Theo Liên Hợp Quốc, khi nhiệt độ tăng cao, bóng râm cũng trở nên vô dụng, còn những vùng nước nông thì có nhiệt độ cao hơn cả thân nhiệt con người. Viễn cảnh vốn chỉ có trong phim này sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần, nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát.
Theo đó, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tức là cao hơn 0,4 độ so với hiện nay thì khoảng 14% dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng. Các sóng nhiệt sẽ càng nguy hiểm khi kết hợp với độ ẩm cao, gọi là nhiệt độ cầu ướt. Giới chuyên gia cho rằng người trưởng thành khỏe mạnh không thể sinh tồn nếu nhiệt độ cầu ướt vượt mức 35 độ C.
Sự sống trong lòng đại dương nở rộ trong 'thế giới nhà kính', khi toàn cầu nóng lên khiến băng tan chảy, nhiệt độ nước biển tăng lên khoảng 25 độ C - Ảnh: Getty Images
Sự sống trong lòng đại dương nở rộ trong 'thế giới nhà kính', khi toàn cầu nóng lên khiến băng tan chảy, nhiệt độ nước biển tăng lên khoảng 25 độ C - Ảnh: Getty Images
Báo cáo của Liên Hợp Quốc viết: "Khoảng 200 triệu người ở châu Âu sẽ gặp nguy cơ cao vào giữa thế kỷ 21 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C trước năm 2100".
Thực tế, một đợt nóng ở Tây Âu hồi năm 2003 đã khiến hơn 50.000 người chết dù mức nhiệt độ cầu ướt chưa chạm đến 30 độ C. Hai đợt sóng nhiệt ở Ấn Độ và Pakistan hồi năm 2015 đạt mức nhiệt độ cầu ướt 30 độ C đã khiến hơn 4.000 người chết. Còn trong năm 2019, các đợt nóng kỷ lục đã xảy ra ở bắc bán cầu, khiến 2019 trở thành năm nóng thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới. Nghiên cứu của Viện Đánh giá và Chỉ số Sức khỏe tại Mỹ cho thấy hơn 300.000 người đã chết vì những lý do liên quan đến nắng nóng trên toàn thế giới trong năm 2019.
Như vậy, sóng nhiệt có thể sẽ là kẻ sát nhân hàng loạt, không kém gì COVID-19, nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được cải thiện. Thế giới cần hành động khẩn cấp, chống biến đổi khí hậu như chống dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!