Với người làm cha làm mẹ, sức khỏe của con trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu. Khi trẻ bị bệnh nặng, cha mẹ không thể thôi lo lắng dù chỉ một phút đồng hồ và có cảm giác gần như bất lực vì không thể giúp đỡ trẻ. Vì lẽ đó, những dấu hiệu phát bệnh đầu tiên luôn là căn cứ quan trọng mà các phụ huynh cần chú ý sát sao để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khám chữa trước khi căn bệnh diễn biến xấu đi. Tuy nhiên, ngay cả những cha mẹ cẩn thận nhất cũng có thể bỏ qua các triệu chứng nguy hiểm trong thời kỳ phát bệnh.
Dưới đây là một vài trong số những triệu chứng đó:
1. Sốt cao
Với trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, nhiệt độ cơ thể lên tới 38 độ C cũng là hiện tượng đáng báo động. Trong khi đó, với trẻ từ 3-6 tháng tuổi, trẻ sốt cao khi nhiệt độ cơ thể là khoảng 38,5 độ C và trẻ lớn hơn là khoảng 39,5 độ C.
Tuy nhiên, người lớn cũng nên lưu ý rằng nhiệt độ cơ thể hiển thị trên nhiệt kế không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá tình trạng sức khỏe trẻ. Nếu trẻ không sốt cao nhưng người có biểu hiện khó chịu, hãy liên hệ ngay với bác sỹ chuyên khoa nhi.
2. Sốt lâu không hạ
Nếu sau khi uống thuốc hạ sốt 4 tiếng, trẻ vẫn không hạ sốt, hoặc nếu cơn sốt tự nhiên (dù thấp hay cao) của trẻ kéo dài hơn 5 ngày, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất có thể để được chữa trị kịp thời.
3. Sốt kèm theo đau đầu
Cha mẹ nên cực kỳ cảnh giác nếu trẻ kêu đau cổ, cổ căng cứng hoặc đau đầu đi kèm cơn sốt, bởi rất có thể đó là triệu chứng của căn bệnh viêm màng não.
4. Nốt đỏ trên da
Một vài căn bệnh có thể khiến da trẻ nổi nốt ban đỏ dày đặc. Triệu chứng này nên được khám chữa kịp thời. Nếu phát hiện thấy bất kỳ nốt đỏ nào xuất hiện trên da trẻ, người chăm sóc trẻ cần liên hệ ngay với bác sỹ chuyên khoa nhi.
5. Hình dạng dương vật bất thường
Lý tưởng nhất, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám dương vật hàng tháng để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, từ thành dương vật lởm chởm đến phát triển bất thường.
6. Đau bụng bất chợt
Nếu trẻ kêu đau vùng rốn, hoặc bên phải bụng, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi ngay lập tức, đặc biệt là nếu cơn đau của trẻ xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như nôn mửa hoặc tiêu chảy. Có thể trẻ đã bị viêm ruột thừa – một chứng bệnh diễn tiến xấu đi rất nhanh nếu không được chẩn đoán kịp thời.
7. Đau đầu kèm nôn mửa
Chứng đau nửa đầu không thường gặp ở trẻ nhỏ, vì vậy những triệu chứng của nó nên được đánh giá cẩn thận. Khi thấy trẻ kêu đau đầu, kèm với đó là hiện tượng nôn mửa, đó là dấu hiệu cho thấy trẻ cần được đưa đi khám ngay lập tức.
8. Đi tiểu ít hơn
Triệu chứng này thường xuất hiện kèm theo hiện tượng miệng lưỡi khô, da nhợt nhạt, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Lúc này, rất có thể trẻ đã bị mất nước nghiêm trọng. Nếu phát hiện da dẻ trẻ nhợt nhạt hoặc trẻ không tỉnh táo, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở ý tế gần nhất.
9. Môi xanh tím
Đây có thể là dấu hiệu liên quan tới tình trạng khó thở. Lúc này, trẻ có thể đã ngừng thở hoặc thở khò khè do dị ứng dẫn tới các vấn đề liên quan đến đường hô hấp hoặc lên cơn hen suyễn. Trong trường hợp này, hãy đưa trẻ đi khám ngay.
10. Sưng phù ở mặt, lưỡi hoặc môi
Trẻ có thể bị sưng phù ở mặt, lưỡi hoặc môi nếu bị dị ứng nghiêm trọng. Phụ huynh cần liên hệ ngay với bác sỹ để được tư vấn về biện pháp sơ cứu và nhanh chóng đưa trẻ đến phòng cấp cứu.
11. Nôn mửa sau khi bị ngã
Đặc biệt với trẻ nhỏ, nhiều khả năng đó là dấu hiệu của các vấn đề liên quan tới thần kinh. Lúc này, người lớn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay lập tức.
12. Chảy máu quá nhiều
Nếu trẻ bị đứt tay, chân và máu không ngừng chảy thậm chí vài phút sau khi được băng bó, hãy đưa trẻ đến khám bác sỹ chuyên khoa nhi để được xử lý vô trùng và chữa trị đúng cách.
Quan trọng là cha mẹ cần nhanh trí xử lý các tình huống của trẻ nếu trẻ không may gặp phải một trong các triệu chứng trên. Thậm chí nếu trẻ không gặp vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng đó là cách phòng trừ các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu tình trạng của trẻ không cải thiện sau khi khám bác sỹ, đừng ngần ngại đưa trẻ đi khám lần thứ hai.
Nguồn: Family