Theo Bác sỹ Vũ Quang Hiếu, Cán bộ kỹ thuật Chương trình phòng chống bệnh lao – WHO Việt Nam: Bệnh lao do vi khuẩn lao, còn COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, tuy vậy, cả hai bệnh đều gây bệnh ở phổi, cần lưu ý, vi khuẩn lao có ở mọi nơi và ai cũng đều có thể mắc lao.
Trên 1/4 dân số thế giới bị nhiễm lao tiền ẩn, ở những nước có gánh nặng bệnh lao cao như Việt Nam, người dân có nguy cơ mắc lao cao hơn và nguy cơ này cũng cao hơn trong đại dịch COVID-19. Các nghiên cứu về mối liên quan giữa lao và COVID-19 vẫn đang được tiến hành nhưng có thể, người bệnh lao nếu mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ bị bệnh COVID-19 nặng hơn và cũng khiến việc điều trị lao trở nên khó khăn hơn.
Bác sỹ Vũ Quang Hiếu cho biết, ở Việt Nam, mỗi ngày có trên 400 người mắc bệnh lao; mỗi năm trung bình có trên 9.000 người chết vì bệnh lao. COVID-19 hiện nay đang gây ra gián đoạn các dịch vụ y tế thiết yếu, làm giảm rõ rệt số bệnh nhân lao mới được phát hiện, điều đó có nghĩa, người bệnh không được tiếp cận kịp thời dịch vụ y tế khiến cho việc điều trị lao bị gián đoạn. Tuy nhiên, mọi người đều có cơ hội ngay cả trong mùa dịch COVID-19 để có thể vừa phòng, chống lao và phòng, chống COVID-19 một cách hiệu quả. Điều cần nhớ ở đây là hãy luôn chú ý đến bệnh lao.
Để phòng, chống lao và phòng, chống COVID-19 hiệu quả, Bác sỹ Vũ Quang Hiếu cũng khuyến cáo cần đảm bảo bản thân, gia đình ở trong môi trường thông khí tốt nhất, tuân thủ nguyên tắc 5K, quan trọng cần tuân thủ vệ sinh hô hấp, đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách an toàn và tiêm vaccine phòng COVID-19. Nên xét nghiệm cả lao và COVID-19 khi có các triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt cao, khó thở.
Bác sỹ Vũ Quang Hiếu cũng đưa ra lời khuyên, cả hai bệnh đều có các triệu chứng giống nhau, nên xét nghiệm lao nếu người trong gia đình có tiền sử bị lao hoặc tiếp xúc với người bị lao. Lao là bệnh có thể dự phòng và điều trị khỏi.