Dường như dân công sở nào cũng có một quy chuẩn nhất định dành cho những vị sếp trong mơ, bao gồm: Đối xử tốt với nhân viên, cho nhân viên tự do thoải mái, tin tưởng cấp dưới, lương thưởng công minh, cho nhân viên cơ hội thăng tiến,...
Đáng tiếc rằng, sự thật thường không đẹp như những cơn mơ, do đó không ít dân công sở vẫn đã và đang ngày ngày chán nản với chính vị sếp “dấu yêu” của mình. Thậm chí, một số ít còn tự nhủ trong bụng mà cho rằng, “sếp giỏi thì giỏi thật nhưng nghệ thuật làm lãnh đạo vẫn chưa thấm thía là bao”.
Tuy nhiên, “500 anh chị em” công sở đã biết đến một câu nói hơi… thô thô này hay chưa: “Người ta chỉ có thể thấy đống rác trên đầu người khác mà không có khả năng phát hiện đống rác trên đầu mình”.
Câu này có nghĩa là, hội công sở thường xuyên để ý điểm chưa tốt của sếp trong khi lại không bao giờ tự đặt câu nghi vấn cho chính bản thân mình đại loại như: “Là một cấp dưới, liệu mình có đủ ‘xịn’ để được sếp yêu quý, trân trọng?”, “mình xứng đáng được sếp tin tưởng và đối xử tử tế không?”,...
Qua đó mới thấy rằng, việc sếp có hoàn hảo đối với mình hay không, đôi khi không phụ thuộc vào sếp mà trái lại còn phụ thuộc vào chính bản thân mỗi dân công sở, đúng hơn là tác phong và… nghệ thuật làm “lính” của mỗi người nhân viên trong công ty.
Và bài viết hài hước được chia sẻ dưới đây bởi một người dùng mạng có tên Lê Minh Mẫn hy vọng sẽ giúp “500 anh chị em” công sở thông suốt hơn phần nào về chủ đề nghệ thuật làm lính:
NGHỆ THUẬT LÀM… LÍNH!
Ờ thì, nếu mà mình đang mần nhân viên của ai đó, cấp dưới của ai đó mà mình chỉ chăm chăm nghiên cứu về Nghệ Thuật Lãnh Đạo riết rồi quên đi hiện tại thì có khi ngày đó sẽ không bao giờ tới.
Cho nên cái xì-ta-tút này, mình muốn cùng mọi người xây dựng hình dáng một người cấp dưới trong mơ, một nhân viên có thái độ và cách thức làm việc mà mọi sếp đều thèm thuồng.
Nói thì nghe có vẻ ghê gớm, tuy nhiên có lẽ mấy anh chị lớn cũng sẽ đồng ý với em rằng là tựu trung lại thì phẩm chất, giá trị lớn nhất của một người nhân viên cấp dưới vẫn là 3 từ: Đáng tin cậy phải hôn!?
Nói tin tưởng một người nghĩa là người ta tin vào 2 thứ: con người và năng lực. Thiếu một trong hai thì rất khó xài, mà càng khó xài thì khi khởi nghiệp hoặc làm sếp, người đó sẽ lại chăm chăm vào việc… xài nhân viên cho nên cái phần quản trị doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn.
Bạn không thể xây dựng được một doanh nghiệp thành công chỉ với khả năng chuyên môn, hoặc bạn sẽ phải trực tiếp điều hành cả đời, không thể chuyển giao được để mà ngao du thiên hạ. Vì khi còn làm cấp dưới người ta, bạn chưa bao giờ tỏ ra đáng tin cậy cho nên khi làm sếp bạn làm gì có khả năng tin được ai 100% để mà giao lại công việc cho dù chỉ là một vài tuần hỉ?!
- Lắm tài mà nhiều tật quá thì... cũng như không.
- Tài năng thì ít mà tài… lanh thì nhiều là vứt.
- Trung thành tuyệt đối mà không biết kiểm soát cảm xúc, không biết tạo ra sự chắc chắn trong công việc thì trung thành để làm gì!?
- Không có khả năng xem công ty như là của mình thì nói chi đến "màu cờ sắc áo"!?
Đại khái là rất ít nhân viên hiểu được mấy cái gạch đầu dòng ở trên nó ngăn cản sếp đặt niềm tin vào mình như thế nào, cái rồi suốt ngày hờn dỗi, muộn phiền, u sầu các kiểu. So sánh với "sếp nhà người ta" này nọ mà không biết rằng mình có "qua bên đấy" một thời gian thì tình cảnh cũng… y chang.
Đời làm lính chỉ thay đổi khi ta chịu thay đổi. Mọi thứ luôn bắt đầu từ suy nghĩ. Suy nghĩ thấu đáo và đúng đắn thì làm gì cũng hiệu quả. Chia sẻ một chút về kinh nghiệm làm lính của mình nhé. Ngày xưa cho đến tận bây giờ mình đều làm như vậy, các bạn trẻ tham khảo thử:
1. Hiểu đúng: Dù là ở vị trí nào thì mức độ kỳ vọng của sếp dành cho mình cũng sẽ phù hợp với vị trí đó, cho nên hãy chỉ tập trung vào hiện tại. Không làm tốt trách nhiệm của mình mà suốt ngày đòi "chia sẻ" với sếp toàn chuyện lớn lao thì đúng là bi kịch thật sự.
2. Xác lập mục tiêu phù hợp: Như đã nói, mọi thứ mình thể hiện dù là bên trong hay ngoài công ty đều chỉ mong được thừa nhận bằng 3 từ ĐÁNG TIN CẬY. (Khách hàng, đồng nghiệp và dĩ nhiên là sếp).
3. Làm rõ vài thứ:
Hiểu rõ chức năng, vai trò của mình trong doanh nghiệp. Để chịu trách nhiệm 100% những gì liên quan đến mình chớ làm chi nữa.
Làm rõ kỳ vọng của sếp dành cho mình tại thời điểm đó là nó ở mức nào: Một là để tìm cách làm VƯỢT MỨC KỲ VỌNG của sếp, hai là để tự bảo vệ mình bởi nhiều sếp kém cái món kiểm soát cảm xúc, mệt người là mắng mỏ nhân viên bất chấp.
4. Tập luyện cho Sếp biết cách làm việc với người như mình:
Mỗi cuộc họp, mỗi lần nhận nhiệm vụ mình đều hỏi rất kỹ: Tại sao? Mục tiêu chính là gì? Deadline? Như thế nào là đạt yêu cầu?,... Thực tế là nhiều sếp kém về khả năng truyền đạt, nhưng nếu mà mình hiểu sai và làm sai thì lỗi là do mình nhé!
Xác lập quyền hạn: Em được quyền quyết định tới đâu trong việc này? Cái gì thì bắt buộc phải hỏi sếp?,...
Luôn cho sếp cơ hội thứ 2, nếu cảm thấy cần hỗ trợ hay không kịp tiến độ thì phải nói trước bao nhiêu đó để sếp còn ra tay giúp đỡ, chớ đợi tới hạn hoàn thành rồi mới lý do lý trấu thì người ta còn có thể làm gì được nữa? Sếp xem thường mình thì quá đúng.
Tạo cảm giác tin tưởng tuyệt đối khi sếp giao việc: Do mình luôn hỏi rất kỹ, đã nhận việc là quyết tâm hoàn thành, chịu trách nhiệm toàn bộ không bao giờ đổ thừa cho bất kỳ ai, biết chủ động lập kế hoạch làm việc hiệu quả cho nên một lần, hai lần, ba lần mỗi khi mình nói "dạ, để đó em làm" là sếp an tâm đi ngủ, đi chơi, đi mần quan hệ, đi vay tiền ngân hàng thoải mái.
Thể hiện sự sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới: Đầu tiên là phần báo cáo phải chuẩn mực, đừng bao giờ đợi sếp hỏi về kết quả công việc của mình rồi mới báo cáo. Sau đó, cứ theo "hỏi": Sếp có việc gì khác giao cho em hôn? Có việc gì bự hơn hôn? Khó hơn hôn? (Chả nhẽ thêm việc cao hơn, khó hơn, quan trọng hơn mà người ta không thăng chức và tăng lương cho mình thì coi sao đặng nè).
Giữ thái độ tích cực: Lạc quan, vui vẻ, hăng hái với tất cả mọi người và trong công việc, mệt thì xin nghỉ, chán thì đổi việc, chứ làm mà lúc nào cũng căng thẳng hoặc ủ rũ thì tự hiểu ha.
Giữ tinh thần ham học hỏi mỗi ngày. Không ham học thì ai mà ham dạy mình?
Kết: Dù thế nào thì ta luôn có QUYỀN LỰA CHỌN, nếu mình quyết định rời bỏ công việc thì không ai có thể ép mình được, nếu mình đang làm hẳn là có lý do rồi. Cho nên, nếu trong đầu bạn đang xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về sếp, về công ty thì cũng không cần phải nói ra.
"Người thật sự muốn làm sẽ nói về các giải pháp để làm được việc, người chưa sẵn sàng hoặc không muốn làm sẽ mãi nói lý do". Phải không người ơi?