NGƯỜI SÀI GÒN VÀ HÀ NỘI XEM CÀ RI LÀ MÓN ĂN GÌ?

Cà ri là một món ăn khá quen thuộc với nhiều người, được nấu với nhiều nguyên liệu khác nhau gồm thịt bò, gà, hay cả rau củ chay cũng có thể nấu thành cà ri. Nhưng để ra đúng hương vị và màu vàng đặc trưng của nó thì nhất định không thể thiếu loại gia vị bột cà ri vốn nổi tiếng của người Ấn Độ và Thái Lan. Sau đó tùy vào khẩu vị, thói quen ăn uống của từng người mà sẽ có cách nêm nếm, điều tiết gia vị, nguyên liệu hoàn toàn khác biệt. 

Nếu Ấn Độ là nước ăn cà ri nhiều nhất thế giới thì có một nơi ở miền Tây mà người dân ăn cà ri nhiều nhất Việt Nam, y như cách người Sài Gòn chọn cơm tấm để ăn sáng! - Ảnh 1.

Cà ri là món ăn quen thuộc tại những quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan,... nhưng ở Việt Nam nó cũng là một đặc sản.

Ở miền Bắc, có khá ít người thích cà ri nên cũng đồng nghĩa với việc rất ít tiệm bán món ăn này xuất hiện trên đường phố. Đối với người Hà Nội, cà ri có mùi khá nồng "hăng hăng khó tả" từ bột nghệ, đặc biệt là quá cay và cũng khó tiêu nên chẳng thà chọn ăn bò nấu vang (tương tự phá lấu Sài Gòn) vẫn tốt hơn là ăn cà ri. Trừ những dịp đặc biệt "lâu lâu một lần muốn đổi vị" thì may ra...

Trái lại tại miền Nam, cà ri là món ăn khá phổ biến và được rất nhiều người yêu thích bất kể già trẻ lớn bé. 

Hình ảnh một người Chăm tại An Giang đang cà và phối bột cà ri, rồi chế biến cà ri thành dạng sốt ướt dùng dần cho các món ăn. Ảnh: Người Đô Thị.

Theo một số tư liệu, nguyên do một phần vì những năm đầu 1870 cộng đồng người Ấn đã đến Sài Gòn làm ăn, buôn bán và sinh sống khá đông. Dần dần theo thói quen, món cà ri của người Ấn bắt đầu lan tỏa và len lỏi vào cuộc sống của người Sài Gòn, kéo theo hàng chục, thậm chí hàng trăm "phiên bản" cà ri khác nhau được phát triển để dần hợp khẩu vị với người miền Nam.

Tuy nhiên với người Sài Gòn mặc dù cà ri rất ngon, rất hấp dẫn nhưng nó cũng vẫn là một món có mùi vị quá nồng, khó tiêu và để nấu cho ngon cũng khá tốn kém. Nên người Sài Gòn chỉ xem nó là một món lâu lâu thèm thì ăn cho đã, và phổ biến nhất là thành món ăn "sang", xứng đáng cho vào menu đám tiệc đãi khách quý như: sinh nhật, đám giỗ, đám cưới, tân gia,... tương tự món heo quay hay vịt quay vậy.

THẾ MÀ Ở MIỀN TÂY CÓ MỘT NƠI NGƯỜI TA ĂN CÀ RI NHIỀU NHƯ CÁCH NGƯỜI SÀI GÒN ĂN CƠM TẤM!?

Đó chính là khu vực Sóc Trăng - nơi người dân ở đây xem cà ri như một món ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối. Nói chung, thích là ăn, thèm là ăn, buồn buồn bước chân ra đầu hẻm là có liền một phần cà ri ăn cho "đã cái nư". Đến mức nếu ví người Sài Gòn ăn cơm tấm nhiều đến thế nào thì người Sóc Trăng họ thích cà ri nhiều đến thế đó. 

Nếu Ấn Độ là nước ăn cà ri nhiều nhất thế giới thì có một nơi ở miền Tây mà người dân ăn cà ri nhiều nhất Việt Nam, y như cách người Sài Gòn chọn cơm tấm để ăn sáng! - Ảnh 3.

Hàng cà ri bình dân ở miền Tây trông như một tiệm bán bánh mì hay cơm tấm ở Sài Gòn.

Nồi nước cà ri ở miền Tây thường được nấu cùng với nước cốt dừa, sữa tươi để tăng độ béo, thơm.

Cho đến nay vẫn chưa có nhiều tài liệu ghi một cách cụ thể vì sao lại như thế. Nhưng theo tìm hiểu và nhiều ý kiến cho rằng, việc người Sóc Trăng mê cà ri cũng là do nơi đây từ xa xưa đã tập trung rất nhiều cộng đồng người Khmer chiếm khoảng 30,7 % dân số toàn tỉnh và 31,5 % tổng số người Khmer tại Việt Nam (theo Wikipedia). Mà người Khmer thì lại có truyền thống và thích ăn cà ri nên theo thời gian dài sinh sống ở Việt Nam, cộng đồng này đã phát triển và dần ảnh hưởng sang đời sống một cách tự nhiên.

Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì việc ăn cà ri đã không còn là sở thích của riêng người Sóc Trăng nữa, mà nó còn là đặc sản, là món ăn vô cùng quen thuộc của người An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc,... nói chung là lan rộng cả khu vực miền Tây. 

Nếu Ấn Độ là nước ăn cà ri nhiều nhất thế giới thì có một nơi ở miền Tây mà người dân ăn cà ri nhiều nhất Việt Nam, y như cách người Sài Gòn chọn cơm tấm để ăn sáng! - Ảnh 5.

Người miền Tây chọn ăn sáng, trưa hoặc cả buổi tối bằng cà ri trong khi người Sài Gòn chỉ ăn khi đi tiệc, hoặc thỉnh thoảng đổi vị.

Thời điểm dịch này nhiều hàng cà ri ở miền Tây cũng phải đóng cửa, thay vào đó họ bán để mang về nhiều hơn.

Điển hình như tại An Giang người ta còn tự làm gia vị cà ri ướt để chế biến món ăn, nó được đánh giá ngon và thơm hơn bột cà ri khô rất nhiều. Hay tại An Giang, Châu Giang,... có cộng đồng người Chăm theo đạo Islam thì cực nổi tiếng với món "cơm nị cà ri" rất ngon mà ai có tới nhất định không thể bỏ qua. 

Món cơm nị của người Châu Giang tại miền Tây được chế biến khá kỳ công. Nguồn: Khói Lam Chiều

Với nhu cầu phong phú như thế nên ở miền Tây người ta chế biến ra 1001 món làm từ cà ri khác nhau nhằm thay đổi khẩu vị. Ví như sáng có thể ăn: cơm cà ri, cà ri chấm bánh mì,... Trưa có hủ tiếu cà ri, bún cà ri,... Tối thì lai rai vài ly với cà ri lươn, cà ri dê là "số dzách". 

Điểm khác biệt lớn nhất ở món cà ri của người miền Tây so với một số nơi khác đó chính là họ dùng sữa hay nước cốt dừa hoặc là cả 2 để nấu cà ri (cũng có nơi không dùng 2 nguyên liệu này). Tuy nhiên với cách này sẽ giúp cho gia vị cà ri bớt nồng mà lại thơm, có vị beo béo, chút ngọt dễ chịu, vị đậm đà và tạo chút độ sệt rất hợp khi ăn với cơm hoặc chấm bánh mì. Nhưng nó không phải là yếu tố bắt buộc, mà còn tùy vào khẩu vị hoặc cách chế biến khác nhau của mỗi người, mỗi đạo.

Nếu Ấn Độ là nước ăn cà ri nhiều nhất thế giới thì có một nơi ở miền Tây mà người dân ăn cà ri nhiều nhất Việt Nam, y như cách người Sài Gòn chọn cơm tấm để ăn sáng! - Ảnh 8.

Cà ri của người miền Tây dùng rất nhiều loại nguyên liệu kết hợp. Thịt thì có: gà, vịt, lươn, chả, dê, lòng bò,... ngoài ra còn có khoai lang, khoai môn, cà rốt,... nên đây là món ăn cũng khá đầy đủ chất dinh dưỡng.

Phổ biến nhất là cà ri ăn với cơm, sau đó là dùng cùng bánh mì hoặc hủ tiếu, bánh phở,... tùy vào ý thích của mỗi người.

Ở miền Tây thật sự không khó để kiếm những hàng quán bán cà ri với tuổi đời 60 - 70 năm được truyền từ nhiều đời. Có người ăn cà ri gần như mỗi ngày và phải là bột cà ri nhập từ Ấn Độ, Malaysia,... thì ăn mới quen, mới đủ độ nồng, độ thơm cần có. Bởi đó là những loại nguyên liệu mà ở Việt Nam gần như không có để chế biến. 

Thậm chí tại Sài Gòn, một số tiệm bán chuyên về cà ri thì chủ quán cũng là người gốc Chăm, gốc Ấn ở miền Tây. Cụ thể hơn là chủ quán cà ri dê Musa nức tiếng khắp Sài Gòn suốt mấy chục năm qua là người Chăm từng sống ở tỉnh An Giang lên Sài Gòn lập nghiệp và thành công với món cà ri dê thơm ngon, "ăn tiền" bởi hương vị đặc trưng không nơi nào có thể bắt chước theo.

Nếu Ấn Độ là nước ăn cà ri nhiều nhất thế giới thì có một nơi ở miền Tây mà người dân ăn cà ri nhiều nhất Việt Nam, y như cách người Sài Gòn chọn cơm tấm để ăn sáng! - Ảnh 10.