Khi nhắc đến các quốc gia du học “lý tưởng”, người ta hay nghĩ đến các nước như Mỹ, Anh, Úc, Hàn,… tuy nhiên đã bao giờ bạn nghe đến việc du học Mông Cổ chưa?

Nghe thì có vẻ khá “lạ lùng” đúng không nào bởi cứ khi nhắc đến Mông Cổ, người ta lại nhớ đến tập tục du mục truyền thống, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và những con người thân thiện. Tuy nhiên, có không ít sinh viên Việt Nam chọn Mông Cổ là điểm dừng chân trong hành trình chinh phục tri thức của mình, đơn cử như nam sinh Phạm Hải Lâm (SN 2002) dưới đây.

Được biết, Hải Lâm đang là một du học sinh đang theo học chương trình Thạc sỹ tại Đại học Quốc gia Mông Cổ theo dạng Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Mông Cổ. Hành trình khám phá “vùng đất của bầu trời xanh” qua lăng kính của nam sinh này có vô vàn điều thích thú. Hãy cùng khám phá nhé!

Từng theo học 3 trường đại học 

Trước khi đi du học tại Mông Cổ, Phạm Hải Lâm đã từng theo học tại 3 trường đại học, trong đó có 2 trường tại Việt Nam là Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB), Đại học Hà Nội (HANU) và một trường tại Đài Loan (Trung Quốc) là Đại học Quốc lập Chính trị (NCCU, Trung Quốc). 

Ban đầu, Hải Lâm là sinh viên chuyên ngành Kinh tế Quốc tế tại UEB. Tuy nhiên, trong quá trình học tại đây, Hải Lâm nhận ra ngành học của mình là Kinh tế Quốc tế, mà đã nhắc đến 2 chữ “quốc tế”, ngoài kiến thức chuyên môn thì ngoại ngữ cũng không thể thiếu. 2 ngoại ngữ đang cực phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay phải kể đến tiếng Anh và tiếng Trung. Chính vì vậy, để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, Hải Lâm đã quyết định học thêm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc theo hình thức Vừa học vừa làm tại trường Đại học Hà Nội (HANU) để giúp bản thân xây dựng vốn ngoại ngữ vững chắc.

Khoảng thời gian theo học 2 trường đại học đối với Phạm Hải Lâm là vô cùng vất vả. Ở VNU - UEB, lịch học sẽ luân phiên sáng chiều giữa các kỳ. Nhiều thời điểm nam sinh này phải thường xuyên di chuyển hơn 7km một ngày để kịp lịch học của cả hai bên. Đó vẫn chưa là gì cả bởi đến giai đoạn ôn thi mới thật sự là “ám ảnh kinh khủng” đối với Gen Z bởi học mãi, học hoài vẫn không hết kiến thức.

“Nhiều khi mình bị ‘burn out’, khóc một dòng sông vào lúc 4 giờ sáng luôn. Nhưng đổi lại, nếu cho mình được quay lại chọn có học song song 2 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam hay không thì câu trả lời của mình vẫn là có. Vì giờ đây mình nhận thấy, thành quả sau những nỗ lực đó là cực kỳ xứng đáng”, Hải Lâm chia sẻ.

Nam sinh kể chuyện du học Mông Cổ: Phải sử dụng 4 ngôn ngữ trong 1 tiết học, tìm được "định mệnh" theo cách không ngờ - Ảnh 1.

Hải Lâm từng theo học tại 3 trường đại học.

Sau một thời gian học song song 2 trường, Hải Lâm lại muốn tìm kiếm thêm một môi trường khác để bản thân cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Trung cũng như trau dồi các kiến thức về chuyên ngành kinh tế. Vậy nên, cậu bạn đã quyết định đã tìm hiểu về chương trình trao đổi sinh của trường UEB. Sau khi cân nhắc tất cả yếu tố, Hải Lâm quyết định nộp hồ sơ đi trao đổi tại Đại học Quốc lập Chính trị (Đài Loan, Trung Quốc).

Trải nghiệm lần đầu học tập ở nước ngoài này, Hải Lâm nhận thấy giữa 2 môi trường ở Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) không có quá nhiều khác biệt:

1. Thời gian bắt đầu lớp học: Thời gian gian bắt đầu lớp học ở NCCU sẽ muộn hơn ở UEB. Thường thì 9h sáng mới bắt đầu ca học đầu tiên tại NCCU, còn tại UEB thì 7h sinh viên đã phải có mặt ở trên lớp.

2. Cách tính điểm chuyên cần: Ở UEB, nếu sinh viên đi học đầy đủ hàng ngày, điểm chuyên cần tối đa mà bạn đạt được chỉ có 9/10, còn 1 điểm còn lại là việc bạn có hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài hay không. Nhưng ở NCCU, điểm chuyên cần sẽ được tính theo cách khác. Khi không nghỉ buổi học nào, làm bài kiểm tra bài cũ đầu giờ đạt trên 95% và nộp bài tập về nhà đầy đủ, đúng hạn thì bạn sẽ được 10/10.

3. Ngôn ngữ: Ở UEB, 80% khung chương trình đào tạo của Hải Lâm đều sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, tại NCCU, bạn sẽ sử dụng tiếng Trung để giao tiếp trên lớp và tiếng Anh chỉ được sử dụng cho một số môn chuyên ngành nhất định. Tuy nhiên, kể cả là khi nam sinh học bằng tiếng Anh hay tiếng Trung, thì đều phải sử dụng cả 2 ngôn ngữ cùng một lúc, vì giáo trình đều bằng tiếng Anh còn giáo sư lại giảng bằng tiếng Anh và tiếng Trung song song.

Hành trình sang Mông Cổ du học

Trở về từ chuyến trao đổi ở Đài Loan (Trung Quốc), không lâu sau, Hải Lâm lại lên kế hoạch cho lần “xuất ngoại” thứ 2 và điểm đến nam sinh chọn đó chính là tại Đại học Quốc gia Mông Cổ. Được biết, nam sinh đi học học theo dạng Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Mông Cổ.

Không ít người thắc mắc về điểm đến du học của Hải Lâm, vì suy cho cùng, Mông Cổ chưa phải là đất nước du học quen thuộc trong bản đồ du học thế giới. Tuy nhiên, Lâm nghĩ mọi thứ đều bắt đầu từ “cái duyên”, mà đã là “cái duyên” thì rất khó có thể định nghĩa: “Vì sao?”, “Tại sao?”.

“Mông Cổ là một quốc gia có mối quan hệ ngoại giao cực kỳ mật thiết với Việt Nam, đồng thời, nhân lực trong cơ quan Nhà nước biết tiếng Mông Cổ không nhiều nên mình coi đây là một thứ tiếng hiếm đáng học hỏi để sau này phấn đấu vào phục vụ công tác trong cơ quan Nhà nước”, Lâm chia sẻ.

Để chuẩn bị cho việc du học, Hải Lâm cho biết mình phải chuẩn bị khá nhiều giấy tờ từ giấy khám sức khỏe, xin cấp lý lịch tư pháp, công chứng hồ sơ giấy tờ và theo nam sinh, đây cũng là bước “khó nhằn” nhất đối với đa phần các bạn du học sinh. Đáng nói, mọi quy trình thủ tục đều phải thực hiện thông qua đường bưu điện, email và hệ thống của Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Sau 7749 thử thách, cuối cùng Hải Lâm cũng chạm được đến giấc mơ du học Mông Cổ của mình.

Nam sinh kể chuyện du học Mông Cổ: Phải sử dụng 4 ngôn ngữ trong 1 tiết học, tìm được "định mệnh" theo cách không ngờ - Ảnh 2.

Nam sinh kể chuyện du học Mông Cổ: Phải sử dụng 4 ngôn ngữ trong 1 tiết học, tìm được "định mệnh" theo cách không ngờ - Ảnh 3.

Nam sinh kể chuyện du học Mông Cổ: Phải sử dụng 4 ngôn ngữ trong 1 tiết học, tìm được "định mệnh" theo cách không ngờ - Ảnh 4.

Những khung cảnh nên thơ tại Đại học Quốc gia Mông Cổ - nơi Hải Lâm theo học.

Chuẩn bị 8 chiếc áo khoác, 2 đôi giày tuyết để "đối phó" với cái lạnh ở Mông Cổ

Về cuộc sống khi mới qua Mông Cổ, nam sinh cho biết bản thân nhận thấy có rất nhiều điều thú vị.

Đầu tiên, người dân Mông Cổ cực kỳ thân thiện, văn minh và rất giỏi trong việc cưỡi ngựa và chăn nuôi, thiên nhiên nơi đây cũng vô cùng rộng lớn với nhiều thảo nguyên trải dài, không khác trong phim là mấy. Ngoài ra, điểm đặc biệt nhất của Mông Cổ chính là lạnh khô. Nam sinh từng phải chuẩn bị sẵn 8 chiếc áo khoác, 2 đôi giày đi tuyết, 1 mũ len, 1 khăn quàng cổ len và 1 đôi găng tay len để sẵn sàng thích nghi được với mùa đông bên Mông Cổ.

Còn về môi trường học tập, nam sinh vẫn không thể quên được việc mình phải sử dụng 4 ngôn ngữ cùng lúc: “Trong một tiết học, mình phải sử dụng cả 4 thứ tiếng: Việt - Trung - Anh - Mông Cổ. Tiếng Việt để bàn luận với các bạn sinh viên Việt Nam. Tiếng Trung để giúp cô giải thích cho các bạn Trung Quốc về kiến thức được học vì một số bạn không biết tiếng Anh. Tiếng Anh để trao đổi và học tập, còn tiếng Mông Cổ là để nói chuyện cùng thầy cô, ngoài ra cũng để giao tiếp với các bạn sinh viên Lào. Nhìn chung, mình cực kỳ thích môi trường học tập đa văn hóa bên đây”.

Nam sinh kể chuyện du học Mông Cổ: Phải sử dụng 4 ngôn ngữ trong 1 tiết học, tìm được "định mệnh" theo cách không ngờ - Ảnh 5.

Lâm cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có bạn bè, thầy cô sát cánh trong quá trình du học.

Và một điều đáng flex nhất là trong quá trình du học Mông Cổ, nam sinh đã gặp được “định mệnh” của mình. “Nửa kia” của Hải Lâm là một du học sinh Lào, thật ra họ “nên duyên” theo một cách vô cùng đặc biệt đó chính là được cô xếp ngồi chung trong lớp học. 

Vì bạn ấy thì không biết tiếng Anh nên đã có khoảng thời gian hai người gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Theo đó, Hải Lâm ngày nào cũng phải dùng Google dịch để nói chuyện hoặc nhờ một bạn người Lào khác biết tiếng Anh để phiên dịch lại cho bạn ấy hiểu. Nhận thấy sự bất tiện trong việc giao tiếp nên cậu bạn đã quyết định học tiếng Lào. Và rồi sau một thời gian đồng hành cùng nhau, họ đã dần thấu hiểu nhau hơn.

Chuyện mang Việt Nam ra thế giới

Trên mạng xã hội từng có một chủ đề gây tranh cãi: “Một khi đã đi du học thì nên lựa chọn du học ở các trường top đầu thế giới, nếu không thì ở lại Việt Nam học tập còn tốt hơn nhiều. Đã thế nhiều bạn đi du học về nước còn rất khó trong việc tìm kiếm việc làm, bởi những gì các bạn được đào tạo ở nước ngoài, chưa chắc đã áp dụng được ở Việt Nam”.

Hải Lâm không nghĩ như thế. Nam sinh cho rằng yếu tố phù hợp là vô cùng quan trọng trong quá trình quyết định xem có đi du học hay không. Cái hay của việc đi du học là giúp bạn tiếp xúc với những người, những vùng văn hóa mà trước kia bạn chỉ được nghe nhìn trên tivi hay các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính điều đó giúp các bạn mở rộng tầm nhìn hơn về mọi vấn đề. 

“Miễn là các bạn chọn được cho mình môi trường phù hợp với bản thân và trong môi trường đó, bạn được phát huy tiềm năng của mình một cách tối đa thì đó mới là ngôi trường dành cho các bạn”.

Còn về vế thứ 2 là tìm kiếm làm việc sau khi du học về, nam sinh dành lời khuyên cho các bạn du học sinh: “Hãy chủ động tìm hiểu và trang bị kĩ năng, kiến thức phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đừng để đến lúc gấp gáp chuẩn bị về nước mới cuống cuống tìm kiếm và tự đẩy mình vào vòng xoáy áp lực và lo lắng”.

Đương nhiên, để làm được điều đó thì các bạn du học cần đầu tư rất nhiều thời gian. Để không lãng phí quãng thời gian quý giá trong quá trình đi du học, nam sinh cũng có cho mình những bí quyết:

1. Dành thời gian nhất định cho những người quan trọng, loại bỏ những cuộc chơi vô bổ và không đem lại tác dụng gì cho tương lai của mình.

2. Áp dụng phương pháp Batching & Blocking. Theo đó, “batching” là phương pháp chia các nhiệm vụ có sự tương đồng hoặc có tính lặp lại thành các nhóm chung (batch) và làm lần lượt đầu việc của từng nhóm trong một khoảng thời gian cụ thể. Còn “blocking” là phương pháp quản lý thời gian bằng cách chia quỹ thời gian trong ngày thành các khối (block), mỗi khối sẽ được sử dụng để giải quyết một batch nhiệm vụ tương ứng. “Batching” và “blocking” là hai phương pháp có sự tương đồng, và chúng hoạt động hiệu quả nhất khi được áp dụng cùng nhau.

3. Không cần phải lập kế hoạch, việc nào gấp làm trước, việc nào ít quan trọng làm sau. Bắt tay vào làm luôn thay vì ngồi lập kế hoạch vô ích.

“Mình đã từng băn khoăn và bất lực trước khối lượng deadline chất đống. Nhưng sau khi tham khảo nhiều ý kiến thì đây là 3 yếu tố quan trọng giúp mình giải quyết vấn đề, cân bằng lại cuộc sống và đạt được những mục tiêu như hiện tại”, nam sinh chia sẻ.

Trong quá trình học tập tại Mông Cổ, ngoài việc tích luỹ kiến thức để đạt được mục tiêu, cậu bạn cũng nhận thức được trách nhiệm của du học sinh trong việc lan toả giá trị Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. 

“Tại một đất nước xa lạ, mình cần phải để bạn bè quốc tế thấy hình ảnh đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy cảm tình của bạn bè quốc tế mà còn thúc đẩy nhiều mặt về Ngoại giao. Việc đi du học không chỉ ràng buộc về lợi ích của bản thân mà còn đang đại diện cho hình ảnh của cả một dân tộc. Vì vậy, mình luôn tích cực lan tỏa những giá trị văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tốt đẹp đến với bạn bè trên toàn thế giới”.

Ảnh: NVCC