Chồng Cúc là con trai một, bố anh đã mất chỉ còn mình mẹ, vì thế chuyện ra riêng gần như là không thể đối với vợ chồng cô. Trước khi lấy chồng Cúc cũng biết chuyện mẹ chồng - nàng dâu chẳng bao giờ đơn giản nhưng cô đâu ngờ được nó phức tạp và mệt mỏi thế này.

Ngay sau đám cưới, cô bàn với Học - chồng mình về chuyện đưa tiền chợ hàng tháng cho mẹ chồng. Học cộng trừ một hồi, bảo 2 người đóng cho bà 10 triệu/tháng. Bao gồm tiền điện, nước, ăn uống, gas, mạng... Và vì mẹ chồng không có thu nhập, lại ở nhà cơm nước, dọn dẹp cho vợ chồng cô nên còn dư lại coi như biếu bà tiêu vặt.

Nhẩm tính thấy khá hợp lý, Cúc nhanh chóng đồng ý. Nhưng bữa cơm đầu tiên mẹ chồng nấu khiến cô suýt nữa thì đập bàn bỏ đi không ăn. Vợ chồng Cúc đi làm cả ngày, chỉ ăn bữa tối ở nhà. Với mức đóng góp ấy thừa sức để cả nhà ăn một bữa tối tươm tất. Nhưng mẹ chồng chỉ chuẩn bị rau mồng tơi nấu suông, thêm ít lạc rang và tí cá khô. Đi làm về mệt, nhìn mâm cơm đã chán, Cúc và vội lưng bát rồi đứng dậy.

Những ngày sau đó tình trạng chẳng hề thay đổi chút nào, bữa nào có thịt thì bà kho mặn chát khiến Cúc sợ chết khiếp. Cô có khổ nhưng chẳng biết phải nói cùng ai. Bởi Cúc từng bóng gió hỏi chồng: "Cơm hôm nay ngon không anh?" và Học hớn hở: "Ngon mà, anh đả hết 3 bát thì biết rồi đấy".

Đóng 10 triệu/tháng nhưng mẹ chồng vẫn cho ăn cơm đạm bạc, đến khi vợ chồng muốn sửa nhà bà chợt gọi con dâu vào thủ thỉ vài câu khiến cô thẫn thờ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cúc đành nín lặng, nuốt hết nỗi bức xúc của mình vào bụng. Cô không muốn vợ chồng xích mích chỉ vì miếng ăn, đành chấp nhận thực tế rằng mình "vớ" được người mẹ chồng vừa keo kiệt lại tham lam.

Loáng cái mà Cúc đã về làm dâu nhà Học được 2 năm. Hôm vừa rồi Học bỗng bàn với vợ sửa lại căn nhà, cơi nới thêm để sang năm sinh con. Mẹ chồng mong có cháu bế lắm rồi, nhân lúc này bà vẫn khỏe còn trông cháu hộ 2 người.

Song vợ chồng cô chẳng có mấy tiền. Lương 2 người gộp lại được hơn 20 triệu, hàng tháng đóng 10 triệu cho mẹ chồng, còn lại mỗi người chi tiêu xong thì dư ra chẳng đáng bao nhiêu. Học bảo sẽ đi vay thêm. Nghĩ cho em bé tương lai, Cúc cắn răng đồng ý.

Hôm sau là cuối tuần, Học ra ngoài có việc, chỉ còn Cúc và mẹ chồng ở nhà. Cô vừa đi chợ mua thức ăn về, định bụng làm một bữa ra trò cho bõ cả tuần phải ăn cơm canh đạm bạc. Cô đang trong bếp thì mẹ chồng bỗng gọi cô vào phòng. Để rồi trong ánh mắt ngỡ ngàng của Cúc, bà dúi vào tay con dâu một gói giấy khá to.

"Các con cầm lấy mà sửa nhà này. Rồi nhanh sinh cháu mẹ trông cho, hai đứa thích phấn đấu thế nào cứ việc phấn đấu không cần lo!", bà ghé sát vào Cúc thủ thỉ. Biết trong gói giấy ấy đều là tiền, Cúc không khỏi thẫn thờ.

Hóa ra 2 năm qua, con cái đưa tiền chi tiêu còn thừa, mẹ chồng đều tích góp cả lại. Chẳng những thế bà còn cho thêm vợ chồng cô hơn 100 triệu do bà tiết kiệm được từ hồi còn đi làm.

Tới giờ thì Cúc đã hiểu, mẹ chồng cô vốn nghèo khó, vất vả từ xưa nên tính bà luôn tiết kiệm như thế. Chồng cô lớn lên trong hoàn cảnh ấy, đối với sự đạm bạc trong các bữa cơm ở nhà, anh hoàn toàn quen thuộc và thấy thoải mái. Vợ chồng cô đưa bao nhiêu bà cũng cầm hết vì bà cho rằng người một nhà chẳng đi đâu mà thiệt, bà giữ hộ các con cũng tốt. Thừa đồng nào bà đều để gọn vào, chưa tiêu đồng nào cho riêng bản thân.

Đóng 10 triệu/tháng nhưng mẹ chồng vẫn cho ăn cơm đạm bạc, đến khi vợ chồng muốn sửa nhà bà chợt gọi con dâu vào thủ thỉ vài câu khiến cô thẫn thờ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Vâng ạ", Cúc mỉm cười đồng ý với mẹ chồng mà mắt đã cay xè chực khóc. Mẹ chồng luôn yêu thương và nghĩ cho các con mà cô nhẫn tâm trách lầm bà tham lam, ích kỷ bao lâu nay. Nếu bà thật sự xấu xa thì sao 2 năm qua cô chưa từng phải bận tâm chuyện cơm nước, nhà cửa chứ? Lúc nào cô sinh con, mẹ chồng càng sẵn lòng trông bé để Cúc và chồng yên tâm làm việc. Có người mẹ chồng như thế, cô còn ước ao gì hơn nữa đây!

Qua chuyện này Cúc nhận ra, bất kỳ một mối quan hệ nào muốn tốt đẹp cũng cần sự thẳng thắn và chân thành. Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không hề là ngoại lệ. Nếu ngay từ ban đầu cô tâm sự thật lòng về chuyện bữa ăn với mẹ chồng, chắc chắn bà sẽ thay đổi chiều theo ý Cúc. Vì bà thương con, chẳng bao giờ muốn con phải đói hay ăn không ngon cả.

Nhưng khổ nỗi Cúc lại chọn cách im lặng và nghĩ xấu cho mẹ chồng trong khi chưa hiểu hết về bà. Sự hiểu lầm ngày càng lớn khiến tình cảm mẹ chồng - nàng dâu trở nên nhạt nhẽo, thậm chí là "bằng mặt không bằng lòng". Không có chuyện ngày hôm nay thì có lẽ còn phải rất lâu nữa Cúc mới hiểu rõ tấm lòng của bà.

Mẹ chồng và nàng dâu từ những người xa lạ về chung sống dưới một mái nhà rồi trở thành người thân, quá trình để hòa hợp chắc chắn không hề đơn giản. Nhưng chỉ cần người trong cuộc thật lòng nghĩ tốt về nhau, chân thành vun đắp và thẳng thắn giãi bày tâm tư, tình cảm của mình cho đối phương hiểu thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.