Semi homeschool (vừa học chương trình Việt Nam, vừa học chương trình Mỹ và lấy song bằng năm cấp 3) được nhiều phụ huynh quan tâm hiện nay. Vậy, phải chuẩn bị thế nào cho con, nhất là phần tiếng Anh để con có thể theo học Semi homeschool một cách hiệu quả?
Từ kinh nghiệm Semi-homeschool cho 1 bé trai thông minh học rất nhanh nhẹn, đam mê kinh doanh, tính xã hội cao, năm nay đã lớp 10 và một bạn khó khăn trong học tập, tiếp thu chậm, khó khăn trong hình thành ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, năm nay đang học lớp 7; chị Nguyễn Thị Hồng Liên hiện đang công tác tại trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) đã có những chia sẻ thiết thực cho các phụ huynh.
"Mình cho con mình học tiếng Anh từ 4 tuổi, và thực tế là với bạn lớn rất thông minh nên việc học 2 ngôn ngữ không gây khó khăn gì. Nhưng bạn nhỏ của nhà mình hơi khó khăn khi học ngôn ngữ, nên giờ học tiếng Việt rất khó khăn. Cả hai môn Văn và Toán mình phải nỗ lực rất nhiều để con có thể vừa học được tiếng Anh và đạt mức trung bình ở tiếng Việt. Nếu cho lựa chọn lại, có lẽ mình sẽ dời việc học tiếng Anh năm 5 tuổi cho con khi con đã thạo tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, sự đã rồi nên giờ chỉ biết nỗ lực dạy bạn ấy thôi.
Mãi về sau khi đọc các tài liệu về não bộ và quá trình hình thành ngôn ngữ ở trẻ, mình mới biết não của mỗi bé là rất khác nhau, có những bé sinh ra não bộ đã hoàn thiện và các kết nối nơ ron thần kinh rất nhanh, còn có những bạn não bộ kém hoàn thiện hơn và kết nỗi nơ ron thần kinh khó khăn hơn. Thường chỉ đến tầm 3-4 tuổi não bộ của con mới hình thành ổn định, thể hiện ở việc con có thể giao tiếp tốt ở tiếng mẹ đẻ thì mới nên cho con tiếp xúc với ngôn ngữ hai.
Đó là lý do tại sao chương trình Grapeseed của Nhật, xuất phát từ nền tảng của một dân tộc kinh doanh có đạo đức, họ lại xây dựng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Mình đã gặp và hỏi rõ chuyên gia và nhận được câu trả lời về lý do tại sao nên thiết kế chương trình học tiếng Anh từ 3-4-5 tuổi chứ không nên sớm hơn.
Và nếu các bé nào có hội chứng tăng động, rối loạn hành vi, khó quản lý cảm xúc, giao tiếp kém, thì các nhà giáo dục mà mình đã tiếp xúc cũng khuyên là không nên tập trung cho con học tiếng Anh bởi điều quan trọng nhất là dành thời gian để các bạn ấy trở về bình thường đã".
Bên cạnh đó, theo chị Liên, để có thể theo các chương trình song song Việt - Mỹ hiệu quả, trẻ cũng không nên học tiếng Anh muộn sau 8 tuổi.
Chị Hồng Liên đã giải đáp một số thắc mắc và chia sẻ lộ trình đồng hành cùng con học tiếng Anh để có thể học song song hai chương trình Việt - Mỹ như sau:
Có nên sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy tiếng Anh ở độ tuổi nhỏ hay không?
Mình thường không cho con nghe hay là "tắm" tiếng Anh theo kiểu nghe các âm thanh hay dùng các phần mềm học tiếng Anh. Có lẽ là hơi ngược đời vì mình thấy các phần mềm học tiếng Anh online rất nhiều. Không ít mẹ cho con "nghe tắm" tiếng Anh liên tục để tạo môi trường song ngữ cho con.
Nhưng thực ra, quá trình giao tiếp giữa người với người mới giúp hình thành ngôn ngữ. Nên bạn có thể dùng các phần mềm để từ đó hai mẹ con cùng giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, nếu mẹ không giỏi thì hãy học cùng con như hai người học.
Ví dụ như ngày xưa là mình mua bút tương tác của Popodo kèm sách của họ (cả sách học từ, sách học mẫu câu, cả các câu chuyện), mình chỉ bút vào đâu là bút phát âm và lúc đó mình đọc theo bút và con mình đọc cùng mình. Rồi khi con nghe truyện từ bút đọc và hai mẹ con mình đọc theo bút. Mình không hề mua bộ đĩa học Popodo đi kèm.
Hai mẹ con chơi rất thú vị. Rồi mình hay dùng mấy mẫu câu đơn giản để hỏi con như là "what's this?", "What colour is this?". Rồi mình làm Flash card để chơi cùng con với từ vựng, có khi thì hai mẹ con cùng hát theo bằng đĩa. Có lúc con và mình cùng chơi một số game trên máy tính. Khi con học với máy tính hay xem clip, mình không bao giờ để con học 1 mình mà chỉ là dùng công cụ đó để hỗ trợ mình dạy và chơi trò chơi bằng tiếng Anh với con.
Nói chung là con giao tiếp cùng với mẹ chứ không phải là con giao tiếp với phần mềm hay máy hay CD. Như vậy mới là hiệu quả.
Quá trình học của con, mình đã làm như thế nào?
1. Khi con 3-4 tuổi:
Mỗi ngày mình chỉ có độ 30-40 phút cho con học tiếng Anh, vì mình còn phải dạy con những thứ khác như là ngồi bàn rồi vẽ cùng con, chơi các trò chơi đóng vai, hay là chơi với các con số hoặc kể chuyện tiếng Việt cùng nhau, rồi đi ra ngoài chơi với các bạn để phát triển khác kỹ năng xã hội và giao tiếp khác.
Thường 30-40 phút đó mình sẽ hát cùng con các bài hát tiếng Anh, chơi với Flash card hay là các đồ vật thật, dùng bút chấm đọc để hai mẹ con cùng nghe truyện và đọc theo, cùng xem các phim hoạt hình cùng nhau rồi mẹ sẽ nói theo nhân vật trên phim và con nhắc lại.
Mình hay có chiếc bảng để gắn sao lên, mỗi một nhiệm vụ con hoàn thành là lại cho con ngôi sao lên bảng, cứ được 5-10 sao lại có thể đổi lấy các hình dán. Quà thì mình thay đổi liên tục vì trẻ con thích những thứ rất khác nhau chứ không phải cứ đổi sao hay là Sticker là con thích. Vậy nên các mẹ phải tự sáng tạo lấy cách thưởng để con học cho tốt.
Các đây nhiều năm, khi dạy bé đầu, mình cũng không phải là giáo viên tiếng Anh. Nhưng bằng sự nỗ lực mình đã tự tìm hiểu và dạy con hiệu quả. Ở trường cô cũng cho con chơi với tiếng Anh tuần 2-3 buổi, gọi là cho vui thôi, cũng chưa cần học gì nặng nề.
2. Khi con 5-6 tuổi, trước khi vào lớp 1
Khi con 4,5-5 tuổi, một tuần 2-3 buổi mình có cho con học với người nước ngoài, mỗi buổi 90 phút, và chủ yếu là hát hò, chơi game với tiếng Anh, học chào hỏi, giao tiếp theo chủ đề chứ cũng chưa có gì đặc biệt. Nhưng mình có cho các con học các chữ cái để nhận biết âm.
Mỗi buổi học thì mình đều có cho các con đọc 1 quyển truyện và bắt đầu học thuộc lòng các đoạn hội thoại theo clip và theo các câu chuyện một cách có chủ đích. Cái này các mẹ đều tìm được tài liệu dễ dàng vì trên mạng các bài về Letter Phonic song.
Razkids là truyện mà mình dùng để khai thác cho con ở giai đoạn này rất tốt. Mình không cần các bạn ấy đọc nhiều, nhưng mà mỗi tuần đọc 1-2 cuốn truyện là đọc thuộc lòng luôn để nhìn mặt chữ là đọc được. Không cần hiểu, con đọc sign words thôi. Cứ đến tranh đó là nhìn và đọc theo. Sau đó mình cắt phần âm mà chỉ cho con nhìn thì con thuộc rồi nên đọc lại được. Từ khi con 5 tuổi thì mình đẩy mạnh việc đọc này cho con. Mình mua cả bộ sách Razkid mà các bạn nhà in in màu để con học đọc không cần âm theo sign words.
Như vậy là ở độ tuổi này con đã bắt đầu tập hình thành các câu dài, tập đọc thuộc lòng các sign words. Ngoài ra có bộ tài liệu về phát triển tư duy, trong đó có nhận diện, nối, trả lời câu hỏi, kể chuyện theo tranh để hình thành quá trình sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh linh hoạt cho con.
Tầm bước vào 6 tuổi nhưng chưa vào lớp 1 mình bắt đầu cho nhìn sách gogo để học và gogo có clip đi kèm nên vừa học mình vừa cho xem clip rồi hai mẹ con đóng vài và học thuộc lòng gogo. Nhớ là khi con xem cứ được 10-15 phút là lại dừng lại chơi với mẹ bằng tiếng Anh.
3. Khi con 6 tuổi vào lớp 1
Mình bắt đầu cho con học chính thức các sách tiếng Anh Family and friends 1 và cho con học các sách reading comprehension bổ trợ trên lớp. Về nhà vẫn đều đặn mỗi tuần học thuộc 1 đoạn clip và một câu truyện cũng dài. Và mình bắt đầu mua tài khoản Acellus online cho con học ở level mẫu giáo.
Mỗi ngày mình đều đặn cho con học 30 phút Acellus vì mình hiểu tiếng Anh nên phần này mình có thể dạy và bổ trợ cho con khi có những chỗ con không hiểu. Nếu chưa thể học Acellus thì các mẹ mua sách Khoa học và Toán bằng tiếng Anh về cho con làm thêm của nhà xuất bản Maccmillan hoặc của Person đều được. Bộ Person thì khó hơn vì dành cho dân bản ngữ.
4. Khi con học lên lớp 2-3-4-5
Vẫn song song cho con học ở trường, con cũng được học tiếng Anh, Toán, Khoa học bằng Tiếng Anh rồi về nhà mình cho học thêm Acellus, đọc thêm sách tiếng Anh, xem các chương trình bằng tiếng Anh trên youtube.
Về nhà mẹ vẫn đồng hành với con độ 30 phút với Acellus. Chú ý là khi dạy con tiếng Anh phải dạy con thuyết trình, trình bày bằng tư duy mindmap, dạy con đóng kịch, làm việc nhóm, cùng con tập sáng tác truyện bằng tiếng Anh, cho con được giao tiếp với người nước ngoài thật nhiều nhất có thể.
5. Mùa hè với trại hè 100% giáo viên bản ngữ
Mình thường tận dụng mùa hè để cho con mở rộng vốn từ giúp con phát triển năng lực học tiếng Anh. Thường hè mình tìm giáo viên nước ngoài ở với các con 100% thời gian và thiết kế kiểu môn học khoa học và xã hội trong 3 tuần kèm các hoạt động thể thao với giáo viên nước ngoài luôn. Do đó sau 1 mùa hè con nói tốt hơn và trôi chảy hơn rất nhiều.
Lên lớp 6 thường mình đưa con đi học hè ở nước ngoài để con học thêm các kỹ năng tự lập khác. Các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá mình cũng mời cả giáo viên nước ngoài về tổ chức lớp dạy, rồi cả thứ 7 mình còn thuê giáo viên nước ngoài đến đưa các con đi chơi hay là dạy nấu ăn, dạy kỹ năng sinh tồn cho con.
Nói chung vì không được toàn phần là tiếng Anh ở trường như học sinh quốc tế thì cứ bằng mọi cách cho con tiếp xúc với người bản ngữ qua nhiều cách chứ không chỉ là lớp học tiếng Anh thì con mới có thể học song ngữ chương trình Việt Nam và Mỹ như bây giờ. Ngoài ra vì con mình đam mê chế tạo nên mình còn có cả một phòng chế tạo để con có thể học và chế tạo đồ nên đôi tay của con giờ rất linh hoạt.
Thực sự để dạy con mình được như bây giờ mình phải kiên trì, tìm tòi, học hỏi rất nhiều, rồi cũng có những sai lầm để từ đó đúc kết ra lộ trình đúng đắn. Mình nghĩ dạy con là một chặng đường đòi hỏi sự kiên trì, và làm cha mẹ, muốn làm tốt chúng ta cũng rất cần mở lòng, tìm hiểu kỹ càng để dạy con cho tốt, trở thành một người biết yêu thương, cảm thông.
Con có tư duy, biết suy nghĩ khi gặp khó khăn, yêu tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt thành thạo và tiếng Anh là một công cụ để giao tiếp chứ không phải là thứ để tập trung hết vào mà quên những nền tảng phát triển khác của một đứa trẻ.