Mỹ phẩm Việt bị "tiếm ngôi"
Năm 1997, các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài bắt đầu xâm nhập thị trường mỹ phẩm Việt . Bằng những chiêu quảng cáo hấp dẫn, mới lạ, từ đó đến nay, trong mắt chị em dần chỉ có hình ảnh của mỹ phẩm Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ... mỹ phẩm Việt dần bị quên lãng
“Mình thích xài hàng ngoại lắm, vì nó tốt, có khi mắc hơn chút nhưng cảm thấy bảo đảm. Toàn công ty lớn thì người ta phải bảo vệ thương hiệu chứ, sao làm ăn nhập nhằng được. Còn mỹ phẩm Việt thì không phải là không muốn xài, nhưng mà ít thấy, không biết cái nào tốt cả... ”, chị Minh Hòa, 28 tuổi (Q.Phú Nhuận) nói. Đây cũng là ý kiến của đa số người tiêu dùng khi được hỏi về mỹ phẩm Việt và mỹ phẩm ngoại.
Gần đây, một số công ty còn đầu tư cơ sở vật chất ở Việt Nam để giảm giá thành sản phẩm (như Avon, Unilever Vietnam…) nhằm đem thương hiệu đến gần hơn với đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình. Họ cũng khéo léo kết hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng mỹ phẩm để có được diện tích trưng bày rộng tại những vị trí bắt mắt nhất.
Chị Hương, 32 tuổi (Q.Phú Nhuận) chia sẻ: “Lúc trước tôi xài mỹ phẩm Việt không à. Nhưng mà sau này lại thấy hàng ngoại giá cả không mắc lắm, mà nhìn nó đẹp và sang, dùng thấy được nên xài luôn. Đi mua cũng dễ, vào siêu thị chỗ mỹ phẩm là mấy loại đó thấy ngay.”
Mỹ phẩm Việt chất lượng nhưng hàng ngoại vẫn "lấn sân". (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, có những sản phẩm là mỹ phẩm Việt Nam, người dùng phải vất vả khi tìm kiếm. Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, có hẳn một topic dành cho mỹ phẩm Việt nổi tiếng, trong ấy thường xuyên có các câu hỏi của thành viên về địa điểm mua hàng ở ngay cả những thành phố lớn trên cả nước.
“Lần đi tìm ở công ty Thorakao, cô bán hàng bảo không sản xuất. Cô ấy nói ở đây không có là không ở đâu có. Thất vọng tràn trề... " hay “Lúc nào cũng thấy cửa hàng đó đóng cửa hết”, thành viên có nick TvaU chia sẻ.
Vậy nên mới có một kết cục đáng buồn là: ở TP.HCM hiện có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm, nhưng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp đã xây dựng được tên tuổi, uy tín trong lĩnh vực này - thông tin từ bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm TP.HCM.
Mỹ phẩm Việt: Tìm lại "ngôi vị" bằng chất lượng
Mấy năm gần đây, các nhãn mỹ phẩm Việt đang cố gắng cạnh tranh và khẳng định mình bằng chất lượng. Dù phải nhập đến 70% nguyên liệu với mức thuế khá cao, nhưng các công ty mỹ phẩm Việt vẫn tuân thủ việc loại bỏ các chất cấm để bảo vệ người tiêu dùng theo quy định chung của khu vực và thế giới, kết hợp thực hiện đầu tư sản xuất theo quy chế GMP (Tiêu chuẩn Thực hành tốt Sản xuất).
Chị Hiền, 34 tuổi (Q.3) cho biết: “Dạo này mình toàn xài đồ Việt. Nói chung là nhìn mẫu mã đỡ hơn ngày xưa nhiều, chất lượng của mấy cái như Lana, Essy, E100, Ramus, The bol, Vedette, Lovande... ok lắm. Giờ mỹ phẩm Việt Nam phong phú, đa dạng ghê ý chứ, từ kem chống nắng, dầu gội đầu, sữa tắm, kem rửa mặt, dưỡng tóc, dưỡng da, phấn trang điểm, son... ôi, cái gì cũng có hết. Mà giá cả phù hợp với thu nhập trung bình của mình.”
Mỹ phẩm Việt đang cạnh tranh bằng con đường riêng
để giữ chân khách hàng và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, doanh nghiệp mỹ phẩm Việt cũng đa dạng hóa các sản phẩm chuyên biệt, cho từng loại da, tóc, độ tuổi,... khác nhau. Song song đó là chiến dịch quảng bá bằng cách thuê gian hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao để đến gần hơn, nhanh chóng hơn với người tiêu dùng.
Chị em dễ dàng tìm được mỹ phẩm Việt ở các gian hàng tại nhiều chợ như Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), siêu thị BigC, Co.opmart...
Những cái tên như Mỹ phẩm Sài gòn (SCC), Mỹ phẩm Lana, Vẻ đẹp vàng, Đại Việt Hương, G&C, Lan Hảo, Mỹ phẩm Việt, Mira, Kềm Nghĩa với các sản phẩm quen thuộc Lana, Vedette, Lovande, Thebol, E100, Titione, Thorakao... với nguồn gốc thiên nhiên: gấc, nha đam, dưa leo, nghệ... dần quen thuộc với người dùng.
Chị Nương. 28 tuổi (Q.7) nói: “Dạo này vào siêu thị thấy hàng mỹ phẩm Việt quá trời. Bạn bè em cũng thích dùng mấy đồ mỹ phẩm Việt Nam mình, toàn từ thiên nhiên nghệ, bồ kết, bưởi, này nọ chứ ít hóa chất nên cảm giác an toàn hơn. Giờ sợ mấy đồ hóa chất lắm.”
“Da mình mẫn cảm kén mỹ phẩm, thấy con bạn bảo sản phẩm của Thorakao xài thích nên mua về. Hóa ra mỹ phẩm Việt Nam tốt ghê. Giờ mình xài từ kem dưỡng da, tẩy trang, sữa rửa mặt, trị mụn toàn của Việt thôi. Hài lòng lắm”, nick aishe... chia sẻ trong một topic về mỹ phẩm Việt.
Mỹ phẩm Việt tự hào bên cạnh hàng ngoại.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn đưa mỹ phẩm Việt ra nước ngoài, như Lan Hảo tấn công thị trường: Ả Rập, Mỹ, Pháp, châu Phi... Thương hiệu nước hoa Miss SaiGon của công ty CP Mỹ Phẩm Sài Gòn đã có mặt tại thị trường Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Úc, châu Phi và chuẩn bị xuất hiện tại châu Âu.
Ông Mai Tấn Dũng, Phó Giám đốc Lan Hảo, cho biết khách hàng nước ngoài chuộng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên từ Việt Nam vì có mùi hương thảo dược đặc trưng. Vì vậy, mặc dù chưa chi nhiều cho các hoạt động hỗ trợ bán hàng như quảng cáo, khuyến mãi, Lan Hảo vẫn chiếm giữ được một thị phần khá ổn định trên thị trường trong và ngoài nước.
Các chị em với lòng tự hào dân tộc vẫn luôn dành sự ưu tiên cho mỹ phẩm Việt, chỉ cần các doanh nghiệp đáp ứng được những nhu cầu và mong muốn của họ cũng như suy nghĩ cho lợi ích của khách hàng thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào viễn cảnh mỹ phẩm Việt có được lại ngôi vị trong quá khứ huy hoàng của mình.
Chị Loan, 35 tuổi (Q. Bình Thạnh) kết luận: “Thực ra thì tôi thấy đa số đều muốn dùng hàng an toàn, chất lượng. Mỹ phẩm nào làm chị em đẹp lên, an toàn và giá cả phù hợp thì người ta tin dùng thôi, chứ hàng ngoại với hàng nội chỉ khác nhau cái xuất xứ thôi mà.”