Mang tiếng là người tử tế ở công ty, chắc chắn là điều tích cực! Thế nhưng, ưu tiên sự tử tế thường phải đánh đổi bằng sự trung thực, đôi khi điều đó có thể gây tổn hại cho công ty và sự nghiệp của bạn về lâu về dài.
Nếu là người tử tế tại chốn công sở, chắc chắn bạn không cô đơn.
Theo nghiên cứu của công ty Đào tạo và Phát triển Kỹ năng lãnh đạo Fierce với nhân viên văn phòng trên toàn nước Mỹ thì: 63% người được hỏi cho biết, họ chọn cách không chia sẻ quan điểm hoặc đưa ra phản hồi tiêu cực trong công việc vì không muốn tỏ ra chống đối, thiếu hợp tác hoặc bị coi là kẻ tiêu cực.
Làm người tử tế ở văn phòng có phải lúc nào cũng tốt?
Làm người tử tế để dễ bề thăng tiến? Chưa chắc đâu nhé
Sự thật, dân công sở muốn được công nhận là người tử tế vì 3 lý do sau:
- Họ cảm thấy công việc thú vị và đáng để gắn bó hơn khi thân thiết, có quan hệ tốt với đồng nghiệp.
- Tử tế để nhờ vả lại người khác khi gặp khó khăn.
- Sẽ có thêm nhiều cơ hội trong công việc nếu mọi người, đặc biệt là lãnh đạo có thiện cảm với họ.
"Trong bản năng, con người đã thích được quý mến", Stacey Engle, chủ tịch của Fierce cho hay. "Kể từ khi còn nhỏ, chúng ta được dạy để trở thành người tử tế. Tuy nhiên, điều đó lại vô tình biến bạn trở thành kẻ thích dĩ hòa vi quý trong mọi cuộc hội thoại. Nghĩa là nhìn thấy sai phạm nhưng không muốn nói ra, tóm lại là không muốn ai bị mích lòng".
"Bên cạnh những điểm tích cực trên lý thuyết, việc trở thành "người tử tế" cũng khiến bạn trở nên ù lì hơn với các vấn đề hiện hữu. Người tử tế về cơ bản là có nhiều nỗi sợ và thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề".
Cái giá phải trả của việc làm người quá tử tế ở chốn công sở
Tử tế quá nghĩa là thiếu chính kiến, dễ bị người khác xoay vần như con quay
Thú nhận đi mấy anh chị tử tế chốn công sở, việc luôn phải "nice" khiến các bạn bị áp lực và mất đi nhiều niềm vui mang tính cá nhân. Ví dụ, một người quản lý sợ phải đối diện với nhân viên vì hành vi chưa tốt khi đi làm, mà đùn đẩy trách nhiệm cho bộ phận trị sự. Thậm chí còn phớt lờ việc đó đi.
"Khi muốn nhắc nhở cấp dưới, nhiều người đã 'bọc đường' cho thông điệp mang tính chỉ trích vì không muốn họ bị tổn thương", Engle cho biết. "Việc này quả thật rất lãng phí thời gian khi cứ phải khéo léo chỉ ra những cá nhân độc hại".
Không chỉ vậy, làm người tử tế quá ở môi trường làm việc cũng không khác một kẻ gàn dở, sẵn sàng ưu tiên lợi ích của người khác mà xem nhẹ trách nhiệm của bản thân.
Thay vì trở thành người tử tế, hãy tạo ra văn hóa "mất lòng trước được lòng sau"
Khéo gì thì khéo, đã liên quan đến công việc thì phải thẳng thắn hết cỡ
Trò chuyện và chia sẻ một cách thẳng thắn không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, các công ty nên biến điều này thành văn hóa. Điều quan trọng là người lãnh đạo phải làm gương và cho cấp dưới thấy "đúng là đúng, sai là sai", ai cũng phải chịu trách nhiệm cho kết quả của mình.
"Nhiều nhân viên văn phòng không lên tiếng bởi trong đầu họ đã vẽ ra một câu chuyện đầy tiêu cực", Engle nói. "Nếu không nhận ra việc tử tế quá đà là hành vi xấu, họ sẽ thả trôi bản thân mà không có định hướng cho chính mình".
Mô hình hóa và xây dựng quy tắc ứng xử cho nhân viên khi nhìn thấy sai phạm là điều rất quan trọng. Ví dụ, ở Mỹ có tới 56% sếp nam, 69% sếp nữ chọn cách "ém" các phản hồi tiêu cực mà không cho nhân viên biết.
Thẳng thắn là điều cần thiết, kể cả có gây nên xung đột và bất hòa trong nội bộ. Khi và chỉ khi dám đối diện và lên tiếng trước sự tiêu cực, các anh các chị "người tử tế" ở văn phòng mới thôi bị o bế và phát triển bản thân.
Theo Fast Company