Ngay cả khi đã trở thành cha mẹ, có vô số điều mới lạ mà bạn cần phải học mỗi ngày. Những kiến thức không chỉ đến từ sách vở mà bằng nhiều cách từ người thân, bạn bè, cuộc sống... và từ chính những đứa con. Có đôi khi bạn sẽ tự nhủ thầm, có con đúng là một trải nghiệm rất kì lạ, vừa khó khăn, vất vả nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.
Có 1 số điều mà bạn nên học nếu muốn trở thành những ông bố, bà mẹ tốt. Khi làm được những điều này, cuộc sống gia đình sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Nhờ đó mà những đứa trẻ cũng ngoan ngoãn, bố mẹ đỡ cảm thấy áp lực.
1. Nói lời tích cực, nhẹ nhàng có hiệu quả gấp 10 lần đánh mắng
Không ai muốn nghe những lời mắng mỏ, chửi bới, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chúng rất dễ bị tổn thương khi nghe những lời không tích cực từ cha mẹ. Con vẫn là một em bé và chuyện mắc lỗi xảy ra là hoàn toàn bình thường. Thế nhưng cách xử lý của cha mẹ mới cần phải xem xét, là tiền đề hình thành tâm lý và tính cách của trẻ trong tương lai.
Những cha mẹ nóng tính, hay quát tháo con khó nuôi dạy một em bé kiên nhẫn và điềm tĩnh. Ngược lại, học cách nói tích cực và giáo dục tích cực sẽ mang hiệu quả giáo dục cao. Khi bạn răn dạy trẻ, cũng hãy giữ 1 thái độ tích cực. Nhớ rằng: tích cực không phải là dễ dãi với trẻ khi trẻ lầm lỗi mà là đưa ra các quyết định/lời nói có lí trí và hợp lý, hơn là để cảm xúc dẫn dắt như tức giận, la mắng.
2. 5 phút chất lượng ở bên con còn hơn 2 tiếng nhưng chẳng chú tâm
Rất nhiều cha mẹ ghi nhớ điệp khúc "tuổi thơ con ngắn lắm, phải dành thời gian cho con mỗi ngày". Thế rồi mỗi ngày họ ngồi với con 2 tiếng nhưng chỉ tập trung vào điện thoại, chụp vài tấm ảnh sống ảo, còn không thực sự trò chuyện, chia sẻ và giao tiếp với con.
Trẻ học thông qua chơi, qua việc trao đổi, chia sẻ với bố mẹ. Dù khi mới chào đời hay đã lên 5 tuổi, giây phút ở bên bố mẹ lúc nào cũng đáng quý. Hãy thử tưởng tượng cảnh con rất háo hức kể 1 câu chuyện vui nhưng bố mẹ chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại. Điều này sẽ làm tổn thương con biết chừng nào.
3. Học cách nói "Không" và kỉ luật khi cần thiết
Lại có những ba mẹ quá nuông chiều, yêu thương, cho trẻ mọi thứ trong cuộc sống một cách vô điều kiện. Cho đến khi con hư hỏng, cãi bướng... thì cha mẹ lại thất vọng, tự trách bản thân không biết sai ở đâu trong quá trình nuôi con. Tại sao mình đã hết lòng như vậy mà con vẫn không ngoan ngoãn?
Bạn cần cho trẻ hiểu về giới hạn. Tại sao nó quan trọng? Trẻ không có khái niệm giới hạn trừ khi học cách hiểu nó từ sớm. Mỗi độ tuổi trẻ sẽ hiểu giới hạn khác nhau. Chuyên gia Anh Nguyễn (tác giả cuốn Làm mẹ không áp lực) cho biết:
Trẻ dưới 2 tuổi: hiểu giới hạn qua thái độ 1 là 1, 2 là 2, cho là cho, không là không của cha mẹ. Nếu người cha người mẹ không rõ ràng, kiểu gì cũng chiều, cũng hứa, cũng ừ thì đứa trẻ sẽ rất khó hiểu giới hạn. Mới đầu ai cũng khó chịu khi biết có giới hạn, đứa trẻ cũng vậy. Tuy nhiên, khi trẻ đã hiểu thì trẻ sẽ làm tốt nó.
Trẻ từ 2-6 tuổi: hiểu giới hạn thông qua luật và nguyên tắc. Độ tuổi này trẻ bắt đầu có thái độ độc lập. Việc từ chối khăng khăng của cha mẹ sẽ gặp phản ứng mạnh của trẻ. Để tránh điều này thì cha mẹ nên bắt đầu áp dụng luật và nguyên tắc, cho trẻ hiểu rõ nó trước khi áp dụng. Ví dụ, luật ăn cơm, luật đi ra ngoài chơi,… còn nguyên tắc như nguyên tắc nói chuyện không khóc không lè nhè… Các luật và nguyên tắc phải chi tiết các thành phần nào được phép, không được phép, hậu quả nếu vi phạm và thưởng nếu làm tốt. Trẻ con lúc này thích là chính mình và rất thông minh để làm tốt các luật và nguyên tắc khi trẻ được trao quyền quyết định cách trẻ ứng xử.
4. Ba mẹ thế nào, con cái thế nấy
Trẻ con học không phải điều bạn dạy mà là điều trẻ nghe, điều trẻ thấy bạn làm. Khi bạn la mắng quát tháo ai đó thì đừng mong đứa trẻ sẽ nói chuyện lễ phép với bạn và ai đó. Khi bạn thất hứa hết lần này đến lần khác với trẻ thì rất khó bắt trẻ sẽ nói thật với bạn và người khác. Khi bạn và chồng bạn lục đục cãi vã mỗi ngày thì khó mong trẻ là 1 người lắng nghe và chia sẽ tốt sau này.
Cha mẹ sẽ bất ngờ khi đôi lúc nhìn thấy chính bản thân mình qua con cái. Cách hành xử và nuôi dạy của ba mẹ sẽ ngấm từ từ vào tâm lý, tính cách con. Sẽ thật tuyệt nếu con nói rằng ba/ mẹ là hình mẫu lý tưởng mà con muốn hướng tới.