Người dân trên khắp cả nước Trung Quốc có một kỳ nghỉ khá dài (8 ngày đối với học sinh, sinh viên; 5-6 ngày đối với người lao động) vào tuần trước nhân ngày Quốc Khánh và Tết Trung thu. Người người lũ lượt về quê đoàn viên với gia đình, đâu đâu cũng đông đúc; cảnh tượng nhộn nhịp ở nhà xe, ga tàu không thua gì dịp Tết Nguyên đán.
Nhiếp ảnh gia trẻ Thi Kim Vũ đã "chắp cánh" cho kỳ thứ 5 thuộc dự án "Tây ngộ ký" của tờ The Paper - loạt bài ghi lại hành trình khám phá về phía Tây Trung Quốc để tìm hiểu vẻ đẹp của các nền văn hóa dân tộc đa dạng.
Thi Kim Vũ đã thực hiện bộ ảnh trên tàu hỏa Lương Sơn từ rất lâu và có một số được thực hiện trước Tết Trung thu (29/9 Dương lịch), chụp lại những khoảnh khắc dân sinh chân thực nhất trên chuyến tàu hỏa đi xuyên qua vùng Lương Sơn - Châu tự trị ở Tứ Xuyên, nơi cư ngụ của người dân tộc Di chân chất, hiền lành.
Dãy núi Đại Lương nằm giữa bồn địa Tứ Xuyên và trung tâm cao nguyên Vân Nam, là vùng núi cao điển hình ở phía Tây Nam Trung Quốc. Do có núi non và cao nguyên hiểm trở, Lương Sơn tương đối độc lập và khép kín, đồng thời là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Di và là khu vực sinh sống của người Di lớn nhất ở Trung Quốc. Bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như môi trường tự nhiên, sự khác biệt về văn hóa và cơ cấu xã hội, người Di đã sống trong cảnh khó khăn một thời gian dài.
Tàu 5633/5634 là chuyến tàu xóa đói giảm nghèo chạy sâu trong dãy núi Đại Lương, đã phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương trong gần nửa thế kỷ, chứng kiến những đổi thay của dân sinh nơi đây.
Không chỉ nhờ giá rẻ, chuyến tàu còn có nhiều không gian để sử dụng cho việc buôn bán và vận chuyển gia súc lớn hoặc để tạo thêm không gian cho người dân sắp xếp cây trồng, gà, vịt và các loại gia cầm khác.
Hơn nửa thế kỷ qua, chuyến tàu "chậm chạp" này giống như con rồng xanh xuyên qua những ngọn núi, thung lũng và đường hầm của núi Đại Lương, mang theo sứ mệnh thiêng liêng của các thế hệ người Di dọc tuyến hành trình là hướng tới cuộc sống hạnh phúc, được người dân địa phương gọi là "xe buýt".