Tôi luôn có một giấc mơ kì lạ, hay đến vào những ngày nhớ mẹ nhất. Trong mơ, tôi thấy hình bóng mẹ của những năm rất xa về trước, trong tà áo dài bằng lụa, cổ áo khoét gần tới xương quai xanh, trang điểm thiệt kĩ với mắt kẻ đen, môi trầm hồng nhạt, tóc bới kiểu "bình bông", đúng chuẩn gu thẩm mỹ của phụ nữ đất Sài Thành hồi trước. Khi ấy, mẹ dắt tôi đi lựa vải để về may thêm mấy bộ áo dài, tiện tay mua cho tôi một hai thước vải trắng để may áo học trò ở khu chợ vải nổi tiếng và lâu đời nhất Sài Gòn - Soái Kình Lâm.
Nằm ở vị trí khá lý tưởng của thành phố (số 545, Trần Hưng Đạo, phường 14, quận 5 Tp.Hồ Chí Minh), chợ vải Soái Kình Lâm hay còn gọi là thương xá Đồng Khánh.
Đây ra nơi đặc biệt tin yêu của chị em phụ nữ mỗi khi muốn may cho mình một bộ quần áo thực sự vừa vặn và đúng gu yêu thích.
Ngày trước, hồi mẹ còn ở đây, mẹ hay kể cho tôi nghe những điển tích về khu chợ có cái tên kỳ lạ này. Soái Kình Lâm vốn là tên của một nhà hàng của người Hoa to nhất, nổi tiếng nhất khu Trần Hưng Đạo, quận 5 hồi trước. Nên rồi dần dà người ta quen miệng, cứ nhắc tới khu chợ vải này là gọi ngay Soái Kình Lâm.
Còn đến khoảng 500 cửa hàng bán vải với đủ loại và đủ mọi chất liệu khác nhau.
Khu chợ này cung cấp vải cho khắp lục tỉnh Nam kỳ hồi đó và cả bây giờ cũng vậy với nhiều mức giá khác nhau, tùy vào chất vải và loại vải. Và cũng đến phải hơn 500 cửa hàng còn đang hoạt động trong công cuộc "bán vải cho người may da". Chợ lúc nào cũng nhộn nhịp giữa những sắc màu tươi sáng của những cuộn vải lung linh. Người hỏi mua, người đo, người cắt, người chở hàng…không lúc nào ngớt tiếng cười nói. Và chính đặc trưng riêng của khu chợ ấy đã khiến bao vị khách phải ngẩn ngơ khi vô tình ghé ngang qua.
Một cửa hàng cao cấp bán vải vóc xa xỉ
Mẹ luôn nói, Sài Gòn vượt qua những giai kỳ vàng son theo năm tháng, chạy theo tiếng gọi của những hối hả phù hoa, nên dần dần, không còn nhiều người giữ thú vui tao nhã như tự đến Soái Kình Lâm, vào tiệm vải quen của một bà cô già đeo kính lão, lựa chọn cho mình một sấp vải ưng ý nhất, rồi cứ thế xách thẳng đến cho một ông thợ may "ruột" để cắt, đo, thêu, may tạo nên "bộ da thứ hai" của bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào, đó là áo dài.
"Thử một lần bận chiếc áo dài được cắt đo may theo đúng số của cơ thể mình, bước đi trên đôi guốc cao nhất, con sẽ thấy mình thanh tao, thư thái hơn biết chừng nào" - Tôi nhớ như in câu nói này của mẹ.
"Thử một lần bận chiếc áo dài được cắt đo may theo đúng số của cơ thể mình, bước đi trên đôi guốc cao nhất, con sẽ thấy mình thanh tao thư thái hơn biết chừng nào"
Khi stress, không gì "sướng" bằng việc đi lựa vải may đồ.
Mẹ còn nói, khi stress, không gì "sướng" bằng việc đi lựa vải may đồ. Mà đúng, mỗi khi stress, mẹ hay yên lặng, chọn ăn bận thật đúng gu "đàn bà Sài Gòn", dắt tôi líu ríu đi theo, leo lên một chiếc taxi chạy ngang bất kỳ, một mạch thẳng tới Soái Kình Lâm, vào một sạp vải hoành tráng nhất và... nhắm mắt lại để dùng tay sờ chạm vào từng thớ vải nhiều màu. Tới khi mẹ chạm được sấp vải nào ưng ý, phù hợp với mỹ cảm cá nhân của mình nhất, mẹ sẽ dừng lại, mở mắt và bảo mua ngay.
Với mẹ tôi, vải vóc áo quần như bộ da thứ hai của người phụ nữ.
Phải chi giờ mẹ có ở đây, tôi sẽ rủ rê mẹ đi Soái Kình Lâm lựa vải cho đỡ nhớ ký ức tuổi thơ. Để không chỉ mua vải (bởi tuổi thơ của tôi có mua vải đâu, chỉ mẹ mua thôi, tôi đi theo), mà tôi còn có thể lắng nghe những tiếng nói của những người không quen về những câu chuyện xung quanh từng mét vải, từng cây thước, từng số đo ba vòng về.
Hôm nay, dạo bước một mình trên khu chợ, ngắm người ta đang "lựa vải may da", tôi nghe tiếng một bà chị đi mua mấy mét vải tơ để may đồ ngủ: "bận cho mát mấy tháng hè, Sài Gòn nóng gần chết chị ơi!"; nghe tiếng cô con dâu mua thêm sấp vải may áo tặng mẹ chồng hỉ hả cười: "bà già chồng nói em vải mua đâu đẹp quá, bận nhìn mướt con mắt nên nay quay lại mua thêm, về may cho bả mấy cái áo"; tôi cũng thấy một chị gái lao động bình dân mua vải may áo dài cưới nằn nì: "chị, bớt em chút đỉnh đi, tháng làm không bao nhiêu, giờ cưới mà mua sắm mắc mỏ quá em không có đủ tiền".
Giờ nghỉ trưa, những ông bà chủ sạp vải lại tề tựu chuyện trò..
Và những người bán hàng sẽ cười xòa, vẫy vẫy khách hàng vô sâu trong quầy, rỉ rả cười: "Thôi cứ vô đây chọn, rồi giá cả tính sau nha". Rồi bên trong khu chợ, vào những giờ nghỉ trưa, những ông bà chủ từ những sạp vải tưởng như cạnh tranh kịch liệt lắm lại ngồi xuống, vừa ăn vội bữa trưa, vừa kể chuyện với nhau, than thở với nhau rất vui vẻ. Vậy đó, Soái Kình Lâm không chỉ bán vải rẻ mà cái chợ này còn buôn cả cái tình với giá 0 đồng tròn trĩnh.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, dù đã vãn người mua lẻ may đồ hơn xưa, Soái Kình Lâm vẫn gắn bó với ký ức của người Sài Gòn.
Khu chung cư cũ sừng sững và khô khan ngay phía trên chợ vải Soái Kình Lâm.
Một góc "lòe loẹt" của khu chợ vải.