước mơ tiếp theo của mình là muốn trở thành người quản lý quầy bar. Mình chỉ ước trong đầu vậy thôi, ai ngờ mới đi làm một tháng mình đã được đề nghị lên làm vị trí đó. Mình trở thành người phụ trách công thức nước uống, huấn luyện nhân viên, đảm bảo chất lượng món uống để sao ly nào pha ra cũng giống nhau. Có lẽ mình là kiểu người khi đã đạt được mục tiêu thì lại muốn chinh phục những thứ khác. Sau 1.5 năm quản lý quầy bar, mình thấy không còn việc gì để làm ở đây nữa.
22 tuổi, sau một thời gian ngắn vào nghề, Trúc đã quyết định vay tiền để mở một quán cà phê.
Năm 22 tuổi, mình vay 100 triệu góp vốn cùng một người bạn mở một quán cà phê bán kèm bánh ngọt. Giờ nghĩ lại mới thấy mình liều, cả hai đứa mình không ai biết gì về kinh doanh, tài chính lẫn marketing, mở quán chỉ vì thích nên khó khăn đủ đường. Không biết cân đối chi tiêu, cứ làm ra đồng nào tiêu sạch đồng đó, thuê hàng loạt nhân viên rồi còn mua máy pha cà phê trả góp vì không đủ vốn, đến giờ mình cũng không hiểu vì sao thời gian đó lại liều dữ vậy. Nhưng vì lì nên bọn mình cứ vừa làm vừa học, va chạm rồi mới để ý khách hàng thế nào thì quán thay đổi theo.
Quán của Trúc nằm trên đường Phan Đình Phùng, là một trong những quán cà phê khá nổi tiếng ở thành phố Đà Lạt.
Quán có rất nhiều đồ lưu niệm handmade.
Dù không có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng quán mình có những món uống đặc biệt và được nhiều khách hàng yêu thích như sinh tố kết hợp nhiều loại trái cây tươi đặc sản của Đà Lạt, caramel muối, cafe chuối, cà phê trứng, bánh brownies, chocolate masmalow, trà Masalacha… Khách hàng cứ thế truyền miệng rồi dẫn nhau đến quán, giờ thì quán mình cũng nổi tiếng ở Đà Lạt sau 4 năm hoạt động, dù trong suốt 1 năm kinh doanh đầu tiên, có tháng mình không nhận đồng lương nào.
Quán có nhiều món uống đặc biệt được khách hàng yêu thích như cà phê chuối.
Sinh tố trái cây tươi (món này tên là The Lovers: có dâu tằm, chanh dây, việt quất )
Bánh brownies và cà phê latte .
Chai latte .
Vì quán nhỏ, mục tiêu kinh tế như ban đầu không đạt được như mình mong đợi nên mình hướng đến những con người trong đó. Quán cà phê này giống như một trải nghiệm tuổi trẻ, đối với mình việc quán tồn tại bao lâu không quan trọng bằng việc quán sẽ mang đến những giá trị gì trong thời gian tồn tại. Slogan của quán “Find joy in the ordinary” là hy vọng những vị khách hàng đến đây sẽ tìm thấy niềm vui, sẽ được truyền cảm hứng, sẽ nhận ra bản thân họ cần gì và can đảm dấn thân với ước mơ của họ. Khi làm bất kỳ món đồ nào, từ những vật dụng trang trí trên tường, đồ uống, vòng tay handmade, bọn mình đều mong điều tốt đẹp sẽ đến với những người đặt chân đến nơi này, hay trong khi cặm cụi làm những quyển sổ tay, bọn mình hướng đến ý nghĩ quyển sổ này sẽ giúp thay đổi cuộc đời những ai mua nó về.
“Khi cặm cụi làm những quyển sổ tay, bọn mình hướng đến ý nghĩ quyển sổ này sẽ giúp thay đổi cuộc đời những ai mua nó về”
Slogan của quán “Find joy in the ordinary” là hy vọng những vị khách hàng đến đây sẽ tìm thấy niềm vui, sẽ được truyền cảm hứng, sẽ nhận ra bản thân họ cần gì và can đảm dấn thân với ước mơ của họ.
“Trên fanpage bọn mình kể một câu chuyện là có một nàng thơ ở bên trong quán, nàng sẽ ở đó lắng nghe câu chuyện của bạn”
Ai đến đây có mong ước gì có thể viết giấy note gắn lên tường và có nhiều mơ ước đã tình cờ xảy ra trong đời thật.
Ý nghĩ tích cực sẽ thu hút những điều tốt đẹp đó bạn. Có một chị kể rằng khi đặt chân đến đây chị ấp ủ trong lòng ý muốn mở một quán cà phê và giờ chị ấy đã mở một quán cà phê to hơn quán mình gấp 3-4 lần. Trên fanpage bọn mình kể một câu chuyện là có một nàng thơ ở bên trong quán, nàng sẽ ở đó lắng nghe câu chuyện của bạn. Ai đến đây có mong ước gì có thể viết giấy note gắn lên tường. Cách đây vài tháng, có một cặp đôi đến quán rồi kể hồi xưa chị từng đến đây uống cà phê một mình, ngồi viết note gắn lên tường. Hình như nàng thơ đã nghe thấy, sau đó anh cũng đến quán một mình uống cà phê rồi mua tặng chị quyển sổ, bây giờ họ là vợ chồng. Những câu chuyện nho nhỏ từ khách hàng trở thành nguồn động lực để bọn mình vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì quán cà phê nhỏ bé này.
Mở hostel là một cách khác để đi du lịch thế giới
Không hiểu sao quán cà phê của mình thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài, ai đến đây cũng khen “Quán nhỏ và dễ thương quá”. Có nhiều khách tâm sự họ đi du lịch lâu rồi bây giờ mới tìm thấy được hương vị quê nhà khi thưởng thức cà phê ở quán.
Sau 4 năm mở quán cà phê, Hoàng Trúc mở một hostel để thỏa mãn mơ ước được đi du lịch thế giới.
Hostel giống như nhà nghỉ nhỏ dành cho những người đi du lịch bụi nhiều, cần một nơi để nghỉ đủ thôi chứ không cần ở sang trọng như khách sạn. Hostel thường có giường nhiều tầng, giống như giường ở các khu ký túc xá.
Trúc cũng tự mày mò, tìm hiểu mọi thứ để thiết kế nên hostel này. Mới mở chỉ gần ba tháng, mỗi tuần hostel của Trúc đón 25 du khách quốc tế.
Khi càng tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, nghe họ kể chuyện, ai cũng sẽ có mong muốn được đi du lịch khắp nơi. Giống như câu chuyện của một anh chàng đi vòng quanh thế giới đến nơi nào cũng mang theo một cái bếp, một cái chảo để làm bánh cho bọn con nít ăn. Khi bạn trò chuyện với những nhân viên trong quán, mình nhận thấy đi du lịch và làm một điều gì đó có ích là chuyện rất hay ho. Mình mở hostel cũng là một phần để thỏa mãn ước mơ được đi du lịch thế giới khi mình vẫn còn vướng bận nhiều thứ trong gia đình, mình muốn chăm sóc bố mẹ và lo cho hai em đi du học. Hostel nhà mình mới mở chỉ tầm hơn hai tháng thôi nhưng tuần nào cũng đón 25 lượt khách. Có cặp vợ chồng người Ý là hai vị khách đầu tiên đến hostel để lại một tờ giấy viết rằng những gì bọn mình đang làm truyền cảm hứng cho họ. Chuyện vui từ những vị khách khắp nơi trên thế giới đem đến quán cà phê, đến hostel khiến mình càng có niềm tin vào những gì mình đang theo đuổi. Dù bây giờ mình vẫn chưa đi khám phá thế giới được nhưng mở hostel thế này mình thấy cũng vui, khi nào hostel phát triển hoàn thiện thì mình không còn lo gì nữa, lúc đó mình sẽ đi.
Một tờ giấy note du khách ghi lại trong hostel của Trúc.
Bữa ăn sáng miễn phí tại hostel.
“Mình nghĩ trong cuộc sống này cái gì khó mấy cũng sẽ làm được hết nếu mình thật sự muốn”
Mình nghĩ trong cuộc sống này cái gì khó mấy cũng sẽ làm được hết nếu mình thật sự muốn. Hồi đó, có một khoảng thời gian khi quán cà phê kinh doanh khó khăn quá, mình nghĩ hay mình đi qua Na Uy làm trong siêu thị của dì mình để kiếm tiền. 6 tháng ở Na Uy mình trải nghiệm nhiều việc vui lắm. Mình phụ dì chất hàng, gói rau, đổ rác trong tiệm tạp hóa. Bãi rác của người Na Uy rất đáng ngưỡng mộ, ở đó không có mùi hôi thối mà mọi thứ đều làm âm dưới đất rất sạch sẽ, bãi rác có vô số vật dụng mình có thể đem về nhà dùng được. Khi mình đi làm thêm trong một siêu thị bán hàng châu Á, mình thấy ở đó bán hàng Thái Lan, Trung Quốc rất nhiều, trong khi hàng hóa Việt Nam rất ít. Cũng có lúc mình nghĩ hay là tìm hướng ở lại Na Uy lập nghiệp, nhưng khi quan sát nhiều điều ở nước bạn, mình lại muốn quay về vì còn nhiều việc cần phải làm ở Việt Nam.
Lúc trước mình nghĩ đi vòng quanh thế giới là cái gì đó to lắm, khó lắm. Nhưng khi đi ra nước ngoài rồi, mình mới thấy việc đi không khó như mình nghĩ. Hầu hết các bạn trong quán của mình đều muốn trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài và mình đi trước để chứng minh rằng mình làm được thì các bạn nhất định sẽ làm được.