Sống tối giản rồi mới nhận ra: Càng ít thứ, con người càng hạnh phúc!

“Ít” nhưng không cực đoan, cái gì cũng giảm đi vài thứ, mà phải “ít” đúng chỗ, để cuộc sống thuận tiện và tinh giản hơn, chứ không phải tối giản để bản thân ngày càng chật vật, loay hoay.

1. “Ít ăn”

Ăn ít không phải là bỏ bữa, nhưng mỗi bữa không được quá no hay ăn quá dư thừa, chỉ cần no 7-8 phần mới là trạng thái tốt nhất.

Ăn ít thức ăn hơn, vừa có thể tiết kiệm, vừa tốt giúp cơ thể kiểm soát được cân nặng. Hơn nữa, tinh thần cũng ở trạng thái “sung mãn”, đầy sức sống nhất. Bạn không thể phủ nhận một sự thật rằng: Khi đói khát hoặc no căng, thì cơ thể đều có chung một biểu hiện: Uể oải, không muốn làm gì cả, thậm chí chỉ muốn ngủ. Từ đó, làm việc không hiệu quả, tinh thần không phấn chấn.

Đặc biệt là khi ăn quá no sau giờ tan sở, bạn thực sự không muốn động đậy, không muốn làm việc nhà, không muốn đọc, viết, suy nghĩ...

Trong thời đại ngày nay, mạng xã hội lên ngôi, livestream và video ăn uống xuất hiện, có người có thể ăn lượng thức ăn bằng cả tuần, thậm chí có người nguy hiểm đến tính mạng vì ăn quá nhiều.

Đương nhiên, ăn món ngon, thưởng thức mỹ thực cũng là một loại hạnh phúc của con người. Nhưng đừng biến nó thành “thói ăn nhiều cực đoan”. Nếu bạn muốn sống tối giản và tiết kiệm, thì việc ăn nhiều không quá phù hợp. Đây hoàn toàn là sự lựa chọn của mỗi người.

Muốn tối giản và tiết kiệm, hãy tuân theo một CHỮ này, cuộc sống tự nhiên nhẹ nhõm đủ đầy - Ảnh 1.

2. “Ít tích trữ”

Tối giản là phải đi kèm với thói quen dọn dẹp thường xuyên.

Không biết bạn có gặp phải trường hợp này chưa: Mỗi lần dọn dẹp đều sẽ tìm thấy một số thứ không thường sử dụng, nhưng vứt đi thì lại tiếc, giữ lại thì chắc chắn không bao giờ dùng đến.

Thậm chí một số thứ còn chưa bao giờ mở ra, chẳng hạn như sổ ghi chép, bàn chải đánh răng, sản phẩm vệ sinh…

Giải pháp cho cuộc sống tối giản lúc này là vứt đi những thứ không cần thiết, hoặc tìm cách cho những ai thực sự cần và không cảm thấy phiền nếu dùng đồ của bạn. Một không gian sống tinh tươm không nên tích trữ quá nhiều đồ, chỉ giữ lại thứ được tận dụng hết công năng của nó.

Càng tích trữ nhiều thứ, càng tiêu nhiều, có những thứ thực sự không cần thiết mà vẫn giữ lại, khi cần đến lại tìm không thấy đâu phải tích trữ, cuối cùng vứt đi thì lãng phí tiền bạc.

3. “Ít dạo xem hàng”

Dạo xem hàng ở đây bao gồm việc đi trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng trực tiếp, và cả thói quen lướt các trang mạng bán hàng online.

Nhìn thấy càng nhiều thì càng muốn mua, tần suất vật đó xuất hiện nhiều trước mắt thì nghị lực lại không đủ. Cuối cùng bấm nút thanh toán, hàng về tay mà chưa biết mình có đang thực sự cần đến nó hay không.

Khi nhìn thấy thứ đồ mình thích trên mạng, bạn có thể áp dụng cách: Trước tiên bỏ vào giỏ hàng, nhưng đừng thanh toán ngay. Hãy để đó vài ngày sau, nếu bạn còn muốn mua nữa thì lúc này thanh toán vẫn chưa muộn. Bởi lẽ có nhiều thứ chúng ta chỉ thích thú nhất thời, qua một lúc sau thì cảm giác ấy không còn mãnh liệt như thế nữa.

Do đó, trước khi muốn sống tối giản và tiết kiệm tiền, hãy học cách kiểm soát bản thân.

Muốn tối giản và tiết kiệm, hãy tuân theo một CHỮ này, cuộc sống tự nhiên nhẹ nhõm đủ đầy - Ảnh 3.

4. “Ít giao du kết bạn”

Thật sự mà nói, con người sống trong xã hội này không thể thiếu các mối quan hệ. Nhưng có lẽ bạn cũng phải công nhận: Càng có nhiều bạn bè, đối tác thì càng tốn tiền.

Lúc này, biết cách sàng lọc các mối quan hệ mới là người sống thông minh. “Thêm bạn thêm nhiều cơ hội”, nhưng không phải bạn nào cũng có lợi cho ta. Vì thế hãy “chọn bạn mà chơi, chất lượng hơn số lượng”.

Hơn nữa, càng ít mối quan hệ, bạn càng có nhiều thời gian để tập trung vào bản thân, ít vướng vào chuyện thị phi, phiền não.

Cổ nhân có câu: “Ít lại hay, nhiều mới rối”.

Hãy thực hiện phép trừ, cuộc sống tự nhiên nhẹ nhõm, đơn giản hơn rất nhiều. Tối giản hay tiết kiệm cũng vậy, đều phải tuân theo một chữ: Ít.