Lại là tôi, cô tạp vụ trung niên tưởng lặng thầm nhưng không hề thầm lặng nơi công sở đây. Làm công việc lau chùi, dọn dẹp ở chốn văn phòng hơn 10 năm nay; ngày ngày nhìn người qua, kẻ lại, tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau; tôi đã có dịp chứng kiến và nghe kể lại không biết bao nhiêu là câu chuyện, vui có, buồn có, tréo ngoe, trái khoáy cũng chẳng thiếu.
Và câu chuyện ngày hôm nay tôi sắp kể ra đây, nghe qua thì có vẻ chẳng to tát, chỉ cần nói chuyện nhẹ nhàng với nhau là có thể dàn xếp một cách ổn thoả; ấy vậy mà nó đã từng tạo nên một đợt sóng gió không hề nhỏ trong cái văn phòng này. Câu chuyện mang tên "chỉnh nhiệt độ điều hoà".
Sóng bắt đầu từ gió, "drama" bắt đầu từ chiếc điều hoà
Như mọi người đã biết, văn phòng là nơi điều hòa hoạt động hết công suất không giây phút nào ngơi nghỉ, sẵn sàng trong trạng thái bật 24/24 miễn là còn người ngồi lại làm việc. Văn phòng ít người thì không có gì để nói; tuy nhiên, nguồn cơn câu chuyện cũng bắt nguồn từ việc có quá nhiều con người chen chúc nhau trong bốn bức tường chật hẹp.
Có một sự thật hiển nhiên rằng, công ty không thể lắp riêng cho mỗi người một chiếc điều hòa để tự do điều chỉnh nhiệt độ nóng lạnh theo ý thích của cá nhân. Thông thường mỗi phòng tầm 8 đến 10 người sẽ sử dụng chung một chiếc điều hoà. Mà mỗi người lại một thể trạng khác nhau, 9 người thì 10 ý, nhiệt độ để ở mức đó thì lạnh với người này, nhưng nóng với người kia.
Xuất phát từ thực tế này, tranh chấp bắt đầu xảy ra. Một ngày đẹp trời như bao ngày khác, cô A hồ hởi vào công ty, bật điều hòa rồi hạ nền nhiệt xuống để tận hưởng không khí mát mẻ sau khi đối mặt với cơn nắng nóng như thiêu, như đốt của tiết trời ngày hè oi ả.
So với mặt bằng chung, mức nhiệt độ mà A hạ xuống khiến một vài người cảm thấy lạnh. Thay vì đứng dậy và hành động, họ tự khoác thêm chiếc áo rồi tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, trong số đó, có cô B nổi tiếng đanh đá, chua ngoa. Cảm thấy làn hơi lạnh đang ảnh hưởng đến mình, B ngay lập tức bước lại màn hình điều chỉnh và chỉnh nhiệt độ cao nhất có thể.
20 phút sau, cảm thấy mồ hôi chực chờ túa ra, A tức tốc bước lại màn hình điều chỉnh để xem và phát hiện ai đó đã chỉnh nhiệt độ lên cao ngất. Cô ngay lập tức hạ về mức mình muốn rồi không quên kèm theo câu nói: "Giữa tiết trời nóng bức mà để 29 độ, bộ muốn nướng chín cả văn phòng hay gì? Dốt thì cũng dốt vừa chứ dốt quá ai mà dốt cho lại!".
Lắng nghe rõ mồm một từng câu "khẩu nghiệp" của A, B đứng phắt dậy, đáp trả: "Nè nè, người có ăn có học thì nói chuyện cho dễ nghe một chút. Đây là nơi công cộng, không phải nhà cô, muốn thì tự mua một cái điều hòa rồi xây cái phòng riêng vào mà ngồi. Bộ mù hay sao mà không thấy cả văn phòng đang rét run lên vì cô".
Nóng máu, cả hai không tiếc lời nặng nề, thóa mạ lẫn nhau đến mức những người còn lại không thể im lặng được nữa. Can ngăn có, hòa giải có, nhắc nhở có nhưng đều vô vọng bởi ai cũng muốn giành phần thắng về mình. Kết quả câu chuyện chính là hai cô A B vào thẳng phòng gặp sếp, rồi nghe đâu bị kỷ luật cả ½ tháng lương vì hành vi gây rối nơi công sở.
Vì chiếc điều hòa mà tương tàn thì dở thật!
Qua đó mới thấy, mỗi câu chuyện chỉnh nhiệt độ điều hòa thôi mà cũng khiến chị em công sở tương tàn lẫn nhau, rồi hậu quả nặng nề tự mình gánh lấy. Sống từng tuổi này, trải qua nhiều chuyện trên đời, tôi thấy chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Tuy nhiên, dại kiểu này thì có phần hơi vô duyên.
Đồng ý là mỗi người có một nhu cầu khác nhau; tuy nhiên, công sở trước giờ vẫn là môi trường công cộng, nhiều người qua kẻ lại. Do đó, trong mọi trường hợp, giải pháp hợp lý nhất chính là giải pháp có thể trung hòa được nhu cầu và mong muốn của tất cả mọi người.
Nếu như trong trường hợp đó, các cô có thể nhẹ nhàng thỏa thuận với nhau được mức nhiệt độ phù hợp rồi người này chịu nóng một chút, người kia chịu lạnh một ít thì vấn đề đâu có bị đẩy đi xa đến vậy. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện gì cũng nên nhường nhịn nhau một chút thì mới mong dĩ hòa vi quý được. Các cô gái công sở nhớ nhé, đừng để vì chiếc điều hòa mà chị em phải tương tàn, người ngoài nghe được họ lại cười cho!