Theo AFP, Bệnh viện Cleveland ở thành phố Cleveland, bang Ohio, thông báo ca phẫu thuật kéo dài suốt chín giờ hôm 24-2. Bệnh nhân 26 tuổi hiện đang trong tình trạng ổn định. Người hiến tặng tử cung là một phụ nữ đã qua đời.

Các bác sĩ Bệnh viện Cleveland cho biết mục tiêu của kỹ thuật ghép tử cung là giúp những phụ nữ khi sinh ra không có tử cung, hoặc tử cung bị tổn thương, có cơ hội có thai và sinh con. Bệnh nhân trên sẽ phải chờ một năm trước khi có thai.

Đó là khoảng thời gian cần thiết để cô phục hồi sức khỏe và để các bác sĩ điều chỉnh lượng thuốc cô cần uống nhằm ngăn chặn nguy cơ đào thải tử cung cấy ghép. Sau đó, cô sẽ được cho thụ tinh nhân tạo để có thai.

Trước cuộc phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Cleveland đã phẫu thuật hút trứng của nữ bệnh nhân, cho thụ tinh với tinh trùng của người chồng và làm đông lạnh. Sau một năm, phôi thai sẽ được đưa vào tử cung mới của người phụ nữ này.

Các bác sĩ Bệnh viện Cleveland thực hiện cuộc phẫu thuật kéo dài chín giờ - Ảnh: Cleveland Clinic

Các bác sĩ Bệnh viện Cleveland thực hiện cuộc phẫu thuật kéo dài chín giờ - Ảnh: Cleveland Clinic

Sau khi bệnh nhân sinh một hoặc hai con, các bác sĩ sẽ phải thực hiện cuộc phẫu thuật mới để cắt tử cung này ra khỏi cơ thể cô. Khi đó, cô sẽ không còn phải uống thuốc chống đào thải thường xuyên nữa.

Ủy ban đạo đức của Bệnh viện Cleveland quyết định để bệnh viện thực hiện 10 ca phẫu thuật ghép tử cung mang tính chất thử nghiệm. Sau đó, các lãnh đạo bệnh viện sẽ quyết định có cung cấp dịch vụ này thường xuyên hay không.

Người đứng đầu nhóm phẫu thuật ghép tử cung của Bệnh viện Cleveland là bác sĩ Andreas G. Tzakis, người từng thực hiện 4.000 - 5.000 ca phẫu thuật ghép gan, thận và các nội tạng khác. Để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật lịch sử này, ông đã đến Thụy Điển để học hỏi kinh nghiệm từ các bác sĩ thuộc Bệnh viện ĐH Gothenburg.

Đó là những người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công phẫu thuật ghép tử cung. Đến nay đã có chín phụ nữ Thụy Điển được ghép tử cung và ít nhất bốn đã sinh con khỏe mạnh. Ước tính ở Mỹ có khoảng 50.000 phụ nữ có mong muốn được cấy ghép tử cung để sinh con.

Bác sĩ Tzakis cho biết phụ nữ không có tử cung hoặc tử cung bị tổn thương có thể nhận con nuôi hoặc nhờ người đẻ thuê. Tuy nhiên nhiều phụ nữ không chấp nhận hai giải pháp này vì các lý do cá nhân, văn hóa hoặc tôn giáo. Do đó phẫu thuật ghép tử cung là niềm hi vọng duy nhất đối với họ.

Khi được bệnh viện phỏng vấn, nữ bệnh nhân 26 tuổi trên khẳng định cô khao khát được mang thai và sinh con. “Tôi thèm muốn trải nghiệm đó. Tôi muốn bị nghén, bị đau lưng, bị sưng chân. Tôi muốn cảm nhận con mình động đậy trong bụng. Đó là điều tôi vô cùng khát khao”.