Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày này, nhiệt độ Hà Nội có thể lên đến 43-45 độ C (nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời), các tỉnh thành lân cận cũng tương tự hoặc chênh lệch ít, trời rất nóng và oi bức. 

Trong đó, dự báo ngày nắng nóng nhất của đợt nắng nóng này tại miền Bắc sẽ là ngày thứ 6 - 21/6. Nhiệt độ buổi trưa và chiều ở Hà Nội sẽ vượt qua 45 độ C, ở một số địa điểm có mặt đường rộng, nhiều nhà cao tầng, nhiệt độ có thể lên đến 47- 48 độ C. 

Cùng ngày, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh thành gần Hà Nội như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương… có thể lên tới 45-46 độ C. Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ thường đỡ nóng so với đồng bằng Bắc Bộ cũng sẽ có nhiệt độ lên tới 40 độ C.

Vào đợt nắng nóng kéo dài như vậy, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng không ít.

Bệnh nhân và người nhà đi chăm chật vật vì nắng nóng gay gắt

Ngay từ 6 giờ sáng, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) đã rất đông đúc bệnh nhân đến khám. Rất nhiều người dân từ các tỉnh thành khác đến lịch khám chữa bệnh, không thể trì hoãn, đành phải lặn lội lên viện tuân thủ điều trị.

Ngay từ 6 giờ sáng, ánh nắng đã chiếu chói chang, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) đã rất đông đúc bệnh nhân đến khám. (Ảnh: TM)

Bệnh viện dù thoáng đãng, rộng rãi nhưng dường như chưa bao giờ là đủ với lượng người đến khám chữa ung thư từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Những chiếc quạt to, điều hòa được bật hết công suất nhưng cũng khó đáp ứng với lượng người chật kín, không còn mấy ghế trống để ngồi. 

Khu vực có quạt điện luôn thu hút nhiều người qua lại để mát mẻ hơn. (Ảnh: TM)

Một số người thì không chịu được không gian đông đúc, dù có quạt với điều hòa nhưng vì bí bách nên đành chọn hành lang hay bất cứ chỗ nào thoáng khí để có thể nằm, ngồi.

Bệnh viện K Tân Triều hiện rất thoáng rộng nhưng không đủ để giảm sự mệt mỏi của bệnh nhân trong những ngày nắng nóng. (Ảnh: TM)

Ngồi cạnh một góc tường ít người đi lại, cô Hạnh (đến từ Hải Dương) vừa đưa miếng bánh quy vào miệng vừa thều thào kể, cô vừa dưới quê lên kịp lấy máu xét nghiệm, bị tụt huyết áp, không ngồi bên trong vì quá bí. Sau khi lấy máu đem đi xét nghiệm, cô nhanh chóng ra ngoài, ngồi ăn bánh để "tỉnh táo lại rồi còn làm nốt các thủ tục".

Ở phía hành lang có ghế ngồi, một cặp vợ chồng vội chỉ nhau ngồi xuống nhanh không hết chỗ mát. Đó là vợ chồng chú Cung (đến từ Hưng Yên). Chú bị ung thư trực tràng. "Bệnh viện đông nên tôi cũng không muốn ở lại. Chu kỳ cứ 21 ngày là tôi lên khám chữa bệnh 1 lần, truyền hóa chất xong qua 1 đêm là hôm sau phải về luôn, có những đợt phải ở đây 2 ngày thì bắt buộc phải thuê trọ gần viện", chú Cung chia sẻ.

Đi khám chữa bệnh trong những ngày nắng nóng như này cũng khiến chú Bình (quê Ninh Bình) thấy uể oải. Chú cứ đi vào hứng chút gió mát, điều hòa rồi lại đi ra vì "đông quá, bí quá". "Tôi có khối u ở đầu, mổ xong rồi nhưng mấy đứa con cứ muốn đi chụp khám lại. Lần nào lên đây cũng đông, mà đợt này lại nóng quá"

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhân, người nhà cũng rất đông. Ngay từ cổng vào, những chỗ có điều hòa, máy lạnh, quạt mát là đông đúc hơn cả. Mặc dù vậy cũng có nhiều trẻ nhỏ liên tục khóc quấy, cha mẹ phải ra ngoài bế dỗ, dùng quạt tay, cho con vào khu vui chơi ngoài trời, để trẻ có thể quên đi nắng nóng khó chịu, chờ đến lượt khám.

Nắng nóng làm trẻ dễ ốm, việc đi khám chữa bệnh cũng đông hơn bình thường. (Ảnh: TM)

Không chỉ khu khám bệnh, khu cấp cứu mà khu đợi siêu âm... của bệnh viện cũng tập trung rất đông người. Chị Trang (quê Hà Nam) bế con nhỏ 11 tháng tuổi trên tay kể, bé nhà chị bị viêm phế quản tái đi tái lại. Bác sĩ ở dưới quê nói do bật quạt, điều hòa lạnh quá nên con bị ốm. Cứ uống kháng sinh vào thì con đỡ được vài hôm rồi thì bị lại. 

"Trời nóng, con quấy khóc không thể không dùng điều hòa. Hôm rồi đi khám, bác sĩ nói con bị vào phổi rồi, chị lo quá phải lên viện Nhi khám chữa cho yên tâm. Ai ngờ đông quá, con đang ốm lại đi khám trong thời tiết này nên rất quấy", chị Trang rầu rĩ nói.

Vào những đợt nắng nóng cao điểm như này, người già và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất vì sức đề kháng yếu. Nhiều hàng ghế dài trước những phòng siêu âm của bệnh viện chật kín người nhà và bệnh nhi. Bệnh viện bật rất nhiều điều hòa, máy lạnh, quạt trần, máy phun sương... Tất cả đều hoạt động hết công suất nhưng vì bệnh nhân đông nên phải chờ đợi mệt mỏi là điều khó tránh khỏi. 

Bệnh viện đông nên bệnh nhi thiếu chỗ, gia đình ngồi bất cứ chỗ nào thấy thoải mái. (Ảnh: TM)

Đứng ngay dưới quạt trần, bà Lam (Hoài Đức, Hà Nội) liên tục bế đung đưa một em bé nhỏ xíu. Hỏi ra thì bà kể, cháu ngoại bà bị suy dinh dưỡng, mới điều trị xong về nhà được 10 ngày thì lại có dấu hiệu bất thường. Lo lắng, gia đình lại phải đưa đi khám từ sáng sớm nay. 

"Đợi từ 8 giờ, giờ đã hơn 10 giờ mà vẫn chưa được khám, tôi sốt ruột quá vì cháu quấy. Nhưng đúng là không tránh được, bệnh viện đông bệnh nhân quá", vừa nói bà Lam vừa lắc đầu, nhăn mặt, tiếp tục đung đưa đứa cháu nhỏ dưới quạt trần.

Không chỉ những bệnh nhi đến khám chữa bệnh trong ngày, có rất nhiều trẻ phải ở lại nhưng bệnh viện không có chỗ vì quá đông. Bà Lương (đến từ Nghệ An), bế cháu nội 1 tuổi trên tay kể, cháu bà bị viêm xơ đường mật từ khi mới 4 tháng tuổi, bác sĩ chẩn đoán sau này phải ghép gan. 

Nhiều người phải cho con ra khu vui chơi bất chấp nắng nóng để trẻ quên đi sự khó chịu trong những ngày này. (Ảnh: TM)

"Mỗi lần ra điều trị cho cháu là chúng tôi phải đi thuê trọ vì bệnh viện đông quá. Cứ 1 tháng cháu tôi phải ra đây chữa 1 lần, mỗi lần điều trị 10 ngày. Có ai muốn từ tận Nghệ An ra đây làm gì đâu nhưng cháu mình bệnh nặng như thế, nắng nóng cỡ nào, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn ra sao cũng phải ráng chịu"

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tình trạng sản phụ đến thăm khám lại có xu hướng giảm bớt so với nhiều ngày trước. 

"Hôm nay, tôi thấy trong người có cơn gò bất thường nên mới đi khám chứ nắng nóng như này, đi lại mệt thêm, có ai muốn đâu?", chị Hồng (Hà Đông, Hà Nội) kể. Có lẽ đây cũng là tình trạng chung của sản phụ trong thời tiết nắng nóng cao điểm hiện nay. Ai cũng muốn đợi qua thời tiết khó chịu mới đến khám theo lịch hẹn, nhất là khi bản thân chưa có gì bất thường.

Nắng nóng nên nhiều sản phụ có thể trì hoãn lịch khám tại bệnh viện, trong trường hợp không có gì quá cấp bách. (Ảnh: TM)

"Hôm nay, lượng khách đến bệnh viện giảm hẳn luôn chứ mấy hôm trước thì vẫn đông lắm. Có hôm nóng bức, nhiều bà bầu đến thấy đông quá, ngại chờ lâu nên lại ra về", một nhân viên trông giữ xe ca sáng ở đây cho hay.

Khuyến cáo người dân nên chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh, giảm tối đa nguy cơ phải đi bệnh viện

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.