Nhiều bà mẹ có thể cảm thấy buồn cười hoặc thích thú khi thấy con chơi với son môi hay phấn rôm của mình nhưng với các nhà khoa học, đây không phải là điều đáng khuyến khích. Thay vào đó, cha mẹ nên cẩn thận sẽ tốt hơn. Một nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ, được công bố trên tạp chí lâm sàng nhi khoa Clinical Pediatrics, đã phát hiện ra rằng hàng ngàn trẻ em được đưa đi cấp cứu do các chấn thương liên quan đến các sản phẩm mỹ phẩm.

my-pham-2

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu và chính sách chấn thương tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia Hoa Kỳ đã theo dõi tổng cộng 64.686 ca chấn thương từ năm 2002 đến 2016. Dựa trên Hệ thống giám sát chấn thương quốc gia, họ đã thu thập dữ liệu về trẻ em dưới 5 tuổi được điều trị tại khoa cấp cứu trong các bệnh viện vì thương tích liên quan đến mỹ phẩm.

Nghiên cứu cho thấy trẻ em thường xuyên bị bỏng hóa chất và ngộ độc do mỹ phẩm. Trong số các thương tích được ghi nhận trong thời gian nghiên cứu 15 năm, có 28,3% số ca tai nạn liên quan đến các sản phẩm chăm sóc móng, 27% liên quan tới các sản phẩm chăm sóc tóc, 25% xuất phát từ các sản phẩm chăm sóc da và 12,7% là do các sản phẩm nước hoa.

Trẻ em dưới 2 tuổi dễ bị tổn thương nhất (chiếm 59,3%), trong đó phần lớn các trường hợp liên quan đến ngộ độc (86,2), 13,8% còn lại liên quan đến bỏng hóa chất. Có tới 19,3% các trường hợp là các sản phẩm hóa chất tiếp xúc với mắt hoặc da của trẻ em.

Tại sao trẻ em dễ bị tổn thương liên quan đến mỹ phẩm

Không khó để hiểu tại sao trẻ em thích dùng các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân của cha mẹ chúng. 

Nhiều sản phẩm có bao bì bắt mắt, hấp dẫn trẻ. Không những thế, trẻ em thường học hỏi và bắt chước rất nhanh, khi thấy cha mẹ dùng bất cứ thứ gì là chúng cũng muốn dùng theo.

Nói với tờ New York Post, Rebecca McAdams, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu và chính sách chấn thương tại Bệnh viện Nhi đồng Toàn quốc, người từng là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Trẻ em ở tuổi này không thể đọc, vì vậy chúng không thể biết đó là thứ gì. Chúng chỉ cần biết đó là những cái chai lọ có nhãn mác, màu sắc bắt mắt hoặc có mùi thơm giống như những thứ chúng có thể ăn được. Chính vì vậy mà chúng cố gắng mở nó, thậm chí cho cả vào miệng. Nếu như đó là chai hóa chất hoặc kem dưỡng da thì tổn thương nghiêm trọng hoàn toàn có thể xảy ra".

my-pham-3

So với trẻ em 2-4 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi có khả năng bị thương khi tiếp xúc với các sản phẩm mỹ phẩm cao gấp 2 lần. Như các nhà nghiên cứu chỉ ra, nguyên nhân là bởi thời điểm đó là cột mốc phát triển quan trọng. Trẻ có thể bò và lấy đồ vật khi ở vào khoảng 6 tháng tuổi, khi được khoảng 1 tuổi, trẻ thường có thể tự đứng thẳng và đi lại, vươn qua các bề mặt và thực hiện thao tác với cửa. Chúng cũng có xu hướng đưa bất cứ thứ gì có trong tay vào miệng.

"Khi có những khả năng mới, cộng với sự tò mò tự nhiên, cùng với chưa biết cách phân biệt các vật có hại... là những yếu tố có thể giải thích tại sao trẻ em dưới 2 tuổi có nguy cơ bị thương tích cao hơn", McAdams nói với CNN.

Làm thế nào để bảo vệ trẻ em khỏi các chấn thương liên quan đến mỹ phẩm?

McAdams chia sẻ rằng hầu hết các sản phẩm liên quan đến các sự cố mà nhóm của cô nghiên cứu không có bao bì chống trẻ em. Hơn nữa, các sản phẩm này thường được lưu trữ ở những nơi dễ tiếp cận và thường không có trong các hộp đựng chống trẻ em, nên trẻ có thể dễ dàng lấy và mở chai.

Để tránh thương tích có thể xảy ra, các chuyên gia khuyên phụ huynh nên lưu trữ mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác ở những khu vực trẻ nhỏ sẽ không thể tự mình lấy được dễ dàng. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đề nghị cha mẹ nên sử dụng tủ lưu trữ mỹ phẩm với điều kiện đảm bảo có khóa hoặc chốt an toàn và trẻ khó tiếp cận, các sản phẩm như kem đánh răng, dầu gội và xà phòng cũng không được lưu trữ ở nơi trẻ mới biết đi có thể lấy được.

Theo Smartparent