Khi những cơn mưa giao mùa rơi xuống mặt đất khô khốc vào những buổi chiều tối, để ngày sau chớm nắng nhẹ cũng là lúc nấm mối bắt đầu mọc. Thoảng nghe trong hương gió mùi ẩm nồng của đất, người dân xứ dừa lại hò nhau đi săn nấm mối. Những ai đã từng được ăn nấm mối ắt hẳn sẽ khó mà quên hương vị độc đáo, còn với người dân nơi đây nó như một món quà quý mà thiên nhiên ban tặng, để rồi mỗi khi xa xứ lại chẳng nhuốm vị nhớ nhung.
Nấm mối là một loại khá đặc biệt, chỉ xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa và kéo dài hơn một tháng (thường xuất hiện vào cuối tháng tư âm lịch, nở rộ vào tháng năm và lai rai qua đầu tháng sáu). Không như những loại khác có thể cấy trồng nhân tạo, loại nấm này được hình thành từ chính nước dãi của các con mối. Dưới những mô đất thịt trồng dừa và các loại cây ăn trái thường chứa nhiều mùn, rễ, lá cây mục, tạo điều kiện cho mối làm tổ, sinh hoạt. Khi nước dãi của chúng tiết ra, gặp độ ẩm thấp do những cơn mưa đem lại, tạo thành meo, rồi ủ mình vào mùn đất và mọc thành nấm nhô lên khỏi mặt đất.
Cũng chẳng khó khăn gì để phân biệt nấm mối với các loại nấm khác, đầu thường có màu nâu xám, nhìn giống chiếc dù, thân hình trụ có màu trắng đục. Khi mới nhú, chúng có hình búp nhọn, bầu tròn, màu nấm thường hòa lẫn với đất nên rất khó phân biệt, chỉ những con người xứ dừa có kinh nghiệm mới có thể phát hiện ra chúng và đánh dấu bằng cách lấy tàu dừa phủ lên hoặc cắm một đoạn cây vào đó như báo hiệu đất này đã có chủ và đợi vài ngày sau nấm trưởng thành thì ra thu hoạch.
Muốn đạt được thành quả thì cần phải bỏ ra công sức, việc đi hái nấm cũng vậy, cần phải đi từ khi mặt trời chưa ló rạng, vì như thế nấm dễ thu hoạch, giữ được hương vị của sương đêm, chất chứa những tinh hoa của đất trời, tạo ra mùi vị tươi ngon, thơm ngọt hơn nhiều; còn nếu để mặt trời rọi vào, nấm sẽ nở thành tán, khó hái, dễ bị vụn nát, lượng chất dinh dưỡng cũng không còn nguyên vẹn.
Khi nhổ nấm cũng cần đến sự khéo léo và lòng kiên trì, cần phải nhổ nhẹ tay để lấy được chân nấm, nếu nóng vội nấm sẽ bị mất chân. Với những cây nấm hơi “cứng đầu” không nhổ bằng tay được thì cần dùng que tre, que gỗ để bới gốc, kỵ nhất là dùng dao hoặc những vật dụng bằng kim loại, vì như thế mùa sau nấm sẽ không mọc nữa, đó là kinh nghiệm của người dân miệt vườn.
Nấm thu hoạch về được làm sạch, ngâm kỹ rồi đem chế biến thành những món ăn ngon, bổ dưỡng. Nếu lượng nấm nhiều có thể phơi khô cất dùng dần. Đơn giản có thể làm món nấm hấp cơm, thường chọn những cây nấm có thân múp míp đã được làm sạch rồi cho vào tô sành, thêm một ít mỡ lợn cùng hành hoa xắt nhỏ, nêm bột ngọt và tạo vị mặn bằng nước mắm; khi cơm vừa chín tới, cho thẳng tô nấm đã trộn gia vị vào nồi ấn chặt, đậy vung, hơi cơm sẽ làm nấm chín và giữ được vị ngon, ngọt, giòn.
Nấm mối đem nấu canh rau tập tàng cho thêm vị thanh mát, cũng có thể làm món trứng vịt chiên nấm, chỉ cần đập trứng vịt vào tô, cho nước mắm, hành lá khuấy đều rồi bắc chảo, phi hành, cho nấm vào đảo sơ trước rồi trút hết trứng vịt lên, để lửa riu cho trứng chín cả mặt, không cần lật trứng để tạo vẻ thẩm mỹ cho món ăn. Khi thưởng thức có thể chấm cùng nước mắm pha hay nước tương tùy thích.
Một món khác cũng được liệt vào hàng trứ danh đó là nấm xào khổ qua (mướp đắng). Nhờ chất ngọt trong nấm mà vị đắng của khổ qua giảm đi ít nhiều, khi xào gần chín, đập thêm một hột vịt vào thì quá tuyệt. Còn nếu ai đó sợ độ đắng của khổ qua thì thay bằng mướp, món này cũng hút cơm không kém. Đó là những món dễ chế biến, ăn cùng cơm rất hợp vị.
Cũng có thể biến nấm thành món ăn chơi như làm bánh xèo. Cứ vào dịp tết Đoan Ngọ, khi gia đình tề tựu đông đủ, người dân xứ dừa không quên làm món bánh xèo nhân nấm để cùng nhau vui vầy thưởng thức, xuýt xoa. Hay tô bánh canh nấu nấm cũng làm ấm lòng người đi xa. Với dân nhậu thì món nấm cuốn lá cách nướng là “đưa” rượu hơn cả.
Nấm mối hái về, gọt bỏ phần chân, chẻ đôi rửa nước lạnh có pha chút muối. Lấy vài nắm lá cách, phơi héo để khi quấn không bị rách. Ướp gia vị vào nấm cho vừa ăn, rồi quấn bên ngoài bằng lá cách, nhóm lửa, cho từng cuộn vào vỉ. Khi nướng chỉ cần để lửa liu riu cho nấm chín đều, khi mùi thơm lan toả cũng là lúc cho nấm ra đĩa nhâm nhi. Món ăn này thường được chấm cùng bát muối hột đã rang và đâm giập cùng vài trái ớt hiểm xanh. Vị ngòn ngọt, dai dai và mùi thơm đặc trưng của nấm mối hòa quyện vị nhân nhẩn lẫn mùi thơm của lá cách như đánh thức mọi giác quan, tiềm thêm chút men cay vào để cho câu chuyện thêm phần hưng phấn. Đĩa nấm mối xào nguyên thủy, còn giữ nguyên vị ngọt, giòn cũng giúp các đấng mày râu “đánh bay” vài xị rượu…
Quả thật, đây là loại nấm mà thiên nhiên đã ban tặng cho những con người chân chất. Dù cho vào lẩu, nấu cháo hay chế biến thành những món ăn khác nhau thì khi nhai chầm chậm sẽ cảm nhận hết được vị ngọt, thanh, thơm ngon, đậm đà mà nấm tiết ra làm mê đầu lưỡi, thế mới hiểu được vì sao người dân nơi đây phong cho nấm mối là “hoa hậu miệt vườn” và để khi đi xa ai cũng vấn vương hương vị xứ dừa.