Bước ra khỏi giảng đường với tấm bằng trên tay, sinh viên mới tốt nghiệp mang theo nhiều hoài bão và kỳ vọng về tương lai. Thế nhưng, thực tế thị trường lao động lại không hề dễ dàng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi “bão sa thải” quay trở lại, hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự với số lượng lớn, khiến cơ hội tìm việc càng trở nên mong manh. Nếu trước đây, kiếm được một công việc phù hợp đã khó, thì giờ đây, tìm được một vị trí để “trú ẩn an toàn” giữa cơn sóng sa thải lại càng là bài toán nan giải.
Mới đây, trên TikTok, series mang tên “thất nghiệp ở tuổi 23” của một tân cử nhân tốt nghiệp loại Giỏi ngành Marketing của một trường ĐH nằm trong nhóm BIG4 kinh tế, đã nhận được sự quan tâm của dân tình.
Sau khi cầm tấm bằng trường “top” trong tay, “background” sang - xịn - mịn cùng 1 năm kinh nghiệm làm việc thực chiến đúng chuyên ngành, nam sinh này ôm nhiều hy vọng về tương lai phía trước. Tuy nhiên, sau khi đi phỏng vấn ở một số công ty, anh chàng này nhận offer lương khoảng 7-8 triệu đồng.

Nam sinh này khó chấp nhận mức lương 7-8 triệu sau khi ra trường. (Ảnh minh họa)
Với mức offer như vậy, anh chàng nhất quyết không đi làm. Bởi theo Gen Z, mức lương này chỉ đủ sống nhưng không phải sống theo kiểu sung sướng mà đúng chất “sinh tồn” ở thủ đô.
Chưa dừng lại có vậy, nỗi lo chưa tìm được công việc ổn định chưa qua, cậu bạn còn phải gánh chịu thêm nhiều áp lực khác nữa. Theo chia sẻ, ở quê nam sinh này, đa phần bạn bè đồng trang lứa không chọn đi học đại học, mà sẽ làm thuê ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3. Nam sinh là trường hợp “hiếm” khi đi học đại học ở quê, đã thế còn học trường top, nên mọi người càng kỳ vọng anh chàng sẽ “trở thành một cái gì đó”:
“Mọi người thường bảo là mình học trường này, sau chả cần lo gì về việc làm mà lương lại cao”, chính sự kỳ vọng của mọi người khiến nam sinh càng thêm áp lực.
Cộng đồng mạng nói gì?
Sau khi nghe câu chuyện này, bên dưới phần bình luận, netizen đã có nhiều luồng quan điểm khác nhau.
Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với nam sinh khi cho rằng mức lương 7-8 triệu đồng ở một thành phố lớn là quá thấp, đặc biệt với một cử nhân tốt nghiệp loại Giỏi từ một trường danh tiếng. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, lạm phát thì leo thang, khiến mức thu nhập này khó đáp ứng nhu cầu tối thiểu.
Và bên dưới phần bình luận, cũng không ít bạn trẻ cũng rơi vào trường hợp tương tự, thậm chí có người còn sở hữu “background” chói lóa.
- Mình mới đi phỏng vấn về vị trí leader Marketing. Offer lương của mình 7 triệu thử việc và 9 triệu nếu ký hợp đồng chính thức. Trước đó đã có kinh nghiệm làm việc ở một công ty, lương đã x2 thế kia rồi. Nghi ngờ nhân sinh thực sự.
- Thật ra mình nghĩ đây là tình trạng chung của sinh viên mới ra trường rồi. Mình cũng sinh viên bằng Giỏi trường top, biết tiếng Anh và tiếng Pháp nhưng HR không quan tâm và khi phỏng vấn đề xuất mức lương 7 triệu.
- Mình là bác sĩ trẻ, học Y đa khoa trường top đầu cả nước. Mình còn không xin được việc ở trung tâm Hà Nội, phải về huyện lương 5,1 triệu (tổng tất cả sau khi trừ bảo hiểm). Không chỉ mình đâu, mà 90% bạn bè của mình đều như vậy.
- Đồng cảm với bạn, sinh viên mới ra trường đối diện với nhiều áp lực. Thật ra không phải sinh viên mới ra trường đâu, người lao động nói chung đều như vậy, nhất là giữa bão sa thải.
- Bằng giỏi, trường top, kinh nghiệm có đủ mà lương 7-8 triệu thì đúng là sốc thật... Thời buổi này chi tiêu kiểu gì cho đủ đây?

Câu chuyện của nam sinh nhanh chóng gây bão cõi mạng. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng có không ít bình luận cho rằng anh chàng đang "ảo tưởng" về mức lương khi mới ra trường. Họ cho rằng việc chấp nhận mức lương khởi điểm thấp để tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới nâng cao thu nhập là điều bình thường. Một số netizen còn chia sẻ câu chuyện của chính họ, khi từng bắt đầu với mức lương thấp nhưng sau vài năm làm việc đã có thu nhập tốt hơn.
Ngoài ra, cũng có những quan điểm bàn về sự kỳ vọng của gia đình và xã hội đè nặng lên vai các bạn trẻ. Nhiều người cho rằng áp lực từ người thân và sự so sánh với bạn bè đồng trang lứa có thể khiến người trẻ cảm thấy bế tắc và mất phương hướng.
- Vấn đề là bằng giỏi và 1 năm kinh nghiệm của bạn đầy nhan nhản, nhất là các bạn làm trong lĩnh vực Marketing, năm 1-2 đã đi làm rồi, ra trường là họ sở hữu 3-4 năm kinh nghiệm.
- 1 năm kinh nghiệm của các bạn sinh viên thì thực ra vẫn non so với 1 năm của người làm full-time, nên rải lương 7-8 triệu là ổn rồi. Vấn đề nữa là bằng giỏi và 1 năm kinh nghiệm không rõ ràng thì công ty cũng không biết bạn có mang lại giá trị thực tế gì.
- Mình học cùng trường với bạn. Mình tốt nghiệp bằng xuất sắc, đủ chứng chỉ IELTS, tin học. Ngoài ra thời đi học, mình còn năng nổ tham gia nghiên cứu khoa học và CLB, đi làm thêm nữa. Ra trường ứng tuyển vào ngân hàng thì họ cũng chỉ quan tâm là năng lực làm việc ra sao, có phù hợp không và có đóng góp được gì không. Mức lương khởi điểm của mình không quá cao nhưng cũng không quá thấp. Nên mình nghĩ, công việc ban đầu của người mới ra trường thì cần đủ sống và đáp ứng điều kiện bản thân là ổn rồi. Còn việc 7 - 8 triệu nhưng công việc đúng đam mê, được trau dồi chuyên môn thì mình thấy giá trị hơn nhiều.
- Các bạn sinh viên mới ra trường còn phải bị đời vùi dập vài lần thì mới hạ cái tôi xuống được. Lương khởi điểm 7-8 triệu với sinh viên mới ra trường không đồng nghĩa vĩnh viễn về sau bạn sẽ như vậy. Cái nhà tuyển dụng quan tâm là bạn làm được gì cho công ty.
- Mình nghĩ 1-2 năm đầu đi làm đừng kỳ vọng quá nhiều về mức lương. Mình hãy tích lũy kinh nghiệm và chứng tỏ bản thân. Nếu bạn tích lũy tốt thì doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao hơn.
- Mới ra trường mà ai cũng kỳ vọng mình phải kiếm được lương cao, công việc ổn định, trong khi thực tế thì khác xa hoàn toàn… Mệt mỏi thật sự!
2 câu hỏi lớn
Cũng trong câu chuyện của nam sinh này, có 2 câu hỏi lớn mà dân tình đang đem ra mổ xẻ là: (1) Học trường top, ngành hot có còn là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng? (2) Sinh viên cần làm gì để tăng cơ hội việc làm trong thời buổi hiện nay?
Về chủ đề này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện ngắn với chị Nguyễn Thị Phương Thảo - Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế, một chuyên gia về tuyển dụng, nhân sự.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo - Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế.
Câu hỏi 1: Học trường top, ngành học có còn là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng hay không?
“Mác” trường có thể ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng trong một số trường hợp, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Dưới góc nhìn của tôi, việc học ở một trường top có thể mở ra nhiều cơ hội vì danh tiếng của trường, mạng lưới cựu sinh viên mạnh và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, "mác" trường chỉ là một phần trong tổng thể của ứng viên.
Điều quan trọng hơn là năng lực và sự phù hợp của ứng viên với công việc. Ngành học "xịn xò" hay trường đại học hàng đầu chỉ cung cấp nền tảng, nhưng việc ứng viên thể hiện khả năng, kỹ năng thực tế, và thái độ làm việc mới quyết định thành công lâu dài. Các kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề hay sáng tạo sẽ có tác động mạnh mẽ hơn trong môi trường làm việc thực tế.
Ngoài ra, trường top không phải lúc nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi người có khả năng và sở thích riêng, và không phải lúc nào việc học ở một trường danh tiếng cũng mang lại sự phát triển tối ưu. Quan trọng là học sinh tìm được trường và ngành học phù hợp với năng lực và đam mê của mình, chứ không chỉ chạy theo danh tiếng của trường.
Vậy nên, có thể nói, trường top có thể giúp mở cửa, nhưng năng lực và sự phát triển cá nhân mới là chìa khóa mở rộng cánh cửa sự nghiệp.
Câu hỏi 2: Sinh viên cần làm gì để tăng cơ hội việc làm trong thời buổi hiện nay?
Gen Z đang bước vào một thế giới công việc đầy biến động và cơ hội. Để thành công, ngoài kiến thức chuyên môn, những kỹ năng mềm và năng lực phù hợp với xu hướng hiện tại sẽ là yếu tố quyết định. Do vậy Gen Z không chỉ cần kiến thức chuyên môn, mà còn cần trang bị cho mình các kỹ năng mềm thiết yếu như kỹ năng số, kỹ năng giao tiếp và sử dụng các công cụ, nền tảng giao tiếp trực tuyến thành thạo (Zoom, Teams…), kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo và quản lý cảm xúc, kỹ năng tự nghiên cứu, tự học đáp ứng sự thay đổi của công nghệ mới (AI…), yêu cầu và tiêu chí đánh giá của các nhà tuyển dụng, thị trường đang không ngừng thay đổi….
Tôi nhận thấy, các bạn trẻ khi mới ra trường thời gặp các vấn đề như áp lực đồng trang lứa “peer pressure”, lo lắng và tự tạo áp lực khi so sánh bản thân mình với những thành công của các bạn đồng trang lứa. Từ đó cảm thấy thiếu tự tin, mất định hướng trong công việc và cuộc sống.

Các bạn trẻ cần có chiến lược phát triển bản thân.
Bên cạnh đó có một số thì theo đuổi chủ nghĩa “hoàn hảo” khi cố gắng đi tìm một công việc mơ ước với những tiêu chuẩn kép: Công việc đúng sở thích, thu nhập cao, không áp lực, môi trường thân thiện, sáng tạo, sếp tuyệt vời, đồng nghiệp quý mến, cơ sở vật chất đầy đủ…
Và với vai trò là Chuyên gia khai vấn, khi các bạn tìm đến tôi. Thường thôi sẽ để chính các bạn học cách “nhìn và ghi nhận được giá trị của bản thân” nhằm nâng cao sự tự tin về bản thân hơn. Đồng thời cho các bạn làm 1 số bài tập, công cụ khám phá về sở thích, giá trị, tính cách để định vị bản thân rõ nét hơn. Đó là cách giúp các bạn trẻ xây dựng nền tảng vững chắc, từ nền móng vững chắc đến lộ trình phát triển kiến thức, kỹ năng mềm, giúp họ tự tin vượt qua những thử thách đầu đời và tiến bước vững vàng trong sự nghiệp.