Chắc ai cũng biết, Nam Cực vốn là một vùng đất quanh năm phủ đầy tuyết trắng. Nhưng sự thật chưa chắc đã được như vậy. Bởi theo các nhà khoa học từ ĐH Cambridge (Anh Quốc), mới đây họ đã phát hiện màu xanh đang phủ lên nhiều khu vực của Nam Cực, một màu xanh tưởng như không thể tồn tại ở đây.
Để nói rõ hơn thì màu xanh này đến từ tảo. Cụ thể, các nhà thực vật học đã phát hiện tảo đang bùng nở trên bề mặt tuyết dọc theo các bờ biển của Nam Cực, dựa trên dữ liệu vệ tinh quan sát trong 2 mùa hè gần nhất. Dẫu cho các đám tảo mọc khá riêng lẻ, nhưng qua vệ tinh, các đám tảo mọc nhiều đến mức đủ khả năng để biến Nam Cực trở thành màu xanh.
Nhưng lý do để tảo mọc mạnh như vậy là gì? Đa số chúng ta sẽ nghĩ nguyên nhân là vì con người - với các tác động khiến khí hậu thay đổi. Có điều theo các nhà khoa học, lỗi lần này không hoàn toàn vì nhân loại, và một phần nằm ở... chim cánh cụt. Theo các dữ liệu vệ tinh, 60% các vùng tảo nở nằm gói gọn trong vòng 5km xung quanh lãnh thổ của một đàn chim cánh cụt. Ngoài ra, xung quanh tổ của mòng biển cũng xuất hiện tảo.
"Chúng tôi phát hiện 1679 đám tảo mọc trên nền tuyết, với tổng diện tích lên tới 1,9km vuông, có khả năng lưu giữ 479 tấn carbon mỗi năm," - trích lời tiến sĩ Matt Davey, tác giả nghiên cứu. Con số trên tương đương với lượng carbon thải ra từ 875.000 chuyến xe ô tô tại Anh.
"Tuyết phủ tảo là một yếu tố quan trọng cho khả năng giữ lại CO2 trong không khí tại Nam Cực, thông qua hiện tượng quang hợp."
Nói cách khác, tuyết tảo xuất hiện là một điều khá tốt. Nhưng tại sao nguyên nhân lại ở chim cánh cụt? Theo Davey, do phân của chim cánh cụt có quá nhiều dưỡng chất, và điều này góp phần khiến tảo phân tán mạnh hơn.
Trên thực tế, hiện tượng tảo xanh bung nở thường được tìm thấy ở nam bán cầu - chủ yếu trên những hòn đảo phía tây bán đảo Nam Cực. Chúng mọc ở những khu vực ấm hơn của bán đảo này, nơi nhiệt độ trung bình năm thường trên 0°C.
Theo các chuyên gia dự đoán, sự gia tăng nhiệt độ tại Nam Cực sẽ khiến diện tích tuyết phủ tảo lan ra, bởi tảo đang có xu hướng mọc dần về phía các vùng đất cao hơn.
"Khi Nam Cực ấm lên, chúng tôi dự đoán tổng thể tảo sẽ gia tăng khi lan dần đến các vùng đất cao, đủ để bù đắp số lượng mất đi khi băng tuyết tại vùng thấp tan ra," - trích báo cáo nghiên cứu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.