Số ca nhập viên tăng lên khi thời tiết nắng nóng gay gắt
Trong đó, riêng tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca nhập viện cấp cứu tăng khoảng 150%, chủ yếu bị tai biến mạch máu não, viêm phổi.
TS.TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số bệnh nhân được cấp cứu tại khoa tăng khoảng 150% so với ngày thường. Ngày khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhất là 30 ca. Các ca chủ yếu bị tai biến mạch máu não (đột quỵ não), viêm phổi.
Tiết trời tại Hà Nội nắng nóng gay gắt khiến nhiều bệnh viện quá tải bởi bệnh nhân nhập viện gia tăng.
TS.BS Trần Quang Thắng lưu ý vào mùa hè, mọi người nghĩ ít khi bị viêm phổi nhưng trên thực tế những ngày qua bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca bệnh này, thường rơi vào những người cao tuổi bị tàn phế phải nằm một chỗ, gia đình dùng điều hòa, không để ý kiểm tra nhiệt độ khiến bệnh nhân bị nhiễm lạnh. Vì vậy, khi người nhà có dấu hiệu tai biến như: Miệng lệch, mắt lệch; tay yếu (đang cầm bát, đũa bị rơi); nói khó, nói lắp bắp, cần đưa đến bệnh viện càng sớm thì cơ hội cứu bệnh nhân sẽ càng cao
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn nắng nóng những ngày gần đây cũng khiến bệnh nhân vào viện tăng cao. Các bác sĩ cho biết gần đây, chỉ riêng khoa Cấp cứu Nội - Nhi, mỗi ngày, tiếp nhận hơn 20 ca đột quỵ, gia tăng so với những ngày thường.
Còn tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang trong tuần qua trung bình mỗi ngày đón tiếp 1.700 lượt khám, 140 bệnh nhân nhập viện, số khám tăng khoảng 200 lượt mỗi ngày, bệnh nhân nhi nhập viện tăng khoảng 10%.
Cần bổ sung nhiều nước thời tiết nắng nóng
Để phòng bệnh cho người cao tuổi trong những ngày nắng nóng, theo bác sĩ TS.BS Trần Quang Thắng, người cao tuổi nên tránh thay đổi môi trường một cách đột ngột. Nếu phải ra ngoài trời, cần mặc kín để tránh sốc nhiệt, bởi sốc nhiệt dễ làm tăng huyết áp khiến nguy cơ xảy ra tai biến; mặc áo sáng màu; uống đủ nước; ăn uống đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, với những người bị bệnh về huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, cần theo dõi và kiểm soát bệnh tốt.
Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Nhiệt độ cao còn làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp làm tăng nguy cơ nhiễm lạnh, viêm phổi…
Với những người phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài khi trời nắng nóng thì cố gắng tránh thời điểm từ 12h-16h. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.