Hà Nội công bố điểm thi, rồi điểm chuẩn vào lớp 10 công lập. Và như mọi năm, mạng xã hội cũng như chia làm hai với đủ thái cực hỉ, nộ, ái, ố.
Phụ huynh có con đỗ nguyện vọng 1, nhất là vào các trường "danh tiếng" thì không khỏi tự hào khoe điểm lên trang cá nhân, lên diễn đàn. Có người "đau đầu" vì không biết phải chọn trường nào cho con, khi trường cao thấp gì con cũng đỗ.
Ở phía bên kia, nhiều cha mẹ, học sinh lẳng lặng tiếc nuối và lo lắng. Sắp tới, họ phải tìm một chỗ học không-phải-công-lập cho con. Và với gia đình điều kiện kinh tế chỉ ở mức đủ ăn, đây thực sự là một gánh nặng.
Dù vậy, phụ huynh thất vọng 1 thì những đứa trẻ cũng tuyệt vọng 10. Bởi chúng không chỉ "gục ngã" trước một trong những cuộc thi quan trọng nhất của đời học sinh mà còn mang áp lực và gánh nặng từ mẹ cha trên đôi vai nhỏ bé của mình.
Sự buồn bã, lo âu và hoang mang khi học sinh trượt trường công lập là điều dễ thấy nhưng lúc này, bố mẹ cần hiểu rằng, trẻ cần nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời hơn là trách móc, dằn vặt. Sự thấu hiểu, đồng hành của cha mẹ lúc này chính là chỗ dựa tinh thần để trẻ cảm thấy tự tin mà bước tiếp.
Cảm ơn mẹ vì đã bao dung cho "thất bại" đầu đời
Mới đây, một nam sinh cũng chia sẻ lại trải nghiệm từng rất "đau thương" của mình. Em hiện là sinh viên năm 1 trường ĐH Kinh tế Quốc dân, có em trai cũng dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa xong.
Cách đây 4 năm, em cũng thi trượt lớp 10 công lập, bố mẹ và ngay cả bản thân em cũng gần như sụp đổ. 15 năm cuộc đời của nam sinh này tưởng chừng như dừng lại bởi kết quả một kỳ thi. Nhưng, có một động lực đã níu em "ở lại".
Em cho biết, mình cũng đã định buông xuôi, đã nghĩ cuộc đời mình gần như dừng lại, tương lai sẽ tối tăm. Cả kỳ 1 lớp 10, em gần như không học hành gì, chán nản, mệt mỏi và tự ti, gần như xa lánh tất cả bạn bè cấp 2.
"Nhưng cháu phải cảm ơn mẹ cháu rất nhiều, mẹ tâm sự với cháu gần như cả nửa năm đó, luôn động viên và tìm con đường cho cháu. Mẹ đã tìm nhiều thầy cô luyện thi THPT nhưng cháu cũng không theo vì xung quanh mình các bạn cũng không học mấy, mẹ vẫn kiên trì, tìm chỗ học IELTS cho cháu.
Cháu cũng thương mẹ, quyết tâm đi học, vì mẹ bảo là con có thể thất bại ở ngưỡng cửa đầu tiên, nhưng không đồng nghĩa ở ngưỡng cửa tiếp theo là Đại học con sẽ tiếp tục thất bại, con cố lên thì vẫn sẽ về đích. Nhưng năm lớp 11 cháu cũng chỉ thi được 6.5, hồi đó điểm ấy không trúng được các trường Đại học tốt. Mẹ vẫn kiên trì tìm cách, rồi còn tính cho cháu đi du học ở Mỹ. Thế là 2 mẹ con lại cùng nhau tìm chỗ học SAT, và đúng là cứ cố gắng rồi kết quả sẽ đến", nam sinh chia sẻ.
Cuối năm đó, em thi SAT được 1520 và đã may mắn được xét tuyển thẳng vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Nam sinh cho biết, mình thực sự biết ơn mẹ đã luôn ở cạnh, động viên, tìm cách cho con. Thực sự, khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Chỉ cần không bỏ cuộc là được.
"Cháu là một đứa trượt cấp 3, học dân lập nhưng vẫn đàng hoàng bước vào trường Top 1 về kinh tế, cháu vui khi khiến bố mẹ tự hào về mình chứ không phải buồn tủi như kỳ thi cấp 3. Con cảm ơn mẹ, cảm ơn cuộc đời đã giúp con đứng dậy. Các em 2k9 cố lên nhé, chỉ cần không bỏ cuộc là sẽ chiến thắng!", nam sinh nhắn nhủ.
Các con cứ buồn, cứ thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng và xỉ vả bản thân
Nhiều năm nay, cuộc thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội là nỗi ám ảnh của các học sinh, phụ huynh. Bởi lẽ, số trường công chỉ đáp ứng hơn 60% số học sinh dự tuyển vào lớp 10 của thủ đô.
Cánh cửa nguyện vọng không phải luôn mở cho tất cả sĩ tử, và nhiều lúc thực tế nghiệt ngã khi có học sinh học rất giỏi, tỷ lệ đỗ ước tính khá cao nhưng cuối cùng đã tuột mất ngôi trường yêu thích. Vì thế, sau mỗi mùa thi, không ít thí sinh phải đối mặt với cú sốc khi "vượt vũ môn" không thành.
Thầy Hà Đình Lực, giáo viên tại Hà Nội nhắn nhủ: Hy vọng các bố mẹ sẽ ôm các con thật chặt và cùng con vượt qua thử thách đầu đời này, các con và chúng ta không hề có lỗi. Vì quả thật nếu các con có chăm chỉ hơn, học tập tiến bộ hơn, thi đạt kết quả cao hơn để đỗ thì sẽ có 50 ngàn bạn khác trượt mà thôi. Lỗi nằm ở phía người lớn.
Bao năm tốc độ xây mới các trường cấp 3 công lập quá ì ạch, mỗi năm được 1 vài trường, mà đa số nằm ở các huyện ngoại thành. Trong khi nơi thực sự cần hạ nhiệt phải là nội đô. Các con có thể học trường tư hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng mấy gia đình đủ kinh tế để vào trường tư và chưa nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên tạo được uy tín và sức hút với xã hội.
"Các con cứ buồn, cứ thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng và xỉ vả bản thân, vì đơn giản đó không phải lỗi ở các con. Chỉ cần các con nhớ được câu nói trên thì nhất định vào khoảnh khắc nào đó các con sẽ đứng dậy bước tiếp vững vàng hơn. Để vài năm sau khi nhìn lại, biết đâu ta lại biết ơn biến cố này đã giúp ta trưởng thành hơn", thầy Lực nói.
Thầy giáo cho rằng, khi đã nỗ lực hết sức và không thể lựa chọn được nơi như ý muốn thì tốt nhất là quên cuộc thi này đi để tính những bước tiếp theo, vẫn còn khá nhiều con đường lựa chọn:
1. Cân nhắc những trung tâm giáo dục thường xuyên uy tín. Các con vẫn có đủ quyền lợi học tập và sau khi tốt nghiệp vẫn đủ điều kiện thi bất cứ trường Đại học nào ở Việt Nam, miễn là học lực đảm bảo.
2. Cân nhắc học ở một số trường cao đẳng nghề, sau 3 năm học vừa có bằng tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện thi các trường Đại học, vừa có thể đi làm ngay nếu muốn. Một số trường được tổ chức khá tốt và cơ hội việc làm cao, trong khi học phí không quá cao, khoảng 3 triệu/tháng.
3. Cân nhắc sang các tỉnh khác giáp ranh với Hà Nội để theo học, ví dụ Bắc Ninh, Hưng Yên cũng ngay sát và thuận tiện di chuyển đến Hà Nội.