GS Wong Poh Kam chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Singapore trong buổi tọa đàm sáng nay 21-12 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Thông tin trên được PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - công bố tại tọa đàm "Kế hoạch xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030" diễn ra sáng 21-12.
Nhiều lợi thế
Theo ông Vũ Hải Quân, đơn vị này đang có ba lợi thế để xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo: cơ sở vật chất, nguồn lực con người và vị trí.
Đó là, trong dự án phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM do Ngân hàng Thế giới tài trợ, năm 2023 Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ khởi công xây dựng Trung tâm các phòng thí nghiệm tiên tiến và đổi mới sáng tạo có diện tích khoảng 45.000 m2.
Thứ hai, Đại học Quốc gia TP.HCM có khoảng 80.000 sinh viên, 10.000 học viên sau đại học, 6.000 cán bộ giảng viên. Đây là lợi thế rất quan trọng về con người. Trong năm 2022, Đại học Quốc gia TP.HCM vươn lên trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước trong công bố khoa học.
Thứ ba, Đại học Quốc gia TP.HCM nằm trong TP Thủ Đức - khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, là nơi kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ.
"Các điều kiện trên rất thuận lợi để phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc gia TP.HCM, kết nối mạng lưới các chuyên gia, đồng thời thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo đạt đẳng cấp khu vực và thế giới. Từ đó đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội và các địa phương nơi Đại học Quốc gia TP.HCM trú đóng", ông Quân khẳng định.
Tuy nhiên theo ông Quân, hiện cũng có một số thách thức. Đó là chưa có nguồn vốn, nguồn lực để đầu tư cho con người.
Việc hợp tác với doanh nghiệp cũng là thách thức lớn. Doanh nghiệp hiện chủ yếu tuyển dụng sinh viên, chưa có doanh nghiệp đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Đại học Quốc gia TP.HCM.
Bên cạnh đó, thách thức về thể chế cũng là rào cản lớn. Hiện giảng viên muốn thành lập doanh nghiệp thì không được làm giảng viên...
Nên theo mô hình nào?
Theo các chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần gắn liền với đa dạng thành phần (tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức công, tư); các thành phần này cùng hiện diện trong không gian hệ sinh thái để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thoa mạng lưới, hiệp lực trí tuệ, tương tác quần thể và cùng tạo ra, ứng dụng tri thức mới.
Về mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi - giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng có thể tham khảo các mô hình hiệu quả từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS), MIT của Mỹ hoặc một số đại học đổi mới sáng tạo tại châu Âu.
Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ là bệ đỡ để hỗ trợ các giảng viên, sinh viên làm chủ doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ các doanh nghiệp start-up, chủ sở hữu các công trình nghiên cứu, hoạt động liên kết trong hệ sinh thái chung của vùng Đông Nam bộ và quốc gia.
Tại tọa đàm, GS Wong Poh Kam - NUS, chuyên gia hàng đầu về phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Singapore, cho rằng việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc gia TP.HCM là cơ hội để đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của TP.HCM và khu vực.
Muốn thu hút nhân tài phải đãi ngộ xứng đáng. Từ những năm 2000, NUS đã thành lập trung tâm doanh nghiệp và tìm kiếm những người lãnh đạo giỏi dẫn dắt các đơn vị này. Đến năm 2021, đã có hơn 900 công ty khởi nghiệp sáng tạo do cựu sinh viên NUS thành lập và dẫn dắt. Chính các cựu sinh viên này đã truyền cảm hứng cho sinh viên.
Với đổi mới sáng tạo có rất nhiều rủi ro, nên cần biết chấp nhận thất bại để học hỏi kinh nghiệm. Đây là tư duy các trường đại học cần xác định ngay từ đầu. Trường đại học phải đào tạo ra những người có tư duy kinh doanh, trở thành những nhà khởi nghiệp. Đồng thời giáo dục cho sinh viên phải có khả năng thích nghi, kỹ năng học tập suốt đời và khả năng sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ.
"Những người được tin tưởng mời tham gia đội ngũ dẫn dắt các trung tâm đổi mới sáng tạo thì cần được trao quyền, nên cho họ đủ không gian tự do và sự hỗ trợ cần thiết. Những nhân tài này cần sự linh hoạt, sự tự do trong công việc ", GS Kam nói.