Trong môi trường làm việc, hẳn là bạn đã quá quen với những kẻ mà mặt lúc nào cũng hiện lên hai chữ "than vãn". Họ dường như là bạn thân với tiêu cực và luôn mang lại năng lượng xấu đối với người khác.

Ấy vậy mà mọi đồng nghiệp xung quanh lẫn chính họ đều không thấy tác hại của việc suốt ngày kêu ca. Nhưng thực tế thì ngược lại hoàn toàn đó nha. Hãy cùng đọc một câu chuyện "rất liên quan" dưới đây về các loài vật:

"Một con bò làm việc nhiều rồi kêu với một chú chó rằng "Chó ơi tôi làm việc nhiều quá!".

Con chó ấy lại gặp và tâm sự với một con mèo khác rằng "Con bò kêu than mệt đấy, chắc đuối sức lắm rồi!".

Con mèo ấy lại đi tìm và nói chuyện với một con khỉ khác rằng "Con bò nó muốn đình công vì ông chủ cứ bắt nó làm quần quật!".

Hỡi những cô nàng hay than vãn chốn công sở, nếu không muốn rước họa vào thân thì phải biết bớt lời đi! - Ảnh 1.

Con khỉ này lại đi kể với bà chủ "Bà chủ ơi con bò nó ghét ông chủ lắm vì ông ấy bắt nó làm quần quật!".

Rồi cuối cùng thì bà chủ nói với chồng mình rằng "Ông ơi con bò nó đang định làm hại ông vì ông bắt nó làm việc quá sức đấy!".

Sau tất cả, con bò bị giết. Có lẽ con bò còn chẳng hiểu vì sao nó bị đem ra làm thịt nhanh đến vậy."

Đọc xong câu chuyện trên, các chị em công sở đã thấy "nhột" chưa nhỉ?

Khi bạn than vãn và kể lể với một đồng nghiệp khác, bạn phải chấp nhận một sự thật rằng những gì bạn nói sẽ bị tam sao thất bản rất nhiều lần. Và tất nhiên những điều ấy không theo chiều hướng tích cực mà luôn phản lại chính sự nghiệp của chúng ta. Điều ấy càng nguy hiểm hơn nếu đến tai sếp.

Hỡi những cô nàng hay than vãn chốn công sở, nếu không muốn rước họa vào thân thì phải biết bớt lời đi! - Ảnh 2.

Bạn than vãn với đồng nghiệp, bạn nghĩ rằng họ sẽ thông cảm với bạn. Nhưng nhầm to rồi các nàng ạ! Họ đang cười thầm trong bụng về sự đau khổ bạn đang phải trải qua. Họ cũng chẳng quan tâm vì sao bạn lại bị như vậy. Chúng ta không quan trọng đến như thế trong mắt người khác. Thậm chí, đồng nghiệp còn muốn làm hại đến bạn bằng ti tỉ trò chơi xấu tại nơi công sở.

Ở môi trường ấy, thân nhau thì khó mà hại nhau thì nhiều. Mỗi một lời nói phát ra, mỗi một cử chỉ thực hiện đều cần được ngó trước ngó sau. "Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người" là vì thế đấy các nàng ạ!

Khi bạn gặp một chuyện gì đó không may, bạn trước hết nên biết cách tự mình đối đầu với chúng thay vì phàn nàn cho đồng nghiệp. Nhớ là dù có thế nào cũng hạn chế mang năng lượng tiêu cực đối với người khác. Bởi chẳng một ai đáng nhận hết những muộn phiền của bạn cả!

Hỡi những cô nàng hay than vãn chốn công sở, nếu không muốn rước họa vào thân thì phải biết bớt lời đi! - Ảnh 3.

Mặt khác, nếu một đồng nghiệp nào đó tâm sự và kể tình trạng của họ cho bạn, thì có hai điều mà bạn cần nhớ. Thứ nhất, hãy biết cảm thông. Nếu cứ cười trên nỗi đau của người khác thì chưa biết chừng vào một ngày đẹp trời bạn cũng sẽ gặp phải tình cảnh tương tự.

Thứ hai, đừng đem câu chuyện đó đi quá xa. Ở câu chuyện trên, kết cục là con bò bị giết. Nhưng điều gì đảm bảo rằng con chó, con khỉ, con mèo kia không bị chung mức án tử? Tất cả đều là đồng nghiệp với nhau, đừng nên chơi xấu nhau, nếu không sẽ rất rách việc và liên lụy lẫn nhau. Tốt nhất, mắt không thấy, tai không nghe và bạn thì chẳng biết gì cả.

Hãy hành xử thật khôn khéo và thông minh chốn công sở nhé các chị em! Lạc quan lên nào vì vấn đề gì cũng sẽ giải quyết được thôi!