Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường sẽ mở hệ kỹ sư chuyên sâu về ôtô số đầu tiên tại Việt Nam.
Chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù kỹ thuật ô tô số tại Đại học Bách khoa Hà Nội là chương trình sau đại học, tương đương thạc sĩ, do đơn vị thành viên là Trường Cơ khí và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cùng xây dựng .
Sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân một số ngành phù hợp được đăng ký xét tuyển như Kỹ thuật ôtô, Kỹ thuật cơ điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Kỹ thuật cơ khí điện lực...
Việc mở chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù đến từ thực tế phát triển ngành công nghiệp ô tô và phần mềm dành cho ô tô.
Năm 2025, Trường Đại học Thương mại mở 7 chương trình mới, những chương trình này thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật kinh doanh (Luật kinh tế), Thương mại điện tử (Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc).
Dự kiến mỗi chương trình mới tuyển 80-100 sinh viên chính quy. Trường sẽ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó ưu tiên học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS.
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam cho biết, bắt đầu từ năm 2025 sẽ bắt đầu đào tạo 6 chương trình mới ở bậc Cử nhân.
Cụ thể, 6 chương trình bậc Cử nhân là Khoa học dữ liệu và Phân tích Kinh doanh, Quản trị và Đổi mới Kỹ thuật số được cấp bằng bởi Đại học London (UoL) và chỉ đạo học thuật bởi Học viện Kinh tế & Khoa học Chính trị London (LSE); Sản xuất Phim và Truyền thông được cấp bằng bởi Đại học Nghệ thuật Bournemouth (AUB); Kỹ thuật Phần mềm được cấp bằng bởi Đại học Stirling, Quản trị Du lịch, Quản lý Tổ chức Sự kiện được cấp bằng bởi Đại học Bournemouth (BU).
Năm 2025, Trường Đại học Luật TPHCM dự kiến mở thêm 2 ngành mới nên sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Về phương án tuyển sinh, trường đang bàn thảo kế hoạch tuyển sinh năm 2025 sao cho phù hợp với thực tế.
Trường Đại học FPT tiếp tục mở rộng danh mục đào tạo trong năm 2025. Các ngành dự kiến mở là chuyên ngành đang khát nhân lực, có triển vọng trong tương lai như: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế được đưa vào đào tạo.
Tại các trường phía Nam, trường Đại học Tài chính - Marketing sẽ mở thêm ngành Khoa học dữ liệu và Quản lý kinh tế.
Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn (quận Gò Vấp) đang lên kế hoạch mở thêm một số ngành mới thuộc khối sức khỏe, như: y sĩ, điều dưỡng, chăm sóc sắc đẹp. Năm học 2025 – 2026, trường vẫn giữ nguyên 30 ngành đào tạo với khoảng 1.500 chỉ tiêu tuyển sinh.
Năm học 2025 – 2026, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM (quận Tân Bình) dự kiến mở thêm 3 ngành học mới: ngôn ngữ Trung, mộc xây dựng – trang trí nội thất và thiết kế thời trang.
Đại diện nhà trường cho biết, trường đang đào tạo 49 ngành nghề và dự kiến mở thêm 3 ngành mới, giúp tăng tỉ lệ lựa chọn cho thí sinh đăng ký nhập học. Năm 2025 – 2026, trường dự kiến tuyển sinh hơn 8.600 chỉ tiêu.
Nhà trường đã có thời gian nghiên cứu và khảo sát thị trường lao động, nhận thấy việc mở thêm ngành mới là phù hợp với xu thế hiện nay. Đây là những ngành mà doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao..
Nói về việc mở thêm ngành ngôn ngữ Trung là do Trung Quốc là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu tại châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Do đó, tiếng Trung trở thành một trong các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi.
Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn (quận Tân Phú) cũng đã triển khai kế hoạch mở thêm các ngành học mới của Khoa Truyền thông báo chí, gồm: báo chí, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, marketing, thiết kế đồ họa, công tác xã hội.