Nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Maryland (Mỹ) cho thấy, 98% trường hợp khảo sát, áp huyết thường tăng lên khi nói chuyện - dù người nói không ở trong tình trạng tức giận hoặc bị stress. Với người bình thường, huyết áp chỉ tăng nhẹ, còn đối với người bị cao huyết áp, mức tăng cao hơn.

Càng nói nhanh, càng nói lớn thì độ tăng huyết áp càng nhiều. Một nghiên cứu được ghi lại trong sách Arteries cleaned out naturally (Làm sạch động mạch một cách tự nhiên) cũng cho thấy huyết áp tăng lên khi nói chuyện và hạ xuống nhanh chóng khi lắng nghe.

Lắng nghe là một hình thức tập trung tư tưởng, một hình thức thiền. Do đó, lắng nghe có thể tạo ra những đáp ứng thư giãn làm giảm căng cơ, hạ nhịp tim, giảm nhịp thở và hạ huyết áp. Do vậy, để có được chỉ số huyết áp chính xác, không nên nói chuyện trong lúc đo huyết áp. Nếu bạn bị huyết áp cao, nên tập nói chậm.

Khi có triệu chứng huyết áp đang tăng (nhức đầu, mờ mắt, mắt đỏ...) hãy ngồi xuống, tĩnh lặng và lắng nghe để “cắt cơn” cao huyết áp. Có thể nghe một đoạn nhạc hoặc một bài ca êm dịu mà bạn ưa thích, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách từ hòn non bộ hoặc lắng nghe nhịp tim đang đập ở lồng ngực.

Tích cực nhất là lắng nghe âm A do bạn tự phát ra: hít vào bình thường, trong lúc thở ra, miệng và môi hé mở để phát ra âm A. Thở ra chậm, nhẹ và đều. Hơi từ từ thoát ra khỏi miệng như một quả bóng bị xì hơi mà không có bất cứ sự cố sức hoặc kềm nén nào. Hít vào, thở ra, tuần tự từng hơi một. Thường chỉ cần vài phút là có thể thấy được hiệu quả.

Ở mỗi hơi thở, âm A chỉ phát ra một lần và ngân dài cho đến cuối hơi. Phát âm bằng ý niệm, sao cho chỉ có sự rung động trong cổ họng mà không nhất thiết phải có âm thanh phát ra ngoài và tâm lắng nghe âm A do mình phát ra.

Theo khí công cổ đại, âm A liên quan đến trường khí của tâm, tâm bào và tam tiêu trong cơ thể, có tác dụng làm hạ huyết áp và giúp cải thiện chức năng tim mạch.

Theo Lương y Võ Hà

SGTT