Khi COVID ùa vào mới chợt nhận ra cứ mải miết kiếm tiền mà quên mất rằng ba mẹ đang ngày một già đi, bệnh tật rình rập mỗi ngày
35 tuổi, cuộc đời đã va vấp đủ mọi đắng cay, tôi cứ tưởng chẳng gì có thể làm mình sợ hãi nữa. Ấy vậy mà khi COVID đến, một người đàn ông chai lì như tôi lần đầu thấy sợ, nỗi sợ sẽ mãi mãi không còn có cơ hội được ở cạnh những người thân trong gia đình.
Tôi tên T.B.B, nghề nghiệp công nhân. Căn nhà nhỏ có 1 gác mái, 2 phòng ngủ nhỏ ở Hóc Môn là nơi ở của gia đình 6 thành viên của tôi, gồm có vợ chồng người anh, vợ chồng tôi và bố mẹ đã ngoài 70 tuổi.
Một ngày đầu tháng 9/2021, tôi có triệu chứng khó thở sau 6 ngày đi chích vắc xin mũi 1 về, linh tính chẳng lành, tôi nhờ mua được kit test nhanh và "đứng hình" khi nhận kết quả dương tính.
COVID lúc này không còn chỉ là thứ gì đó mơ hồ trên bản tin thời sự, nó thực sự đã len lỏi vào gia đình tôi. Đáng buồn thay, ba mẹ và vợ tôi cũng có kết quả dương tính. May sao vợ chồng người anh vẫn âm tính do đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Một loạt dữ liệu hiện ra trong đầu tôi thời điểm ấy, nhủ thầm thật may mắn vì ba mẹ dù ngoài 70 nhưng trước đến nay không hề có bệnh nền, như vậy thì dù dương tính nhưng nguy cơ biến chứng nặng không cao.
2 ngày sau khi có kết quả dương tính, ba mẹ dần dần thú nhận về bệnh nền mình đang có. Ba 71 tuổi huyết áp cao, mẹ 69 tuổi tiểu đường nặng, từ trước đến nay chỉ lặng lẽ đi khám, thuốc thang chỉ lặng lẽ mua bằng số tiền lương hưu ít ỏi chứ không muốn làm phiền con cháu. Tôi sững người vì lo lắng, nhưng cũng vì buồn bã, từ trước đến nay cứ mải miết kiếm tiền mà quên mất rằng ba mẹ đang ngày một già đi, bệnh tật thì rình rập mỗi ngày.
Cuộc chiến giành giật sự sống
Điều kỳ diệu đã đến với tôi và vợ, chúng tôi khỏe lại nhanh. Một tuần sau test nhanh có kết quả âm tính, có lẽ đó là tác dụng sau khi tôi đã tiêm được một mũi vắc xin.
Người tôi lo nhất là mẹ thì cũng chỉ bị sốt đúng một ngày, sau đó mẹ dần hạ sốt và âm tính cách đó không lâu.
Người bị bệnh nặng nhất trong nhà lại là ba. Sau 4 ngày dương tính, ông mới bắt đầu có triệu chứng sốt. Nhưng sốt rất cao, đi cùng triệu chứng da tím tái, khó nói chuyện, rơi vào trạng thái mê man. Quá hoảng loạn, hai anh em tôi lập tức đưa ba vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện trong những ngày COVID luôn ở trạng thái quá tải, nhìn ba gầy gò, yếu ớt khi được bác sĩ cho thở oxy, tôi trực trào nước mắt. Khi tình trạng đã ổn hơn, ông nhìn tôi khẩn cầu xin được về nhà, bởi "có chết cũng phải chết ở nhà".
Nhìn sự cương quyết của ba, lại thêm nỗi xót xa, không nỡ để ông lại viện một mình, 2 anh em tôi bàn nhau đưa ba về nhà điều trị. Lúc ấy, SPO2 của ông đã tụt xuống chỉ còn 46, muốn xuất viện phải ký giấy cam kết của bệnh viện. Giây phút ký tờ giấy ấy tay tôi run, tim nghẹn lại, tôi biết quyết định của mình thực sự "lành ít dữ nhiều".
Đêm đầu tiên đưa ba về nhà, tôi tìm kiếm và kêu gọi giúp đỡ được 2 bình oxy loại nhỏ miễn phí để ba thở. Cả nhà chia nhau thức để canh ba suốt đêm. Ông vẫn ăn uống bình thường nhưng sPO2 vẫn không mấy khả quan, đây là tín hiệu cho thấy phổi của ông đang hoạt động không tốt, có thể chìm vào hôn mê và ra đi bất cứ khi nào.
Với kiến thức y tế gần như bằng 0, anh em tôi lo lắng không biết làm sao để cứu sống được ba. Ngày hôm sau, tôi quyết định lục mọi mối liên hệ để nhờ giúp đỡ. Trong lúc tôi bế tắc, tôi vô tình tìm thấy nhóm "Bác sĩ hỗ trợ tư vấn F1 – F0 cách ly tại nhà", may mắn được một bác sĩ tên T. trong nhóm đồng ý tư vấn và giúp đỡ.
Tôi vẫn nhớ y nguyên buổi tối định mệnh đó khi SPO2 của ba xuống thấp đến mức ông không còn sức lực, ông khó thở nặng, đau ngực, hoa mắt, chóng mặt… Trong lúc nguy nan tưởng chừng như chỉ có thể buông xuôi, tôi vội nhấc máy gọi điện cho bác sĩ T. nhờ giúp đỡ. Bác sĩ yêu cầu tôi để ba nằm sấp vì như vậy lá phổi sẽ hoạt động hiệu quả tốt, có thể cải thiện nhịp thở. Đồng thời, chỉ cho tôi cách vỗ lưng, chỉ ba cách tập thở… Cứ như vậy, tôi và anh trai luân phiên vỗ lưng và chăm sóc ba suốt đêm, may sao cơn nguy kịch cũng qua đi.
Những ngày sau đó, tôi kiên trì cho ba thở oxy 15l/phút, cho ba uống thuốc, ăn uống, tập hít thở và theo dõi ba thường xuyên theo đúng những gì bác sĩ T. tư vấn. Mỗi ngày cố gắng từng chút một, ba dần hồi phục và SPO2 cũng đã tăng dần.
15 ngày điều trị theo bác sĩ T., ba đã có kết quả âm tính 4 lần nhưng SPO2 vẫn không giữ được ổn định. Linh tính chẳng lành, tôi đưa ba đi chụp X-Quang phổi thì phát hiện 2 lá phổi đã trắng hết.
Lúc này, tôi quyết định sẽ đưa ba đến Bệnh viện Thống Nhất để điều trị phổi. Tại đây, bác sĩ phát hiện ba chưa hết virus hoàn toàn mà vẫn còn COVID 32%, bệnh viện quyết định đưa ba vào Bệnh viện dã chiến Tân Bình tiếp tục điều trị. Sau 14 ngày điều trị tại đây, sức khỏe của ba đã tốt hơn, sPO2 đã ổn định, được xuất viện về nhà dù vẫn còn ho nhiều.
Bài học thấm thía khi đi qua COVID
Trong cuộc chiến giành giật sự sống cho ba, đã có lúc tôi thất vọng, buông xuôi và bế tắc, nhưng có lẽ tôi vẫn may mắn hơn bao người khác vì cuối cùng vẫn chiến thắng COVID, đưa ba mẹ trở lại cuộc sống bình thường an toàn.
COVID đi qua giống như một cơn bão, nó "càn quét" tiền bạc và sức khỏe, nhưng nó cũng để lại cho tôi 3 bài học lớn:
1. Nếu còn cơ hội thì nên quan tâm đến sức khỏe của ba mẹ, vì biết đâu sẽ đến một ngày dù muốn cũng chẳng còn cơ hội làm điều đó nữa.
2. Khi không có kiến thức y tế thì đừng tự ý quyết định, hãy nhờ đến đội ngũ y bác sĩ để biết nên làm gì đúng nhất.
3. Khi mắc COVID, đặc biệt là khi người lớn tuổi mắc bệnh thì tuyệt đối không tự cố gắng điều trị tại nhà để tránh khó thở nặng, gây ra biến chứng nguy hiểm.