Nắng nóng kỷ lục đe dọa nền kinh tế tỷ dân

Như Anh,
Chia sẻ

"Nước như ai nấu chết cả cá cờ". Nắng nóng cực độ tưởng như chỉ hiện hữu trong bài thơ quen thuộc nhưng lại đang đe dọa tới sự tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Đợt nắng nóng "thiêu đốt" mọi ngành nghề

Mùa hè thì năm nào cũng có nhưng nóng như mùa hè năm nay tại Trung Quốc thì 60 năm rồi mới có một lần. Nắng nóng đi kèm với hạn hán nghiêm trọng, thu hẹp các con sông, làm gián đoạn nguồn cung cấp nước và thủy điện của khu vực phía Tây Nam nước này.

Sông Dương Tử, con sông dài thứ 3 thế giới nằm tại Trung Quốc, cũng ghi nhận mực nước xuống mức thấp kỷ lục. "Tình hình của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Dương Tử thật tồi tệ"- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Liu Weiping cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần trước. Ông này nói thêm rằng tình hình lượng mưa và lượng nước ít ỏi vào từ các nguồn sông khác nhau dự kiến sẽ kéo dài cho đến tháng sau.

Nắng nóng kỷ lục đe dọa nền kinh tế tỷ dân - Ảnh 1.

Nắng nóng với mức nhiệt cao kỷ lục trong vòng 60 năm qua khiến nhiều người dân Trung Quốc "khổ sở"

Các nhà máy khu vực Tây Nam Trung Quốc đã bị giới chức yêu cầu phải đóng cửa. Tại vài thành phố lớn, các tòa nhà văn phòng đã được lệnh tắt máy điều hòa không khí để dự phòng cho lưới điện hoạt động quá mức.

Ví dụ như tại tỉnh Tứ Xuyên, việc mất điện liên tục và ngừng hoạt động của các nhà máy lớn, đã ảnh hưởng đến Toyota, Intel và Foxconn. Những tỉnh thành đầu tàu kinh tế của Trung Quốc giống như cỗ máy khổng lồ vừa được rục rịch khởi động lại sau dịch bệnh, thì nay lại phải tạm thời ấn nút "OFF".

Bà Dan Wang, chuyên gia kinh tế từ ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc) nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến sự chững lại của sản xuất thép, hoá chất, phân bón. Đây là những ngành cực kỳ quan trọng đối với lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và chế tạo". Đợt nắng nóng và ngắt điện lần này khiến người ta nhớ tới giai đoạn mất điện diện rộng hồi năm ngoái, khiến bóng đen bao trùm lên rất nhiều trung tâm sản xuất quan trọng của Trung Quốc như Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô.

Nắng nóng kỷ lục đe dọa nền kinh tế tỷ dân - Ảnh 3.

Nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng điện cung cấp cho hoạt động của các nhà máy

Đợt nắng nóng kỷ lục của năm nay cũng đã kéo dài suốt 2 tháng, ảnh hưởng từ những tỉnh trung tâm cho tới các vùng ven biển, nhiệt độ hầu hết các ngày đều ở ngưỡng 40 độ C. Đối với nông nghiệp, đợt nắng nóng này được cho là sẽ khiến diện tích thu hoạch lúa của Trung Quốc sụt giảm do ruộng lúa trở nên khô cằn.

Còn tại phía Đông thành phố Hàng Châu, những người nông dân trồng chè chuẩn bị cho vụ thu đã phải dùng lưới che phủ các đồi chè để bảo vệ cây khỏi nắng nóng khắc nghiệt. Tại thành phố Châu Hải, một trang trại nuôi cá vược đang đau đầu khi phải đi vớt những xác cá nổi lềnh phềnh do nhiệt độ cao quá mức. Trang trại này ước tính thiệt hại rơi vào gần 15 triệu USD.

Nắng nóng kỷ lục đe dọa nền kinh tế tỷ dân - Ảnh 4.

Nhiều lòng sông, hồ lớn tại Trung Quốc cạn khô vì nắng nóng

Anh Li Xinyi, chủ một trang trại gà ở phía đông thành phố Hợp Phì, nói với một trang tin tức địa phương rằng anh ta đã lắp một chiếc quạt lớn trong chuồng gà của mình và anh ta nói rằng có thể giữ nhiệt độ không vượt quá 31 độ C, nhưng anh ta vẫn thu được ít trứng hơn bình thường. Một nông dân khác, ở tỉnh Hà Nam, nói với một tờ báo nhà nước rằng khoảng 20% gà mái của anh ta không chịu đẻ trứng.

Áp lực từ nhiều phía

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang phải chịu sức ép từ nhiều phía. Nền kinh tế đang hướng tới tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm, do chính sách phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh, kiểm dịch và hạn chế đi lại. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và các nhà máy sản xuất ít hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã đạt mức cao kỷ lục, trong khi rắc rối trong lĩnh vực bất động sản đang gây xôn xao dư luận nước này.

"Hiện thời, chúng tôi đang dự báo tăng trưởng GDP năm nay sẽ vào khoảng 4%. Nhưng nếu cứ tiếp tục như thế này, thì tôi e rằng tăng trưởng sẽ có thể ở dưới cả mức 3%" - Chuyên gia Dan Wang của ngân hàng Hang Seng cho hay.

Nắng nóng kỷ lục đe dọa nền kinh tế tỷ dân - Ảnh 5.

Tăng trưởng GDP Quý 4 của Trung Quốc đang bị phủ bóng bởi nhiều thử thách

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa có chuyến thị sát tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc từ ngày 16 tới 17-8. Tại đây, ông đã trao đổi với các quan chức hàng đầu đến từ 6 tỉnh kinh tế lớn (Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Tứ Xuyên) và kêu gọi họ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương cũng như mở cửa cho hoạt động thương mại và đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa.

"6 tỉnh lớn chiếm 45% nền kinh tế cả nước và là trụ cột phát triển kinh tế đất nước. Các tỉnh kinh tế lớn cần mạnh dạn đi đầu, phát huy vai trò hỗ trợ then chốt trong việc ổn định nền kinh tế... Nền kinh tế ổn định cũng là một nguồn tài nguyên ổn định" - Tân Hoa xã dẫn lại lời ông Lý phát biểu.

"Hiện nay chúng ta đang ở thời điểm khó khăn nhất của quá trình hồi phục kinh tế, phải khẩn trương củng cố nền tảng phát triển và hồi phục phục kinh tế" - ông Lý chỉ ra.

"Bài toán" cho tương lai

Các nhà khoa học khí hậu cho biết, tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên trong vài thập kỷ tới, nguyên nhân do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Truyền thông nhà nước đưa tin, ngay cả khi nhiều khu vực của Trung Quốc bị khô hạn, thì các khu vực khác lại chứng kiến lượng mưa lớn, bao gồm cả Tây Ninh, một thành phố phía tây bắc, nơi xảy ra trận lũ quét hôm thứ Năm tuần trước đã khiến 16 người thiệt mạng và 36 người mất tích.

Xiaoming Shi, Phó Giáo sư tại bộ phận môi trường và bền vững của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) cho biết: "Theo xu hướng này, các đợt nắng nóng cực đoan trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn hơn và tác động đến nhiều dân số hơn".

Ông này cũng nói thêm rằng, tất cả mọi người, từ các cá nhân đến các thống đốc thành phố và các nhà phát triển, nên chuẩn bị cho các tiêu chuẩn mới về thời tiết cực đoan và nhận thức rằng những sự kiện cực đoan đó hoàn toàn có thể đe doạ tới cuộc sống của người dân nhiều quốc gia.

Chia sẻ