Tiếng kêu thất thanh của người đàn ông 47 tuổi vang lên giữa đường phố Giang Tô (Trung Quốc) trước khi ngọn lửa bùng lên thiêu rụi thân thể anh. Ít ai biết rằng, ẩn sau hành động dại dột ấy là câu chuyện về người shipper bị "cắt xén" tiền công.
"Trả lại tiền mồ hôi nước mắt cho tôi! Tháng trước tôi không nghỉ một ngày nào, phơi nắng phơi sương kiếm tiền, tại sao lại tự ý cắt xén? Gia đình tôi đã sắp khánh kiệt rồi, các người còn chút lương tâm nào không?", người đàn ông hét lớn.
Người đàn ông tên Lưu Tiến (tên nhân vật đã được thay đổi) mang gánh nặng cơm áo gạo tiền, phải lao động vất vả để nuôi vợ con.
Con gái anh vừa vào đại học, bố mẹ già yếu, vợ lại đau ốm liên miên. Áp lực kinh tế như những ngọn núi đè nặng lên vai người đàn ông. Dù vậy, ông vẫn luôn lạc quan, tin rằng rồi sẽ có ngày gia đình vượt qua khó khăn.
Là một người không có kỹ năng đặc biệt, anh Tiến gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc. Những công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn thường rất vất vả và lương thấp. Đối mặt với hiện thực phũ phàng, anh Tiến đành chấp nhận số phận.
Theo lời khuyên của bạn bè, anh Tiến quyết định làm shipper. Nghề này tuy vất vả, phải dãi nắng dầm mưa, nhưng bù lại thu nhập cũng tạm ổn. Công việc giao hàng diễn ra ngày này qua ngày khác, có những hôm anh còn chẳng có thời gian ăn uống. Gặp hôm thời tiết xấu, không những dễ bị trễ giờ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Khi những người đồng nghiệp khác đã hết ca, anh vẫn cố gắng chạy thêm vài cuốc để kiếm thêm thu nhập.
Cuối năm 2020, khi Lưu Tiến mở bảng lương, anh như chết lặng. Thay vì nhận được số tiền 6000 NDT (khoảng 21 triệu đồng) như dự kiến, anh chỉ nhận được vỏn vẹn 1000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng). Số tiền 5000 NDT (khoảng 17,4 triệu) đã không cánh mà bay!
Lưu Tiến không đồng ý, anh đến tìm gặp quản lý để hỏi về số tiền còn thiếu. Thế nhưng, quản lý lại tỏ ra thờ ơ, tìm đủ mọi lý do để thoái thác trách nhiệm. Họ giải thích rằng anh bị trừ tiền vì mắc phải một số lỗi trong quá trình làm việc.
Không đòi được 5000 NDT, sự uất ức, phẫn nộ tột cùng dồn nén bấy lâu bùng phát. Trong cơn tuyệt vọng, Lưu Tiến đã tẩm xăng lên người rồi châm lửa tự thiêu vào tháng 1/2021. Bị dồn đến bước đường cùng, anh đã chọn cách giải quyết cực đoan nhất.
Dù được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng Lưu Tiến đã bị bỏng nặng. Bác sĩ cho biết, anh bị bỏng nặng độ 3 toàn thân, diện tích bỏng lên tới 80%. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì sẽ không có cách nào cứu được. Các dây thần kinh ở một cánh tay của anh đã bị hoại tử hoàn toàn khiến mất đi chức năng hoạt động.
Ngoài ra, hệ thống thính giác, thị giác và hô hấp của anh bị tổn hại nghiêm trọng, cần quá trình hồi phục lâu dài. Chi phí điều trị là một con số khổng lồ mà gia đình anh không thể nào gánh nổi.
Vụ việc của anh cũng thu hút sự chú ý của chính quyền, một đội đặc nhiệm đã được thành lập để điều tra. Vào ngày 17/1/2021, chính quyền địa phương đã thông báo chính thức, cho biết họ sẽ tiến hành một cuộc điều tra về công ty Lưu Tiến làm việc. Họ cũng cam kết chịu mọi chi phí phục hồi và điều trị đến khi anh bình phục hoàn toàn.
Bên cạnh đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng tích cực kêu gọi quyên góp cho gia đình họ. Chỉ trong thời gian ngắn, tổng cộng 500.000 NDT đã được nhận từ người dân thuộc mọi tầng lớp.
Câu chuyện của Lưu Tiến chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người cũng cần nghĩ đến hậu quả mà mình sẽ phải đối mặt. Trong trường hợp của Lưu Tiến, anh đã đánh đổi tính mạng và sức khỏe của bản thân vì không đòi được số tiền 5000 NDT. Điều may mắn là gia đình anh được mọi người hỗ trợ, nhưng dẫu sao, đó vẫn là sai lầm không thể lấy lại.
Theo 163