Những ngày này, dư luận khắp cả nước đang sục sôi hơn lúc nào hết khi chỉ trong chưa tới 1 tháng đã xảy ra liên tục 2 vụ xâm hại tình dục trong thang máy công cộng. Nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Đáng nói hơn cả là 2 vụ việc này xảy ra tại hai thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội.

Từ bao giờ ở Việt Nam, xâm hại tình dục lại xuất hiện ngang nhiên, trắng trợn, nhan nhản giữa ban ngày như vậy?

Nam giới phản ứng trước những vụ việc xâm hại tình dục: Người có thể dùng nắm đấm, người bối rối chưa biết hành xử sao cho đúng - Ảnh 1.

Từ bao giờ một không gian tưởng như vô cùng an toàn như thang máy công cộng lại trở thành nơi chứa đầy hiểm họa và gieo rắc nỗi sợ cho người ta đến thế?

Làm thế nào để bảo vệ bản thân cũng như người thân của mình khỏi việc bị xâm hại?

Những câu hỏi được đặt ra liên tục nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng lại càng khiến dư luận thêm phẫn nộ và hoang mang.

Nhóm PV chiến dịch "Quyền an toàn" của aFamily đã thực hiện một cuộc phỏng vấn tại hai thành phố thuộc "tâm bão" là Hà Nội và TP.HCM để lắng nghe những ý kiến từ người dân về vấn đề này.

Nam giới 2 miền bức xúc trước thực trạng xâm hại tình dục trong thang máy

Theo những gì chúng tôi ghi nhận được, đa phần những người được phỏng vấn đều tỏ ra vô cùng bất bình trước hành vi xâm hại tình dục. Hầu hết mọi người đều cho rằng hành động sai trái này cần được xử lý nghiêm mình để đòi lại công bằng cho người bị hại, cũng như răn đe những kẻ có tư tưởng xấu.

Trong khi nữ giới có phần e dè khi trả lời những câu hỏi xoay quanh vấn đề này thì thái độ của các bạn nam hay những người đàn ông đã có gia đình quyết liệt hơn.

Anh Tú (41 tuổi, TP.HCM) cho biết: "Trong trường hợp con anh bị xâm hại, sẽ không bao giờ có chuyện mình im lặng bởi vì con đã tổn thương rồi. Nếu có thể nhờ pháp luật bảo vệ, mình sẵn sàng chi trả hết sức, dùng hết khả năng để đòi lại công bằng cho con anh.

Nam giới phản ứng trước những vụ việc xâm hại tình dục: Người có thể dùng nắm đấm, người bối rối chưa biết hành xử sao cho đúng - Ảnh 3.

Nếu pháp luật không thể giải quyết hợp tình hợp lý, khi đó bản năng của người làm cha mẹ trỗi dậy, mình buộc lòng phải có phương pháp đáp lại".

Một nam nhân viên văn phòng tại TP.HCM bày tỏ ý kiến:

"Mình nghĩ đây là hành động rất đáng lên án và cần tất cả mọi người cùng lên tiếng. Nếu không, có lần một sẽ có lần hai, có với một bạn nữ và một trẻ em thì sẽ có với cả những người khác.

Ngay tòa nhà mình làm việc không có camera quan sát. Đây là một kẽ hở để cho những kẻ biến thái giở trò. Mình nghĩ là sau sự việc này thì các tòa nhà, các chung cư nên lưu ý, nên có camera giám sát nghiêm ngặt hơn để khi sự việc đáng tiếc xảy ra chúng ta biết được kẻ đó là ai và đưa họ ra ánh sáng.

Nam giới phản ứng trước những vụ việc xâm hại tình dục: Người có thể dùng nắm đấm, người bối rối chưa biết hành xử sao cho đúng - Ảnh 4.

Cá nhân mình cũng thấy có rất nhiều trường hợp như vậy diễn ra nhưng không phải ai cũng dám lên tiếng chống lại. Điển hình như mình thấy trường hợp của gia đình bé gái vừa rồi đã có lúc không muốn tố cáo vì sợ ảnh hưởng tới bé. Nhưng mình nghĩ chúng ta im lặng thì sự việc sẽ tiếp tục tái diễn ở bất cứ đâu...".

Một nam thanh niên khác tại Hà Nội tỏ ra vô cùng bức xúc:

"Mình cực kỳ phẫn nộ, không biết người bị hại sẽ thấy thế nào. Nếu là người thân chắc mình không giữ được bình tĩnh, vì đọc tin mà nạn nhân là một người xa lạ mình đã thấy vô cùng bức xúc rồi. Những hành vi như thế đối với người phụ nữ hay trẻ em là không thể chấp nhận được, cả về đạo đức hay pháp luật.

Theo mình, giải pháp hữu hiệu và lâu dài nhất là tuyên truyền, thông tin để mọi người tự bảo vệ được bản thân. Ngoài ra những điều luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em cần được thực thi nghiêm chỉnh hơn chứ không chỉ đơn giản là phạt hành chính 200 nghìn".

Nam giới phản ứng trước những vụ việc xâm hại tình dục: Người có thể dùng nắm đấm, người bối rối chưa biết hành xử sao cho đúng - Ảnh 5.

Có chung những luồng ý kiến phản đối song thái đô của người được phỏng vấn tại hai đầu cầu cũng có chút khác biệt.

Tại Hà Nội, nhiều người khá dè dặt thậm chí từ chối trả lời khi được hỏi về chủ đề này. Một số người tiếp nhận phỏng vấn tỏ ra lúng túng vì chưa tìm hiểu, chưa được trang bị kiến thức kỹ năng cũng như chưa từng nghĩ những tình huống này sẽ xảy đến với bản thân hay người thân của mình.

Tại TP.HCM, mọi người có xu hướng cởi mở và quyết liệt hơn. Rất nhiều nhân vật nam được phỏng vấn cho biết họ sẵn sàng dùng đến "nắm đấm" để giải quyết nếu cách xử lý của pháp luật chưa thực sự thỏa đáng.

Phụ nữ, trẻ em phải được an toàn dù ở bất cứ nơi đâu. Hãy lên tiếng cùng aFamily trong chiến dịch "Quyền an toàn" để chặn đứng xâm hại, sàm sỡ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn!

Đã đến lúc lên tiếng. Im lặng là đồng lõa với tội ác.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại ĐÂY hoặc qua email [email protected]Fanpage chính thức của aFamily để góp tiếng nói của mình vào chiến dịch này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bí mật danh tính của bạn.