Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 có lẽ là mùa thi đặc biệt nhất. Bởi trận chung kết năm không chỉ có 4 mà tới tận 5 thí sinh tham gia tranh tài. Đó là các bạn trẻ: Bùi Tứ Quý (PT Năng khiếu, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh); Nguyễn Thị Thu Trang (THPT Bảo Lộc, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng); Hồ Ngọc Hân (THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế); Đào Thị Hương (THPT Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và Bạch Đình Thắng (THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội).
Sự việc chưa có tiền lệ này xuất phát từ khiếu nại của thí sinh Bạch Đình Thắng. Cụ thể trong trận thi Quý III, thí sinh Bạch Đình Thắng cho rằng mình đã trả lời đúng câu hỏi về sáu hệ trong cơ thể người. Còn thầy Trần Hồng Hải, cố vấn sinh học của chương trình thì nhận định em chỉ trả lời đúng năm hệ. Hệ thứ sáu là hệ vận động chứ không phải hệ nội tiết như Thắng trả lời.
Theo kết quả ban đầu, Bạch Đình Thắng về nhì trong trận thi Quý III Đường lên đỉnh Olympia 2009.
MC Tùng Chi, đồng thời là Tổng đạo diễn chương trình đã gọi điện thoại cho ba chuyên gia về y học để xin ý kiến. Các ý kiến đều cho rằng: Chỉ có tuyến nội tiết chứ không có hệ nội tiết. Những lập luận bằng khoa học của các chuyên gia về y-sinh này được công khai ngay tại trường quay. Kết quả, thí sinh Hồ Ngọc Hân giành chiến thắng chung cuộc, còn Bạch Đình Thắng mất suất vào chung kết.
Tuy nhiên một sự việc bất ngờ đã xảy ra, dẫn đến trận chung kết có 1-0-2 trong lịch sử. Cụ thể gia đình thí sinh Bạch Đình Thắng đã gửi đơn khiếu nại, kèm theo cuốn sách Sinh học lớp 8 có ghi rõ: Hệ nội tiết là một trong các hệ của cơ thể người. VTV sau đó phải mời ban cố vấn, các chuyên gia y-sinh và cả ban biên soạn SGK lớp 8 để thống nhất đáp án. Tuy nhiên các bên đều đưa ra lý lẽ riêng và không tìm được tiếng nói chung.
Sau cùng, VTV quyết định chấp nhận câu trả lời của thí sinh Bạch Đình Thắng. Bởi đây là những gì nam sinh này được học. Như vậy, Thắng có tổng số điểm vừa bằng với thí sinh về nhất là Hồ Ngọc Hân. Cậu bạn Hà Nội được công nhận là người đồng chiến thắng, nhận bù vòng nguyệt quế và phần thưởng 23 triệu đồng cùng một tivi 37 inch cho Trường chuyên Nguyễn Huệ. Bên cạnh đó, Bạch Đình Thắng cũng góp mặt trong trận chung kết năm.
Quyết định của chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã nhận được cơn mưa lời khen vì cách giải quyết ổn thỏa, hợp tình hợp lý và đặc biệt là dám nhận sai, không hề giấu diếm sự cố.
Dù không giành vòng nguyệt quế chung cuộc nhưng vẫn có sự nghiệp thành đạt
Được biết trước khi tới với Đường lên đỉnh Olympia, Bạch Đình Thắng là một học sinh có thành tích cực kỳ xuất sắc với 12 năm liền là học sinh giỏi, cấp 1 đạt giải nhì HSG Hà Nội, cấp 3 đạt giải nhì môn Toán Kỳ thi HSG tỉnh Hà Tây; 1 giải nhì của Hà Nội. Không chỉ vậy, nam sinh này còn thuộc đội tuyển trường THPT chuyên Nguyễn Huệ tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia 2009.
Trong trận chung kết năm, Bạch Đình Thắng có lẽ vì quá hồi hộp và gặp phải những đối thủ đáng gờm nên chỉ giành được tổng 35 điểm sau 4 vòng thi. Tuy nhiên, việc đi được tới vòng chung kết năm cũng cho thấy nam sinh THPT chuyên Nguyễn Huệ có thành tích học tập đáng gờm.
Được biết sau khi rời chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Bạch Đình Thắng thi đỗ ĐH Xây dựng. Một thời gian sau, Thắng lên đường sang Hàn Quốc du học tại KAIST - Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc. Đây là trường đại học định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu và danh tiếng nhất của Hàn Quốc cũng như châu Á và thế giới. Năm 2013, KAIST xếp thứ 3 trong danh sách những trường đại học dưới 50 năm thành lập tốt nhất thế giới theo BXH QS University Ranking. Được biết ngôi trường nằm ở phía nam và cách thủ đô Seoul 150km.
Nhiều năm trôi qua, nam sinh Đường lên đỉnh Olympia ngày nào đã có bằng kỹ sư xây dựng và làm việc tại Canada. Dù không giành chiến thắng chung cuộc tại cuộc thi năm ấy nhưng sau cùng, Bạch Đình Thắng vẫn tỏa sáng bằng năng lực học tập xuất sắc và những cố gắng không ngừng.