Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2010 quy định về đăng ký xe đang được cơ quan này thẩm định, chỉnh sửa và dự kiến ban hành trong tháng 3 hoặc tháng 4/2013.

Chịu trách nhiệm về nguồn gốc xe

Theo dự thảo, trường hợp xe (ô tô, xe máy) mua bán, cho, tặng (sau đây gọi tắt là chuyển nhượng) qua nhiều người thì chủ xe hiện tại phải có đơn cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe (theo mẫu) và có xác nhận của công an xã/phường/thị trấn về địa chỉ nơi cư trú của chủ xe (thay cho chứng từ chuyển nhượng xe). Nếu xe bị mất giấy đăng ký hoặc biển số thì phải trình bày rõ lý do trong đơn cam kết.

Đối với trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định thì chủ xe phải đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy đăng ký để làm thủ tục sang tên, di chuyển theo đúng quy định của Thông tư 36.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy đúng quy định thì cơ quan làm thủ tục đăng ký xe cấp giấy đăng ký tạm thời (theo biển cũ) và đóng dấu “không được chuyển nhượng” vào giấy đăng ký tạm để quản lý; đồng thời gửi thông báo việc tiếp nhận hồ sơ sang tên cho chủ xe đứng tên trong đăng ký xe biết, niêm yết tại trụ sở cơ quan đăng ký xe hoặc đăng thông tin trên một số báo. Sau 30 ngày từ ngày gửi thông báo, nếu không có khiếu kiện, tranh chấp thì cấp giấy đăng ký cho chủ xe.

Muốn xe chính chủ, phải cam kết 1

Xe máy mua bán qua nhiều người sẽ phải viết cam kết để được làm thủ tục sang tên, đổi chủ

Phát hiện xe gian: Xử lý ngay!

Đại tá Trần Thế Quân cho biết quan điểm của Bộ Công an trong việc ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 36 là nhằm tạo điều kiện cho người dân đăng ký, sử dụng xe chính chủ. “Phải khẳng định rằng người dân đã bỏ tiền ra mua xe nhưng có thể trước đây vì nhiều lý do nên không làm thủ tục sang tên, đổi chủ theo quy định, thậm chí mượn tên người khác để đăng ký nên giờ xác định, tìm lại chủ trước đó rất khó. Nếu họ ký cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe thì sẽ được giải quyết để bảo đảm quyền lợi” - ông Quân nói.

Theo ông Quân, Bộ Luật Dân sự quy định về những trường hợp tranh chấp tài sản nên việc yêu cầu người dân ký cam kết về nguồn gốc hợp pháp của xe là điều cần thiết. “Nếu họ mua phải xe gian hoặc xe đang xảy ra tranh chấp thì phải chịu trách nhiệm liên đới theo quy định của Bộ Luật Dân sự” - ông Quân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đang thảo luận về những quy định mang tính tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện có kẽ hở cho những kẻ xấu hợp thức hóa xe gian hay không. Thậm chí, trong quá trình làm thủ tục, giấy tờ sang tên, đổi chủ phương tiện, nếu phát hiện những dấu hiệu vi phạm hình sự thì cơ quan đăng ký xe sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra. “Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư về lệ phí đăng ký xe theo hướng giảm mạnh so với hiện nay. Sau khi được Bộ Công an thông qua, thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 sẽ có một quãng trễ thời gian để người dân làm thủ tục. Vì thế, tôi tin rằng người dân sẽ tự giác sang tên, đổi chủ phương tiện” - ông Quân nhận định.

Cơ sở để xử phạt qua hình ảnh

Đại tá Trần Thế Quân cho biết việc bắt buộc người dân sang tên, đổi chủ phương tiện khi chuyển nhượng có rất nhiều tác dụng: Ngoài việc thực hiện đúng các quy định hiện hành về thực hiện đăng ký tài sản, phương tiện còn giúp ngành công an, giao thông đánh giá chính xác về số lượng phương tiện để đưa ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua hình ảnh, video… có hiệu quả.