Nhóm nghiên cứu nhắm vào các thụ thể CD95 - còn được gọi là thụ thể Fas - nằm bên ngoài màng tế bào ung thư, có khả năng phát ra tín hiệu khiến các tế bào quái ác này tự hủy khi được kích hoạt đúng cách.

Mặc dù các nhà khoa học từ lâu đã biết về sự tồn tại của những thụ thể này nhưng mọi nỗ lực kích hoạt chúng đều không thành công. Các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Ung thư toàn diện thuộc UC Davis đã tìm ra một phần trên thụ thể có thể kích hoạt được quy trình tự hủy này.

Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cell Death & Differentiation có thể là phương án hữu hiệu để "cởi trói" cho liệu pháp miễn dịch nhắm vào các bệnh ung thư phổ biến như ung thư phổi, vú và tuyến tiền liệt.

Mỹ: Tìm ra “công tắc” khiến tế bào ung thư tự hủy diệt - Ảnh 1.

Tế bào ung thư - Ảnh: NEWS-MEDICAL

Theo Daily Mail, hiện nay, phẫu trị, hóa trị và xạ trị vẫn là các phương pháp phổ biến nhất để điều trị ung thư. Tuy nhiên, các liệu pháp miễn dịch đang dần được phát triển và ứng dụng.

Ví dụ, một số trẻ mắc bệnh bạch cầu và người lớn bị ung thư hạch có thể điều trị bằng liệu pháp mang tên CAR-T. Trong đó, tế bào T của hệ miễn dịch sẽ được thu thập từ chính bệnh nhân, chỉnh sửa rồi đưa trở lại vào cơ thể.

Tế bào T tiềm ẩn khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư một cách triệt để và trúng đích hơn các phương pháp khác. Tuy vậy, nếu để ở trạng thái tự nhiên, chúng không đủ sức mạnh hoặc vấp phải một số rào cản. Do đó, liệu pháp miễn dịch chủ yếu nhằm gia tăng sức mạnh của tế bào T.

Tất nhiên, vẫn có một số hạn chế đối với liệu pháp miễn dịch này, bao gồm việc chúng vẫn gặp khó trong việc xâm nhập vào môi trường vi mô của một số tế bào ung thư.

Phát hiện mới về cách kích hoạt thụ thể Fas của UC Davis chính là phương án giúp "dọn dẹp" những phần còn lại mà CAR-T chưa thể phá hủy. Các thí nghiệm tiếp theo sẽ hướng tới việc ứng dụng phát hiện này như một liệu pháp song song với CAR-T trong việc tiêu diệt các khối u rắn ở nhiều bệnh ung thư khác nhau.