Yanjun Ma, tác giả của nghiên cứu kiêm tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết: “Chợp mắt dưới 4 tiếng một đêm là ngủ quá ít, trong khi ngủ nhiều là hơn 10 tiếng. Khả năng nhận thức sẽ chịu ảnh hưởng nếu bạn duy trì thói quen này”.
Theo Tổ chức National Sleep, giấc ngủ rất cần thiết vì chúng giúp cơ thể lấy lại năng lượng. Ngủ đủ giấc còn tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy thiếu ngủ sẽ làm giảm khả năng tập trung, tư duy và ghi nhớ.
Nghiên cứu mới
Tiến sĩ Ma cho biết, viêm nhiễm có thể liên quan đến việc ngủ quá nhiều. Trong khi đó, ngủ quá ít làm tăng các mảng bám amyloid và protein TAU trong dịch não tủy. Đây là dấu hiệu nhận biết bệnh Alzheimer.
Sam Gandy, tiến sĩ kiêm phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Alzheimer Mount Sinai ở Thành phố New York đã chỉ ra, trong khi ngủ, hệ thống glymphatic của não hoạt động mạnh để loại bỏ độc tố ra ngoài, bao gồm cả peptit amyloid-beta. Nói cách khác, ngủ quá nhiều hoặc quá ít có thể ức chế hoặc làm mất cân bằng chức năng này.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ma đã thu thập dữ liệu của hơn 20.000 nam giới và phụ nữ. Những người này sẽ duy trì một thói thói quen ngủ nhất định và làm các bài kiểm tra về nhận thức. Trong quá trình theo dõi, các chuyên gia nhận thấy nhóm người ngủ từ 4 tiếng trở xuống và 10 tiếng trở lên mỗi đêm có số điểm thấp hơn so với những người ngủ 7 tiếng.
Yue Leng, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học California, San Francisco cho biết: “Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa thời gian ngủ với khả năng nhận thức. Dù bạn chợp mắt ít hay nhiều, não bộ đều có thể chịu ảnh hưởng”.
Mặt hạn chế của nghiên cứu
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn chưa đủ để thực sự xác định giấc ngủ ảnh hưởng đến nhận thức như thế nào. Các chuyên gia cần xét tới yếu tố khác như chất lượng giấc ngủ và số lần ngủ. Có lẽ, tiềm năng của giấc ngủ vẫn chưa được khai thác hết và chúng thực sự có khả năng ngăn ngừa và kiểm soát chứng sa sút trí tuệ.
Theo phó giáo sư Leng: “Đã gần hai thập kỷ kể từ khi thời gian ngủ lần đầu tiên được chứng minh có liên quan đến sức khỏe nhận thức ở người lớn tuổi. Chúng ta cần nghiên cứu thêm để làm rõ mối quan hệ này”.
Nên ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?
Giấc ngủ rất quan trọng để duy trì sức khỏe não bộ và thường xuyên gặp phải các vấn đề giấc ngủ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Rối loạn giấc ngủ liên quan đến các bệnh thoái hóa thần kinh và tâm lý.
Tổ chức National Sleep khuyến cáo, người trưởng thành nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Để có được một giấc ngủ ngon, mọi người đừng quên tạo thói quen đi ngủ đúng giờ và thực hiện những việc làm dưới đây:
- Giữ phòng ngủ tối và mát mẻ.
- Tránh xem tivi, máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác trong phòng ngủ.
- Không dùng cà phê, rượu hoặc ăn nhiều thức ăn trước giờ đi ngủ.
- Tập thể dục thường xuyên để thư giãn cơ thể và chuẩn bị cho giấc ngủ.
Ngoài ra, mọi người cũng đừng quên điều chỉnh tư thế nằm để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Trên thực tế, ngủ nghiêng thực sự tốt hơn bạn vẫn nghĩ. Tư thế này không chỉ giúp giảm ngáy mà còn có lợi cho tiêu hóa, thậm chí tránh ợ nóng. Tuy nhiên, ngủ nghiêng không phải lúc nào cũng tốt. Không ít người cảm thấy đau vai khi thức dậy do duy trì tư thế này suốt đêm. Nhìn chung, nằm ngửa vẫn là tư thế tốt nhất. Chúng không chỉ giúp bảo vệ cột sống còn có thể giảm áp lực lên lưng, khớp và tránh đau hông và đầu gối.
Theo Newsmax