Đại diện y tế quận Multnomah thuộc Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon của Mỹ, cho biết 45 ca tử vong kể từ hôm 25-6 vì nắng nóng gây tăng thân nhiệt. Cũng theo người này, bang Oregon chỉ có 12 trường hợp tử vong do tăng thân nhiệt từ năm 2017 đến năm 2019.
Nhiệt độ ở bang Washington và Oregon tăng cao trên 40 độ C vào cuối tuần trước. Ảnh: Reuters
Ở Tây Bắc Mỹ, nhiệt độ ở bang Washington và Oregon đã tăng cao trên 40 độ C vào cuối tuần trước. TP Portland của bang Oregon đạt kỷ lục mọi thời đại là 47 độ C vào ngày 27-6.
Thống đốc bang Oregon Kate Brown tuyên bố kích hoạt tình trạng khẩn cấp do lo sợ cháy rừng trên toàn bang trong khi Cơ quan Thời tiết Quốc gia ở Portland đã ban hành cảnh báo đỏ, nói rằng gió có thể làm hỏa hoạn lan nhanh chóng một khi có cháy.
Người dân Portland dùng đá khô làm mát nước. Ảnh: Reuters
Người dân tránh nóng tại một địa điểm làm mát được dựng lên trong đợt nắng nóng chưa từng có ở Portland. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 30-6 cho biết: "Nhiệt độ ghi nhận được trong tuần này là chưa từng có, nhiều người đã thiệt mạng, nguy cơ cháy rừng đã ở mức cao nguy hiểm".
Có 486 trường hợp tử vong bất thường và đột ngột tại tỉnh British Columbia từ ngày 25-6 tới 29-6, gần gấp ba lần so với mức trung bình 165 người. Nắng nóng buộc trường học, các trung tâm tiêm chủng ở Vancouver phải đóng cửa, chính quyền phải đặt vòi phun nước và trạm phun sương.
Bình luận trước thông tin hơn 98 ca đột tử tại TP Vancouver kể từ 25-6, Sở cảnh sát Vancouver hôm 30-6 cho biết phần lớn liên quan tới nắng nóng. Một người dân địa phương xác nhận: "Chưa bao giờ tôi trải qua thời tiết tồi tệ như thế này. Tôi hy vọng thời tiết sẽ không bao giờ như thế này nữa, thật quá sức chịu đựng".
Các thành phố khắp miền Tây nước Mỹ và Canada thiết lập các trung tâm làm mát và bố trí nhân viên phát nước, mũ cho người dân. Ảnh: Reuters
Riêng làng Lytton ở tỉnh British Columbia hôm 29-6 ghi nhận nhiệt độ 49,5 độ C, mức nhiệt cao nhất mọi thời đại tại Canada. Lytton cách Vancouver khoảng 250 km về phía Đông.
Trước đợt nắng nóng này, mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận ở Lytton là 44,4 độ C năm 1941. Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Canada là 45 độ C tại thị trấn Yellow Grass và thành phố Midale, thuộc tỉnh bang Saskatchewan ngày 5-7-1937.
Bộ Môi trường Canada cho biết đợt nắng nóng gay gắt ở TP Vancouver sẽ dịu đi từ ngày 30-6 nhưng nhiệt độ nóng bất thường sẽ kéo dài tới hết tuần. Biến đổi khí hậu đang khiến việc các địa phương ghi nhận nhiệt độ kỷ lục thường xuyên hơn.
Biến đổi khí hậu đang khiến những kỷ lục về nhiệt độ trở nên thường xuyên hơn. Ảnh: AP
Đợt nóng kinh hoàng kéo dài tới vùng lãnh thổ Bắc Cực của Canada được cho là do một "vòm nhiệt" áp suất cao giữ lại không khí nóng trong vùng. Ông David Phillips thuộc Cơ quan Môi trường Canada cho rằng biến đổi khí hậu có vẻ là nguyên nhân của đợt nắng nóng khắc nghiệt hiện tại. Ông này lưu ý đợt nắng nóng đến sớm hơn một tháng so với thời điểm nóng nhất thông thường trong năm.
Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm qua. Vì vậy, chúng ta thừa hiểu đợt nắng nóng lần này sẽ không phải lần cuối cùng".