Chân ướt chân ráo bước vào xã hội, ai cũng bỡ ngỡ với nhiều thói đời bẽ bàng, nhiều nguyên tắc ngầm chỉ khi trải qua rồi mới ngộ ra. Va vấp càng nhiều, trưởng thành càng nhanh. Khi đó, bạn buộc phải sống thông minh để bảo vệ bản thân, tạo ra lợi ích phục vụ cho mình.
Trưởng thành là khi nhìn thấy những điều không nên thấy thì im hơi lặng tiếng, là biết ứng xử thông minh và khéo léo, EQ đủ đầy...
Nếu là người trưởng thành thật sự, bạn chắc chắn phải thấu hiểu được 7 nguyên tắc ngầm trong xã hội sau đây:
1. Không nỗ lực làm việc, không phấn đấu học tập, không mở rộng quan hệ... thật ra, bạn vẫn có thể sống tốt. Mặc dù không giàu sang phú quý, nhưng vẫn có thể sống qua ngày.
Nhưng bạn có chấp nhận như vậy không?
Chắc chắn đa phần câu trả lời sẽ là KHÔNG. Mặc dù nhiều người lúc nào cũng mở miệng than vãn: "Công việc mệt mỏi", "cuộc sống khổ cực"... nhưng họ vẫn âm thầm phấn đấu, không dám buông vì muốn cho gia đình và bản thân cuộc sống tốt hơn.
Vậy nên, đừng phán xét khi nhìn thấy thanh niên trẻ thời nay dường như bất cần với đời. Thật ra, mỗi người đều đang hiểu rõ bản thân muốn và cần gì.
2. Trong xã hội này, bạn càng không tự tin càng dễ bị khinh thường.
Gặp cấp trên, chào hỏi một tiếng cũng bộp chộp, không rành mạch. Bạn không làm gì sai, cũng không nợ tiền sếp, vậy bạn sợ cái gì?
Ngay cả bản thân cũng không dám tin thì bạn lấy gì để cấp trên tin tưởng và xem trọng bạn?
Do đó, hãy sống tự tin hơn một chút, không nên tự gieo mình vào hố sâu, bạn bè và cấp trên mới coi trọng bạn.
3. Người khác không mở lời, đừng bao giờ chủ động cho ý kiến hay dang tay giúp đỡ.
Bạn cho rằng cho đi là hảo tâm, nhưng với người khác chỉ là "sự khoe khoang phù phiếm".
Nhiều người thích làm "kẻ giúp đỡ", giúp người mang lại cảm giác thành tựu, khiến tâm trạng vui vẻ, thậm chí còn "nghiện" luôn thói quen này. Nhưng đứng ở góc độ người được giúp đỡ, họ chưa chắc cảm thấy biết ơn.
Vì "hướng dẫn cho bạn" tương đương với "tôi kém hơn bạn". Không ai sẵn sàng thừa nhận việc bản thân thua kém người khác. Cho dù thực tế chứng minh năng lực không đủ, nhưng cũng khó lòng tiếp nhận ý kiến của bạn.
Chỉ khi người khác chủ động cầu cứu thì sự giúp đỡ sau đó mới hợp tình hợp lý, khiến đối phương cảm thấy cơ hội này không dễ có mà mang lòng cảm kích, biết ơn.
4. Không động chạm đến lợi ích với bạn bè.
Tình cảm giữa người với người kiêng kỵ nhất là lợi ích. Nếu mâu thuẫn xảy ra, tình cảm sâu đậm đến mấy cũng tan thành mây khói.
Ví dụ như cho bạn mượn tiền, nhưng đối phương không trả theo đúng hẹn. Do đó, hai người bạn vốn thân thiết lại phát sinh cãi vã, từ đó không còn nhìn mặt nhau, cắt đứt quan hệ.
"Theo đuổi lợi ích" là nhược điểm của con người. Đó là lý do vì sao xảy ra rất nhiều tình trạng: bạn bè ở chung "cạch mặt", anh em làm chung "từ mặt"...
5. Thay vì "khua môi múa mép", ai cũng thích hành động hơn.
Trong xã hội này, nhiều người cho rằng có tài ăn nói thì dễ sống hơn, dễ mở rộng mối quan hệ. Nhưng thật ra, người sống tốt và thành công thật sự đều thuộc nhóm "hành động trong thầm lặng".
Mặc dù họ không giỏi ăn nói, nhưng năng lực hành sự mạnh mẽ, có thể mang đến kết quả trực tiếp cho người khác.
6. Mặc dù năng lực rất quan trọng, nhưng trong xã hội thời nay, ngoại hình mới quyết định ấn tượng đầu tiên.
Nhiều người khẳng định bản thân không coi trọng ngoại hình, nhưng khi lần đầu tiên gặp một người, họ lại đánh giá đối phương từ cách ăn mặc, vẻ ngoài.
Quần áo, trang điểm cũng phần nào ảnh hưởng đến cách đánh giá của bạn. Sau đó, bạn mới có hứng thú để tìm hiểu trình độ và năng lực của họ.
Vậy nên bất kể nam hay nữ, ai cũng nên học cách ăn diện một chút, ít nhất phải gọn gàng, tinh tươm.
7. Giữ lại một chút "phần con" trong tim để sống bớt mệt mỏi.
Thật thà hiền hậu rất đáng quý, nhưng quá hiền lại trở thành nhu nhược.
Ngoài người thật thà, thế giới này còn rất nhiều người không tuân thủ bất kỳ nguyên tắc hay đạo lý nào. Bạn nghĩ rằng lùi một bước là trời cao biển rộng, đối phương cũng cho rằng bạn đã sợ nên giữ chừng mực.
Khi lợi ích của bản thân bị uy hiếp, hãy thể hiện "phần con" của mình ra ngoài một chút, người khác mới không "được nước làm tới, thấy hiền làm càn".
(Nguồn: Zhihu)