Mới đây, một tài khoản có tên C., được cho là giáo viên dạy nhạc của một trường THCS đã chia sẻ tình huống về học sinh của mình. Được biết, nam sinh nhắn tin hỏi mượn thầy 20 ngàn đồng để gọi điện cho mẹ mình vì "em hết tiền rồi". Khi thầy giáo này ngỏ ý muốn xin số điện thoại để gọi giùm, học sinh này lập tức "quay xe", tỏ thái độ hỗn láo và có lời lẽ xúc phạm thầy giáo.
Đáng nói, nam sinh này không ngại dùng những từ ngữ tục tĩu để nhắn với thầy giáo: "Thầy như con c. á" làm dân tình choáng váng.
Thầy giáo này sau đó đã chụp lại màn hình cuộc nói chuyện trên và đăng lên mạng, kèm theo dòng trạng thái: "Theo mọi người, học sinh này nên xử lý như thế nào? Nếu em còn học ở trường thì khi nào học chính thức thầy sẽ đến lớp gặp em". Bài viết của thầy giáo thu hút hơn ba nghìn lượt tương tác và chia sẻ, với nhiều ý kiến cho rằng học sinh nói vậy là không đúng và thiếu tôn trọng với giáo viên. "Soi" trang cá nhân của "nhân vật chính" này, nhiều cư dân mạng còn nhận định khả năng mượn tiền của nam sinh là để nạp game chứ không phải gọi điện cho mẹ gì cả?!
"Văn hoá của một học sinh thời bây giờ đây à, cứ như thế này làm xấu hình ảnh học sinh vô cùng ấy, nhìn mà muốn nhục dùm"; Thề là trong đời học sinh vừa qua của mình. Giáo viên tốt có, không tốt lắm cũng có. Nhưng chưa một giáo viên nào mình dám nhắn tin kiểu ấy cả"; "Không biết là do mạng xã hội ngày càng phổ biến nên mới biết đến những hành động như này hay trẻ em ngày càng hư và có suy nghĩ lệch lạc thế"... một số cư dân mạng bức xúc.
Nói tục, chửi thề đang dần biến thành một căn bệnh dễ học và khó bỏ với nhiều bạn trẻ. Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những cô cậu học sinh cấp 2, cấp 3 còn mặc đồng phục tụm ba tụm bảy buông những từ ngữ tục tĩu ở chốn công cộng.
Thậm chí trên Facebook hiện nay còn có những hội nhóm ghét giáo viên thu hút hàng ngàn tài khoản theo dõi, bình luận. Nhiều học sinh dùng lời lẽ thô tục xúc phạm giáo viên, chứ không dừng ở việc thể hiện quan điểm cá nhân. Trước thực tế này, nhiều người cho rằng cần thiết phải có nội quy, hoặc quy tắc để nhắc nhở học sinh cách ứng xử trên môi trường mạng.
Điều 41 trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư 12 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định các hành vi học sinh không được làm như sau:
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.
3. Làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục.
4. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
5. Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.
Theo Điều lệ này, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật. Các hình thức kỷ luật gồm: Phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.