Những giải pháp công nghệ tân tiến, thú vị, phục vụ đời sống cộng đồng luôn là "đặc sản" tại Shark Tank Việt Nam nhiều mùa. Mới đây, trong chương trình Thương vụ bạc tỷ mùa 4 tập 12 vừa phát sóng, một startup công nghệ đặc biệt như thế đã xuất hiện, mang đến cho người xem, đặc biệt là dân công sở nhiều bất ngờ, thậm chí là... ám ảnh xoay quanh câu chuyện chấm công khi đi làm.
Dựng lại bối cảnh "tắc đường" trước máy chấm công vào mỗi buổi sáng tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, Trần Viết Quân – nhà sáng lập Công ty CP Ứng dụng Di động Xanh giới thiệu về ứng dụng chấm công bằng điện thoại di động Tanca, đồng thời kêu gọi 150.000 USD cho 3% cổ phần (tương ứng mức định giá công ty 5 triệu USD - khoảng 115 tỷ đồng).
Theo giới thiệu, ứng dụng này giải quyết vấn đề chấm công và xếp ca bằng điện thoại di động, thông qua định vị GPS, wifi cũng như công nghệ nhận diện khuôn mặt. Cuối năm 2019, startup ra mắt một phiên bản mới, cho phép tích hợp tất cả các loại máy chấm công, vân tay trên thị trường.
"Giải pháp của chúng tôi khác biệt ở chỗ chúng ta không cần một phần mềm cài đặt trên máy tính mà đẩy thẳng dữ liệu của máy chấm công lên cloud. Cuối năm 2020, khi Covid xảy ra, chúng tôi kết hợp với một công ty ra mắt camera trí tuệ nhân tạo, hy vọng tạo ra một xu hướng chấm công mới tại Việt Nam, bằng cách chỉ cần cách từ 2-4m, camera sẽ tự động nhận ra", founder khẳng định.
Ngoài ra, startup này cũng cung cấp hệ thống quản lý kế hoạch xin nghỉ phép, tăng ca, công tác,… từ đó quản lý thời gian một cách minh bạch. Hiện tại Tanca đang phục vụ cho khoảng 700 doanh nghiệp, tương đương 50.000 người chấm công qua ứng dụng, trong đó trên 500 doanh nghiệp trả tiền.
Dù giải pháp mà Tanca mang đến khá thú vị cũng như tiện lợi, nhưng sau màn "hỏi thăm" để làm rõ tình hình kinh doanh cũng như bài toán tài chính và bức tranh tăng trưởng trong tương lai, các Shark nhận ra startup vẫn đang tồn tại khá nhiều vấn đề.
Shark Phú từ chối đầu tư vì cho rằng Tanca đã đạt được điểm hòa vốn nên việc kêu gọi thêm vốn không quá quan trọng. Shark Liên, Shark Hưng cũng như Shark Linh lần lượt nói lời từ chối.
Khẳng định là người hiểu startup nhất, Shark Bình đề nghị 5 tỷ cho 20% cổ phần. Tuy nhiên, nam founder vẫn khá cứng rắn và giữ nguyên mức đề nghị 5% cho 150.000 USD, còn 20% là quá lớn và không tạo ra động lực để đội ngũ sáng lập mở rộng, phát triển.
"5% không tạo ra giá trị gì cả. Với tình hình doanh nghiệp và mức định giá như vậy thì… trên Shark Tank người ta hay gọi là kẻ đào mỏ đấy, tức chỉ lên để quảng cáo thôi chứ mức giá đưa ra phi lý, làm các Shark không chốt được", "cá mập công nghệ" thẳng thắn. Cuối cùng, founder Trần Viết Quân vẫn không chấp nhận đề nghị và quyết định ra về tay không.