Mùa hè đến mang theo cái nắng oi ả và kéo theo đó là nỗi lo về tác hại của nắng tới làn da của chúng ta. Bạn có thể chống nắng bằng nhiều cách, như bôi kem chống nắng hay che chắn thật kĩ khi ra ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bất đắc dĩ phải ở quá lâu bên ngoài dưới trời nắng gắt, như đi biển hay làm việc, bạn vẫn có nguy cơ bị cháy nắng
Bổ sung nước
Da là cơ quan rộng lớn nhất của cơ thể, chính vì vậy, chúng ta có thể bị mất rất nhiều nước khi bị cháy nắng, từ đó gây ra nhiều triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi và buồn nôn. Việc uống nước vào lúc này giúp bổ sung lại lượng nước đã mất, giúp da mau chóng lành lại từ bên trong.
Làm mát da với sữa hoặc nước lạnh
Những vùng da bị cháy nắng sẽ bị đỏ ửng, nóng rát và đau đớn. Để tránh tổn thương sâu hơn, bạn cần làm mát da ngay lập tức bằng cách dội nước mát hoặc ngâm khăn tắm với nước lạnh rồi đắp lên các vùng da bị ảnh hưởng. Nếu có thể, hãy thử làm dịu da với sữa, và đừng rửa sạch ngay lập tức. Điều này giúp bổ sung một lớp màng protein bảo vệ da.
Dùng thuốc chống viêm
Nếu tình hình nghiêm trọng và bạn không thể chịu đựng được các cơn đau rát, hãy sử dụng một số loại thuốc chống viêm có chứa Ibuprofen hoặc Naproxen. Các loại thuốc này sẽ giúp cắt giảm những cơn đau âm ỉ, đau nhức như kim châm trên da, đồng thời ngăn ngừa sưng tấy.
Sử dụng các loại gel, kem dưỡng ẩm
Để chăm sóc làn da bị cháy nắng, hãy sử dụng các loại gel hay kem dưỡng ẩm có chứa những thành phần tự nhiên như lô hội, bạc hà, long não hoặc đậu nành. Không chỉ giúp làm dịu da, giúp da đỡ căng rát ngay tức thì, các loại kem này còn làm giảm tình trạng da bong tróc vào ngày hôm sau. Lưu ý không sử dụng các loại kem dưỡng có chứa các thành phần petroleum, benzocaine, lidocaine vì chúng có thể khiến da có cảm giác nóng hơn hoặc gây kích ứng cho làn da đang nhạy cảm.
Không tác động mạnh vào những vùng da bị phồng rộp
Hãy thật cẩn thận và tuyệt đối không được làm vỡ các vùng da bị phồng rộp lên vì tình hình sẽ tệ hơn, rất có thể còn khiến bạn bị nhiễm trùng. Cách tốt nhất để giải quyết lúc này là thoa thuốc và để chúng tự lành lại.
Đến gặp bác sĩ
Nếu bạn có các dấu hiệu như mệt mỏi, chóng mặt, mạch đập nhanh, buồn nôn, sốt rét, phát ban hay bị phồng rộp nặng, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia y tế ngay lập tức vì tình hình cháy nắng của bạn nghiêm trọng hơn bạn nghĩ rất nhiều!
Nguồn: Washingtonian