Nàng dâu Linh Rin làm điều này 3 lần/tuần để chống lão hóa
Linh Rin là một hotgirl và người mẫu ảnh được khá nhiều bạn trẻ yêu mến, đồng thời cô cũng được biết đến là bạn thân của Chi Pu... Thời gian gần đây, thông tin Linh Rin xác nhận sẽ kết hôn cùng thiếu gia tập đoàn nghìn tỷ Phillip Nguyễn - em chồng của "ngọc nữ" Hà Tăng, thì các thông tin về cô lại càng nóng hơn bao giờ hết.
Suốt 3 năm hẹn hò với thiếu gia nhà hào môn, Linh Rin khá kín tiếng tuy nhiên gu thời trang thanh lịch, kín đáo cũng như ngoại hình trẻ trung, rạng rỡ của cô đã ghi điểm lớn trong mắt công chúng.
Trong những lần hiếm hoi chia sẻ về bí quyết chăm sóc làn da để chống lão hóa của mình, Linh Rin chia sẻ bản thân tẩy da chết cho cơ thể từ 1 đến 3 lần mỗi tuần. Đồng thời cô cũng chuẩn bị đến 3 loại sản phẩm khác nhau cho từng vùng riêng biệt trên cơ thể như nách, cổ, lưng, gót chân...
Tẩy da chết không còn là khái niệm quá mới mẻ, thậm chí đây còn được đánh giá là một phương pháp chăm sóc da khá đơn giản, phổ biến. Tẩy da chết là quá trình loại bỏ tế bào da chết trên bề mặt da để giúp cải thiện tình trạng da khô, tối màu, mờ nhạt, tắc nghẽn lỗ chân lông, mụn trứng cá, và giảm thiểu sự xuất hiện của nếp nhăn và vết thâm.
Quá trình tẩy da chết có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm sử dụng các sản phẩm chứa hạt tẩy da, enzyme, axit hoặc thiết bị tẩy da chết như máy quét da. Quá trình này giúp loại bỏ các tế bào da chết và tăng cường lưu thông máu, giúp da trông tươi sáng hơn và dễ dàng hấp thụ các sản phẩm dưỡng da. Tuy nhiên, quá trình tẩy da chết nên được thực hiện đúng cách và không quá thường xuyên để tránh gây tổn thương cho da.
Hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định tẩy da chết!
Bàn về tẩy da chết, BSCKII Nguyễn Phương Thảo (Phòng khám Da liễu – Thẩm mỹ Pensilia) phân tích: "Cũng theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử như mọi quy luật của sự sống, tế bào da cũng có quy luật y như vậy. Gồm một quy trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lão hóa và chết đi.
Các tế bào trong cơ thể đều có quy luật chết tế bào, nghĩa là từ khi sinh ra nó đã hoạch định thời gian sẽ chết đi và được thay thế. Ví dụ như tế bào máu là 120 ngày, tế bào gan là 300 - 500 ngày, tế bào da 20 - 40 ngày... Và khi đến giai đoạn tế bào chuẩn bị chết thì có muốn kéo nó sống lâu thêm một chút cũng không được. Vậy nên việc tẩy da chết cũng nên cân nhắc thật kỹ".
Bác sĩ cho biết, tế bào da khi chết đi sẽ tự bong ra và không cần sự tác động của tẩy tế bào chết từ con người. Vì vậy việc tẩy tế bào chết là một hành động can thiệp đến quá trình sinh trưởng tự nhiên của làn da, nếu việc này không cần thiết thì sẽ tạo nên nhiều hệ lụy.
Lớp sừng tuy là lớp tế bào chết nhưng cũng có giá trị của nó trong việc bảo vệ cơ thể, hạn chế sự mất nước, mất nhiệt, giúp duy trì độ ẩm cho làn da và cân bằng nhiệt độ cơ thể, ngăn cản các yếu tố bất lợi từ môi trường bên ngoài... nên việc can thiệp thô bạo và quá tích cực đến lớp sừng này thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da và cơ thể. Tế bào non bên dưới da không đủ sức chống chọi với môi trường bên ngoài thì dễ dẫn đến sạm, nám, nứt nẻ, kích ứng...
"Khi rửa mặt xong, động tác lau mặt bằng bông hoặc bằng khăn đã đủ sức lấy đi những tế bào chết đúng tuổi cần ra đi, nên chúng ta không nên bắt nó chết sớm hơn", bác sĩ Thảo nói.
Bác sĩ Thảo nhấn mạnh chỉ những làn da bị dày sừng, da nhờn mụn ẩn nhiều, lỗ chân lông thô kèm theo da nhờn thì mới cần tìm đến hình thức tẩy tế bào chết. Ngược lại, những làn da sáng khỏe thì không nên tẩy, nhất là các làn da xạm nám càng không nên tẩy vì sẽ làm cho tình trạng nám thêm trầm trọng.
Với những bạn có nhu cầu tẩy tế bào chết, rất cần có sự hướng dẫn của chuyên gia da liễu về phương pháp, tần suất thực hiện cũng như cách chăm sóc da sau khi tẩy tế bào chết. Không nên tự thực hiện ở nhà tránh tình trạng da yếu đi, tăng sắc tố sau viêm, kích ứng...