Hoàng đế Càn Long có tổng cộng 42 vị phi tần trong hậu cung. Một vài người trong số họ được Hoàng đế sủng ái nhưng một số người khác lại không thể được hưởng sự ấm áp đó, bị tống vào lãnh cung cả đời không thể nhìn thấy Hoàng đế.
Trong những hậu phi được Hoàng đế Càn Long sủng ái, Di tần Bách thị là người được sủng ái sớm nhất nhưng cuộc đời nàng không hề êm ả như mong muốn, bởi vì khiến Thái hậu không vừa ý, nên cuối đời Di tần Bách thị phải sống trong cô độc rồi qua đời trong tẩm cung riêng.
Bách thị là người Giang Tô, xuất thân từ một gia đình khá giả trong vùng nhưng không thuộc Bát kỳ. Trong các tài liệu lịch sử có rất ít thông tin về gia thế của Bách thị, chỉ biết phụ thân của nàng là Bách Sĩ Thái.
Nàng không nhập cung thông qua kỳ tuyển tú. Khi Hoàng đế Càn Long đã mãn hiếu kỳ với tiên đế, một số quan chức ở Giang Tô đã dâng tặng 2 nữ nhân xinh đẹp cho ông. Đó là hai chị em Bách thị. Tuy nhiên, chỉ có người chị được ở lại hoàng cung, còn người em bị gửi trả về quê nhà.
Vào lúc đó, Bách thị tiến cung, sơ phong Bạch Quý nhân và có được sự sủng ái của Hoàng đế Càn Long. Vào năm Càn Long thứ 6, trong đợt đại phong hậu cung, nàng được tấn phong thành Di tần.
Một năm sau đó, Hoàng đế hạ chỉ gia tộc Bách thị nhập vào Chính Hoàng kỳ Bao y. Sau khi nhập kỳ, gia tộc của Di tần được ban thưởng lớn, anh em của nàng được vào Nội vụ phủ làm việc.
Tuy nhiên, sự sủng ái của Hoàng đế Càn Long đối với Di tần Bách thị đã khiến Thái hậu khó chịu. Lý do bởi vì nàng là người Hán và xuất thân hèn mọn. Thái hậu liên tục khiển trách Hoàng đế vì điều này. Nhưng, sự yêu thích với Di tần Bách thị không hề giảm đi.
Về sau, năm Càn Long thứ 10, do em gái của Bách thị đã thuộc Thượng tam kỳ Bao y nên được vào cung làm cung nữ sau đợt tuyển tú của Nội vụ phủ. Sau đó, Hoàng đế nghe Di tần Bách thị kể rằng em gái ruột thịt có nhan sắc không hề kém cạnh mình liền cảm thấy hứng thú.
Năm Càn Long thứ 13, em gái của Di tần Bạch thị được phong thành Thường tại và kế thừa phong hào "Bạch" của chị gái, trở thành Bạch Thường tại. Sau đó, nàng được thăng thành Bạch Quý nhân.
Thời gian dần qua, khi hậu cung ngày càng tràn ngập sắc, tình cảm của Hoàng đế Càn Long dành cho Di tần Bách thị càng phai nhạt. Lúc đấy, Hoàng đế đã không còn muốn đi ngược lại lời Thái hậu, ngày càng đối xử lạnh nhạt với Di tần Bách thị.
Sách sử lúc đó không còn ghi chép gì về nàng phi tần này nữa cho đến năm Càn Long thứ 22. Vào tháng 5 năm Càn Long thứ 22, Di tần Bách thị qua đời trong tẩm cung riêng sau khi mắc bệnh nặng. Cùng năm đó, nàng được an táng tại Phi viên tẩm trong Dụ lăng.
Về phần Bạch Quý nhân Bách thị, nàng vẫn sống nhạt nhòa trong cung sau khi chị gái qua đời; đến thời Hoàng đế Gia Khánh thì được tôn thành Bạch Thái Quý nhân.
Nguồn: Sohu, KKnews, Baidu, Qulishi