Con số đó dự báo sẽ tương đương với 1/5 dân số toàn cầu. Ấn Độ, Nigeria và Indonesia là những quốc gia được dự báo sẽ gần như không thể ở được vì nhiệt độ cực cao vào cuối thế kỷ này. Cục Khí tượng Ấn Độ đã ban hành cảnh báo sóng nhiệt cho 7 bang miền Nam và miền Trung vào tuần trước, nhưng hiện đã mở rộng cảnh báo này đến thủ đô và một số bang miền bắc khi nắng nóng gay gắt được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới.

Theo AP, sức khỏe con người suy giảm vì nhiều lý do bao gồm chất lượng nông nghiệp suy giảm tại một số khu vực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến một số cây lương thực giảm chất lượng. Ngoài ra, nhiệt độ cực cao cũng dẫn đến mất việc làm trong một số ngành nghề. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của một phần dân số và làm họ không đủ điều kiện tiếp cận chăm sóc y tế cũng như ăn uống đủ dinh dưỡng.

Nắng nóng đe dọa sinh mạng 1/5 dân số thế giới - Ảnh 1.

Malaysia yêu cầu trường học dừng toàn bộ hoạt động ngoài trời do nắng nóng. (Ảnh: Malay Mail)

Giáo sư Tim Lenton - Nhà sáng lập Viện Hệ thống Toàn cầu, Đại học Exeter, Anh nhận định: "Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu lên tới 35 độ C, chúng ta sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tử vong vì cơ thể chúng ta không còn cách nào để tự làm mát. Khi đó, những tác động về sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn đối với người già, trẻ nhỏ hoặc những người có bệnh nền".

Hiện nay, chưa đến 1% nhân loại đang sống ở những nơi tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm, nhưng nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu đã đưa 9% dân số, tương đương hơn 600 triệu người vào diện khu vực không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 2,7 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100, khi đó, hơn 2 tỷ người, tương đương 1/5 dân số thế giới sẽ bị đe dọa tính mạng. Sóng nhiệt được các nhà khoa học liệt vào danh sách kẻ giết người thầm lặng. Họ cũng đưa ra cảnh báo rằng những ca tử vong vì nhiệt tăng sẽ không dễ được phát hiện và những nơi kinh tế kém phát triển nhất sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất.