NASA chỉ điểm 50 nơi siêu phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính - Ảnh 1.

Chùm khí methane mà thiết bị của NASA phát hiện tại khu vực Carlsbad thuộc bang New Mexico của Mỹ - Ảnh: AFP

Trong thông cáo ngày 25-10, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết 50 điểm "siêu phát thải" khí methane nằm ở Trung Á, Trung Đông và các bang vùng Tây Nam Mỹ. Hầu hết các địa điểm này đều liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, chất thải hoặc nông nghiệp.

Việc phát hiện các điểm trên nhờ vào một thiết bị của dự án Điều tra nguồn bụi khoáng sản bề mặt Trái đất (EMIT) của NASA. Thiết bị này vừa mới được lắp trên Trạm không gian quốc tế (ISS) hồi tháng 7 rồi.

Mục đích của EMIT nhằm xác định xem liệu bụi trong không khí ở các khu vực khác nhau trên thế giới có khả năng giữ hoặc làm lệch hướng nhiệt từ Mặt trời, từ đó góp phần làm ấm hoặc làm mát hành tinh hay không.

Theo NASA, việc thiết bị của EMIT phát hiện các địa điểm siêu phát thải khí methane là điều nằm ngoài ý định ban đầu nhưng lại có ý nghĩa thiết thực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

"Diễn biến mới và đầy thú vị này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu xác định rõ hơn nơi phát khí methane đến từ đâu. Nó còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách vấn đề có thể được giải quyết một cách nhanh chóng", người đứng đầu NASA Bill Nelson giải thích trong thông cáo ngày 25-10.

Theo các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA ở Los Angeles (Mỹ), nơi thiết bị được thiết kế và chế tạo, khí methane hấp thụ ánh sáng hồng ngoại theo một mô hình độc đáo mà máy quang phổ của EMIT có thể dễ dàng phát hiện.

EMIT có thể quét các vùng rộng lớn trên bề mặt Trái đất nhưng cũng có thể tập trung vào các khu vực nhỏ tương đương một sân bóng đá.

Ông Andrew Thorpe - một nhà nghiên cứu tại JPL - cho biết EMIT đã phát hiện được nhiều chùm khí methane lớn chưa từng thấy. Chẳng hạn một chùm khí methane dài khoảng 3,3km đã được phát hiện ở phía đông nam Carlsbad thuộc bang New Mexico (Mỹ), một trong những nơi có nhiều giếng dầu nhất thế giới.

Một chùm khí dài gần 5km cũng được EMIT phát hiện tại phía nam thủ đô Tehran của Iran và xuất phát từ một khu phức hợp xử lý chất thải quy mô lớn.

Khí methane là nguyên nhân gây ra khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu cho đến nay. Loại khí này có trong khí quyển ít hơn nhiều so với khí CO2 do thời gian tồn tại ngắn (khoảng 10 năm) nhưng lại mạnh hơn CO2.

Các nhà khoa học kỳ vọng việc giảm khí methane trong khí quyển sẽ giúp giảm nhiệt độ của Trái đất, góp phần làm chậm quá trình Trái đất nóng lên dẫn tới các biến đổi khí hậu khác.