1. Đừng vội sân si
Rõ ràng, cùng nhau làm cùng một công việc, có cùng trình độ những đồng nghiệp được trả cao hơn sẽ khiến bạn vô cùng tức giận.
Tuy nhiên, lao vào phòng sếp làm ầm lên đòi tăng lương hoặc tỏ ra bất mãn thì thật là thiếu chuyên nghiệp. Hãy tạm gạt bỏ sự sân si trong lòng và hướng đến mục tiêu tăng lương.
Nên làm gì? Đầu tiên, hãy bình tĩnh và nhìn nhận lại mọi thứ. Tự hỏi bản thân: Liệu tôi có xứng với mức lương hiện tại, có đáng được tăng lương hay không?
Nếu câu trả lời chắc chắn là có, hãy hẹn riêng sếp và nói về chuyện này và đảm bảo, bạn đủ tự tin và trình độ để đòi hỏi quyền lợi cho bản thân.
2. Tránh đề cập đến tên đồng nghiệp hoặc mức lương cụ thể
Nhớ rằng, bạn đang kêu gọi quyền lợi cho bản thân chứ không phải đồng nghiệp. Cách bạn phát hiện ra mức lương "đáng ghen tị" kia quả thật không liên quan. Lương của bạn được trả dựa trên đàm phán ban đầu và giá trị mà bạn tạo ra cho công ty.
Nên làm gì? Hãy sử dụng giọng điệu tích cực, cho sếp thấy bạn đã chăm chỉ và đạt hiệu quả ra sao trong công việc hoặc, bạn cần phải làm gì tiếp theo để được tăng lương.
3. Tham khảo mức lương trên thị trường
Nhiều chị em chưa đào sâu nghiên cứu hoặc tham khảo đủ thông tin trên thị trường việc làm. Thông thường, ta cứ cho rằng chăm chỉ hơn hoặc thường xuyên tăng ca đã đủ để được tăng lương. Thực tế lại không đơn giản như vậy.
Nên làm gì? Cho sếp thấy bạn không phải "tay mơ," bạn có hiểu biết sâu sắc về mức lương của vị trí tương ứng trên thị trường tuyển dụng. Thậm chí, cho sếp thấy thứ hạng của bạn trong công ty để đưa ra khả năng phát triển tiềm năng cho bản thân.
Rõ ràng, người sếp tốt sẽ không để một nhân viên giỏi, có thành tích tốt bị liệt vào khung lương thấp - chỉ là, bạn cần mở lời và cho người quản lý thấy giá trị và hiểu biết của mình.
4. Đừng chấp nhận khi câu trả lời chưa thỏa đáng
Việc tăng lương không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, dù câu trả lời và lý do là gì, đừng nhún vai chấp nhận quá dễ dàng nếu chưa thỏa đáng.
Nên làm gì? Nếu câu trả lời của sếp là "không." Đã đến lúc xách túi ra đi, còn sếp chưa trả lời rõ ràng, hãy hỏi thật kỹ những gì bản thân cần làm để được tăng lương.
Hoặc, nếu câu trả lời là "ngân sách không đủ để tăng lương" - nên hỏi thời điểm chính xác để thảo luận lại về việc đó.
Ngoài ra, xét trên năng lực bản thân - hãy yêu cầu những quyền lợi khác bên cạnh việc tăng lương như thăng chức, tăng thời gian nghỉ phép...
5. Nếu mọi thứ vẫn vô lý một cách đáng ngờ, đừng cố gắng bám trụ
Tùy vào ngành nghề và trình độ, sẽ không thiếu cơ hội khác cho bạn trên thị trường tuyển dụng. Nếu sếp không có kế hoạch để bạn phát triển tiềm năng cũng như tăng lương cho bạn, chần chừ gì nữa mà không tìm kiếm công việc mới thích hợp hơn?
Nên làm gì? Tìm kiếm công việc mới càng sớm càng tốt, thu xếp công việc cũ và nói lời chia tay với sếp. Thường thì, công ty cũ sẽ cố gắng đàm phán khung lương mới để níu giữ bạn - nếu thực sự thỏa đáng thì bạn mới nên nghĩ đến chuyện ở lại.
Theo CNBC